Cảnh báo của Bác đối với những cán bộ mang tư tưởng phong kiến, những "ông quan cách mạng", đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”. Sau Tuyên ngôn trịnh trọng ấy với thế giới vào 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí minh đã đề nghị tổ chức cuộc Tổng tuyển cử khóa I và Người nêu rõ quan điểm: không nên bầu cho những “ông quan cách mạng”.
Cảnh báo của Bác đối với những cán bộ mang tư tưởng phong kiến ấy, đến nay vẫn còn nguyên giá trị dù chúng ta đã có hơn 70 năm xây dựng nhà nước “của dân, do dân và vì dân”.
Chỉ một ngày trước Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập ngày 6/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Việt Nam học xá (nay là Trường đại học Bách khoa Hà Nội) dự Lễ ra mắt các ứng cử viên trước toàn thể nhân dân Thủ đô.
Chính tại đây, Người thân mật căn dặn: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”. Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đưa ra cảnh báo sớm như vậy về những “ông quan cách mạng”?.
PGS.TS Đoàn Thế Hanh, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, bản chất nhà nước là quan liêu. Tham nhũng là một trong những đặc trưng của các loại hình nhà nước.
Chúng ta xây dựng nhà nước mới thì tiêu chí đầu tiên là cán bộ, đảng viên, thậm chí cả bộ máy nhà nước phải đạo đức, văn minh, hướng đến nhân dân là chủ thể. Cho nên phải chọn những con người có đủ năng lực, phẩm chất thì mới đảm đương được công việc của nhà nước mới, khác xa so với nhà nước có giai cấp.
Một nhà nước mới “của dân, do dân và vì dân”, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là nhà nước do nhân dân xây dựng để phục vụ lợi ích của dân tộc và nhân dân chứ không phải để cai trị dân.
Người nêu rõ: Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ, từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để “đè đầu dân” như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Quan điểm và thái độ này của Bác cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Theo PGS.TS Ngô Văn Thạo - nguyên Vụ trưởng Vụ lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương, về mặt bản chất cũng như biểu hiện, những ông “quan cách mạng” trước đây và hiện nay không khác nhau là mấy.
"Bác Hồ nói “quan cách mạng” là để chỉ những người giữ chức vụ dù to hay nhỏ trong quan hệ với dân như những ông quan thời phong kiến với những biểu hiện như tham ô, lãng phí, quan liêu, sau này chúng ta nói nhiều đến từ “ tham nhũng”.
Đến hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Trung ương đã vạch rõ 27 biểu hiện với 3 nhóm gồm: suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức lối sống và tự diễn biến, tự chuyển hóa” – PGS.TS Ngô Văn Thạo cho biết.
Tại một hội nghị về công tác dân vận vào tháng 5/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ ra các ông “quan cách mạng" thời nay, rằng: “Một số người có chức, có quyền còn tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách ở địa phương nào, đơn vị nào thì như ông vua con, thậm chí có những cá nhân, tập thể bị trù dập, ức hiếp.
Trong khi ở nhiều nơi, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều nhu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được đảm bảo thì lại có những cán bộ đảng viên chỉ lo vun vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha, thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng.
Theo GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, hiện nay, dư luận nhân dân nhìn vào cán bộ, đảng viên không phải bằng công việc họ làm mà nhìn vào phẩm chất, phong cách, lối sống của cán bộ.
Nếu đạo đức của cán bộ, đảng viên tốt thì sức lan tỏa rất lớn, nhưng nếu sự suy thoái đạo đức trong Đảng, trong cán bộ, đảng viên diễn ra phổ biến thì tác động lại xã hội rất ghê gớm. Do đó, xây dựng Đảng về đạo đức có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Để khắc phục tình trạng trên, PGS.TS Ngô Văn Thạo nhấn mạnh, chúng ta không thiếu công cụ và phương tiện. Đảng có điều lệ, quy định, nghị quyết. Nhà nước ban hành luật. Chính phủ có Nghị định để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Vấn đề đặt ra là thi hành như thế nào và quan trọng hơn là vai trò của người đứng đầu trong việc nhận diện và xử lý các trường hợp ông “quan cách mạng”.
“Có dám làm, quyết tâm không, có đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của dân tộc lên trên hay không? Bởi vì, xử những vấn đề trong nội bộ là điều rất đau, không ai muốn kỷ luật đồng chí này, đồng chí kia nhưng phải vì cái chung” – ông Ngô Văn Thạo nhấn mạnh.
Ông rất tâm đắc với câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Lò đã nóng lên thì củi tươi vào cũng phải cháy. Như vậy, vai trò của người đứng đầu là rất lớn, hơn nữa, nếu không dựa vào dân, nhất là trong công tác tổ chức, đề bạt cán bộ thì khó mà có những cán bộ tốt.
Phải “lôi cổ những ông quan cách mạng này xuống”. Đó là thái độ kiên quyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, viết năm 1947. Những lời di huấn thiêng liêng của Người đối với những cán bộ không làm tròn trách nhiệm nhân dân giao phó, không thực sự là công bộc của dân, lợi dụng chức quyền để vơ vét cá nhân… vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay./.
Theo VOV