Quy trình thẩm định phải được đặt ra để một chính sách phải giải trình được là rất quan trọng chứ không phải Quốc hội “xắn tay” vào làm luật.

Trong một phiên họp chuyên đề về pháp luật mới đây, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Đảng đã xác định một trong những điểm nghẽn đối với sự phát triển chính là thể chế. Chính phủ cũng đã nỗ lực trình Quốc hội thông qua nhiều văn bản pháp luật, tuy nhiên mới đáp ứng được một phần yêu cầu phát triển đất nước, vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập trong xây dựng thể chế, pháp luật.

Chính điểm nghẽn đó nên Chính phủ tập trung vào thể chế với mục đích phải gỡ dần để thể chế pháp luật, chính sách gần hơn nữa với cuộc sống.

Vậy phải giải quyết những vấn đề gì để pháp luật sát hơn nữa với cuộc sống là nội dung cuộc trao đổi của phóng viên VOV với Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng trao đổi với phóng viên của VOV

PV: Thưa ông, Quốc hội là cơ quan có quyền lập pháp, nhưng ở Việt Nam, có tới 95% các văn bản pháp luật là do Chính phủ soạn thảo và trình Quốc hội thông qua. Điều này cần được hiểu thế nào cho đúng bản chất vấn đề?

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Quyền lập pháp không phải là quyền làm luật, mà là quyền cho phép ban hành pháp luật. Đó là lý do tại sao Chính phủ trình tới 95% văn bản luật, Chính phủ có nhu cầu nhiều hơn về pháp luật, muốn điều chỉnh hành  vi thì phải có luật, sau đó trình sang Quốc hội. Quốc hội sẽ xem xét dựa trên lợi ích của cử tri, của người dân với luật đó, xem xét luật đó có thể tạo điều kiện cho Chính phủ, các bộ ngành nhưng có tạo điều kiện cho người dân hay không. Do vậy, quyền lập pháp ở đây được hiểu là quyền thông qua luật, chứ không phải quyền làm luật.

PV: Chúng ta vẫn nói pháp luật ngày càng được hoàn thiện; chất lượng các văn bản luật ngày càng được nâng cao nhưng thực tế có nhiều luật gần như không thể thực hiện được cho đến khi có văn bản hướng dẫn. Đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa khắc phục được hoàn toàn tình trạng “luật chờ nghị định”. Ông lý giải điều này như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng:Thực chất có 2 loại luật: luật chi tiết và luật khung. Luật chi tiết có thể điều chỉnh trực tiếp hành vi. Còn luật được ban hành là khung hành động thì thiếu hướng dẫn cụ thể sẽ khó thực hiện. Vấn đề ở đây là nên chọn luật nào, có ý kiến ủng hộ luật chi tiết, đã ban hành là phải thi hành được. Cũng có ý kiến cho rằng nên có luật khung để Chính phủ có thể chủ động thay đổi được.

Tôi nghĩ rằng, nếu mọi chuyện đã cố định, đã rõ ràng thì nên có luật chi tiết; còn nếu bản thân nhà lập pháp cũng chưa biết nó sẽ thế nào, chưa có kinh nghiệm thực tiễn thì luật khung là phù hợp.

Không chỉ nước ta, mà tất cả các nước đều tồn tại 2 loại luật như vậy. Nhưng nếu có một nền công vụ hiệu năng, tận tụy, vì người dân thì người ta sẽ ban hành luật khung nhiều hơn. Bộ máy công vụ đó sẽ chọn phương án tốt nhất để có thể xử lý.

PV: Việc giao quyền soạn thảo văn bản luật cho các Bộ sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan này “cài cắm” quyền năng của mình vào luật, có đúng không thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Điều này là đương nhiên và không thể xóa bỏ được, bộ ngành nào cũng vậy. Nhưng trách nhiệm của Quốc hội là phải thẩm định được vấn đề này, phải thiết kế được quy trình thẩm định thật chuẩn để có thể thẩm định được. Đây là công việc rất quan trọng của Quốc hội.

Nếu ban hành một luật, đẻ ra những điều chỉnh mà không có cơ quan thì rất khó. Do vậy, khi giao quyền điều hành một luật cho Chính phủ, Chính phủ có thể giao cho Bộ, như vậy không nhất thiết phải “đẻ” ra cơ quan. Đó là cách làm luật của ta, Thủ tướng cũng đã quy định như vậy thì chắc là tốt theo cách của ta. Còn để tốt theo quy chuẩn của thế giới, cần phải tính lại tư duy này khi pháp luật được ban hành sẽ phụ thuộc vào Thủ tướng hoặc Bộ trưởng.

Ở các nước, một đạo luật được ban hành có thể hình thành lên một cơ quan, đó là một cơ quan Nhà nước, cơ quan quyền lực công có thẩm quyền và trên cơ quan ấy chỉ là luật chứ không phải là Bộ trưởng, thậm chí Thủ tướng. Thủ tướng cần thì sửa luật; nhưng Thủ tướng hay Bộ trưởng sai, bộ máy công vụ đó, cơ quan quyền lực công đó có thể truy tố cả bộ trưởng. Nếu chúng ta đi theo thế giới như vậy thì hệ thống pháp luật mới đáng tin cậy, các vấn đề của cuộc sống mới được giải quyết. Nếu dồn mọi việc lên Thủ tướng như bây giờ thì rất khó, không ai có “ba đầu sáu tay”.

PV: Với quy trình xây dựng luật như của ta hiện nay, việc Quốc hội, các đại biểu Quốc hội loại bỏ hoặc yêu cầu sửa lại những điều luật, có khó không thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Điều này hoàn toàn không khó, nếu Quốc hội không để bộ ngành “thuyết phục” hay tìm cách “quan hệ”. Nếu bộ trưởng không giải trình được trước Quốc hội thì Quốc hội không chấp nhận. Quốc hội là cơ quan thẩm định, bộ nói cái này có lợi cho dân thì phải chứng minh, còn nếu không giải trình được có khi còn phải từ chức. Như vậy, quy trình thẩm định phải được đặt ra để một chính sách phải giải trình được là rất quan trọng chứ không phải Quốc hội “xắn tay” vào làm luật. Nếu Quốc hội thẩm định thấy có sự đụng chạm lợi ích hay lợi ích nhóm thì bác bỏ.

Việc chúng ta vẫn còn những điều luật mang lợi ích cục bộ là do khâu thẩm định và soạn thảo có vấn đề. Vấn đề ở khâu soạn thảo là lợi ích của ngành, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm đã được coi trọng hơn lợi ích quốc gia, lợi ích của toàn dân. Vấn đề ở khâu thẩm định có thể xảy ra hai trường hợp: một là năng lực thẩm định, quy trình thẩm định chưa đủ tốt; hai là có thể bị cơ quan soạn thảo tìm cách “thuyết phục”.

PV: Có chuyên gia pháp luật nói rằng, việc xây dựng luật phải như việc “vá săm lốp”, nên hiểu ý này như thế nào, theo ông?

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Nên hiểu ở nghĩa tích cực, chỗ nào hỏng, có vấn đề thì mới xử lý; chỉ hỏng có một chỗ không thể phá cả cái lốp. Cũng như cái nhà bị dột ở một góc thì dỡ viên ngói ra thay viên ngói khác, đừng dỡ cả cái nhà xuống. Hoạt động lập pháp theo kiểu dỡ cả cái nhà ra để làm lại sẽ rất tốn kém.

Tôi ủng hộ quan điểm này, nhưng cần hiểu một cách chính xác hơn đó là phải xuất phát từ vấn đề, có vấn đề mới làm luật, không nên nghĩ rằng luật là tốt mà “đẻ” ra vô tận. Hãy làm luật để giải quyết những ách tắc trong cuộc sống hay những khó khăn người dân phải đối mặt. Như vậy, Quốc hội là thiết chế được sinh ra để canh giữ quyền tự do của nhân dân, vì họ đại diện cho nhân dân, là cơ quan thẩm định, là một thiết chế để hạn chế việc làm quá nhiều luật, chứ không phải cơ quan sinh ra để làm thật nhiều luật để cai trị.

PV: Vậy theo ông, chúng ta phải “gỡ” như thế nào và từ đâu để thể chế pháp luật, chính sách của chúng ta sát hơn nữa với cuộc sống?

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Quan trọng nhất theo tôi phải thay đổi quy trình làm luật và triết lý làm luật. Hãy làm luật khi cuộc sống cần, đừng làm luật vì luật. Khi cuộc sống có vấn đề, hãy chứng minh rằng vấn đề đó chỉ có thể xử lý được bằng pháp luật.

Quan trọng nhất, theo tôi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải vận hành, bởi quyền giải thích pháp luật trong hệ thống của ta là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một điều luật được ban hành có bị trái với pháp luật hay không thuộc về thẩm quyền của cơ quan này.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo VOV