Chủ trì hội thảo có các đồng chí: PGS. TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Thạc sĩ Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa hoa và Công nghệ; Thạc sĩ Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương.
Cùng dự có các đồng chí: Lữ Văn May - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tương Dương; đại diện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Sử học Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội…
Tại Hội thảo, nhiều báo cáo tham luận đã được trình bày, theo đó, tập trung vào 2 nội dung chính là danh xưng Tương Dương qua tài liệu lưu trữ và Tương Dương vùng đất và con người. Các tham luận đã phần nào làm rõ hơn thời điểm xuất hiện danh xưng Tương Dương. Qua đây, thấy được sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong việc tìm thời điểm có danh xưng Tương Dương.
Theo tài liệu Hội thảo khoa học, đất Tương Dương xưa gọi là Kiềm Châu, đời Trần gọi là Mật Châu. Sang thời thuộc Minh gọi là châu Trà Long (có sách viết là Trà Lung), sau lại đổi là châu Trà Thanh. Sang thời Lê gọi là phủ Trà Lân, có 4 huyện (thường gọi là tứ lân).
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Quang Thuận năm thứ 10 (1469) thì huyện Tương Dương là 1 trong 4 huyện thuộc phủ Trà Lân. Minh Mệnh năm thứ 2 (1821), triều đình nhà Nguyễn đổi phủ Trà Lân thành phủ Tương Dương. Phủ kiêm lý 4 huyện Tương Dương, Vĩnh Hòa, Hội Nguyên và Kỳ Sơn. Đến niên hiệu Minh Mệnh thứ 9 thì đặt chức tri huyện, nhưng sau đó lại bỏ huyện, trở lại cho phủ kiêm nhiếp.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đất và người Tương Dương có vị trí cực kỳ quan trọng. Là nơi ghi lại công lao đóng góp của Lý Nhật Quang với con đường thượng đạo đi từ Đô Lương qua Anh Sơn lên thành Trà Long rồi lên Tương Dương và Kỳ Sơn. Là nơi có nhiều đóng góp cho nghĩa quân Lam Sơn dấy binh chống quân Minh gắn với những địa danh như thành Huồi Xá, bản Nga My, Xiềng Men, Mường Pồ…
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lữ Văn May - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy trân trọng cảm ơn các đại biểu đã dành nhiều thời gian, tâm huyết, trí tuệ, giúp huyện Tương Dương có được những căn cứ khoa học đáng tin cậy nhất để có căn cứ về thời điểm xuất hiện danh xưng Tương Dương. Việc xác định danh xưng Tương Dương đã trở thành nỗi niềm đau đáu của nhiều thế hệ lãnh đạo huyện, là khát vọng thiết tha của đồng bào các dân tộc trong toàn huyện.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra một số mốc về thời điểm ra đời danh xưng Tương Dương (1466, 1469, 1820...). Tuy nhiên, chủ trì hội thảo và đại biểu cơ bản nhất trí lựa chọn năm 1469 là năm ra đời danh xưng Tương Dương với tư cách là đơn vị hành chính cấp huyện, trên cơ sở nguồn tư liệu xác đáng với độ tin cậy.
Việc xác định danh xưng Tương Dương sẽ góp phần giáo dục các thế hệ hôm nay truyền thống tốt đẹp, khơi dậy niềm tự hào và tình yêu quê hương của đồng bào các dân tộc huyện Tương Dương. Từ đó, sẽ cùng nhau chung tay vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu vươn lên, quyết tâm xây dựng quê hương Tương Dương càng giàu đẹp, văn minh.