Tại cuộc họp, Sở Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã trình bày dự thảo báo cáo kết quả hoạt động Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh Nghệ An năm 2018.
Theo báo cáo, năm 2018, Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để công tác quản lý nhà nước về ATTP của tỉnh được thực hiện tốt. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và các huyện, thành thị cũng đã tích cực triển khai nhiệm vụ trên từng lĩnh vực phụ trách, phân cấp và phân công. Công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn có những sự chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thanh kiểm tra, xử lý.
Tuy nhận thức về ATTP của người dân đã được nâng lên đáng kể, nhưng năm 2018, trên địa bàn vẫn xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm, với 57 người mắc, trong đó có 4 người tử vong. 4 người tử vong này là do uống rượu ngâm rễ cây rừng không rõ nguồn gốc.
Tại cuộc họp, các thành viên ban chỉ đạo tập trung phân tích khó khăn, hạn chế trong công tác bảo đảm ATTP ở tỉnh, đó là: Quy mô sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn nhỏ lẻ, manh mún. Nhiều cơ sở vì lợi nhuận vẫn cố tình vi phạm trong việc sử dụng chất cấm, chưa chú trọng các điều kiện đảm bảo ATTP. Lực lượng làm công tác ATTP ở cấp huyện, xã còn mỏng và yếu chuyên môn. Công tác tuyên truyền ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Chưa có chế tài xử phạt việc quảng cáo thực phẩm trên mạng xã hội. Công tác xử lý vi phạm của các cấp chính quyền còn nể nang...
Kết luận cuộc họp, đồng chí Thái Thanh Quý yêu cầu Sở Y tế hoàn thiện lại báo cáo, trong đó cần nêu rõ những cơ quan, đơn vị, địa phương chưa làm tốt công tác đảm bảo ATTP và cần đánh giá rõ chất lượng hoạt động của các thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh; thực hiện tham mưu kiện toàn Ban chỉ đạo cấp tỉnh, có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Tỉnh Đoàn và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh đã có những chỉ đạo cụ thể về phương hướng hoạt động đảm bảo ATTP trong năm 2019, đó là: Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân về ATTP. Khi thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần lưu ý đến đối tượng hướng tới, tránh hình thức, tránh tình trạng giải ngân. Để tuyên truyền hiệu quả cần đổi mới tư duy, cách thức, hình thức, với sự tham gia của tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương.
Sở Y tế chủ trì việc rà soát, lấy ý kiến của các sở, ban, ngành địa phương về hệ thống văn bản quản lý nhà nước, tham mưu cho Ban chỉ đạo cấp tỉnh gửi Ban chỉ đạo Trung ương sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Sở Y tế sớm tham mưu cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý cả năm. Kế hoạch này cần nêu rõ hoạt động của từng đơn vị, nội dung và đối tượng cần tập trung trong những thời điểm và địa bàn cụ thể để tránh sự chồng chéo. Các thành viên Ban chỉ đạo theo sự phân công phải có mặt để tham gia các đợt kiểm tra này.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có những ý kiến giải quyết kiến nghị của các thành viên ban chỉ đạo như vấn đề phần mềm quản lý ATTP hay việc 3 năm chưa bố trí ngân sách đối ứng để xây dựng mô hình điểm Chợ ATTP ở Chợ Cầu, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn./.