762362_small_44610.jpg
(Baonghean.vn)- Gần đây, chữ Thái được công nhận là một trong 8 chữ viết dân tộc thiểu số được phép tổ chức dạy và học. Tại các lớp học của Câu lạc bộ chữ Thái xã Châu Cường (Quỳ Hợp, Nghệ An) đã có hàng trăm người dân hào hứng đến lớp, cho thấy chữ Thái có sức sống và đang được hồi sinh.

Câu lạc bộ (CLB) học chữ dân tộc Thái xã Châu Cường đã được thành lập theo Quyết định số 285/QĐ-UBND ngày 3/4/2006 của UBND huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Trong hai khoá học vừa qua, những thành quả ban đầu mặc đầu còn khiêm tốn, nhưng đã tạo được động lực và gây dựng niềm tin để UBND xã tiếp tục mở thêm các khoá học khác, phục vụ mục tiêu bảo tồn và phát triển văn hoá của địa phương.

 

Trong định hướng, CLB sẽ duy trì hoạt động bằng việc chú trọng vào việc dạy và học chữ Thái lai - tay. Chữ Thái hệ lai - tay là hệ chữ Thái cổ có nguồn gốc lâu đời và được sử dụng phổ biến cho tất cả các loại văn bản hành chính trong xã hội Thái phong kiến ở Mường Ham (Quỳ Hợp, Nghệ An) thời xưa. Khi được học về chữ Thái cổ hệ lai - tay, các học viên có thể đọc và hiểu được các văn bản chữ Thái cổ, trong gia đình, họ tộc… Cùng song song, các hoạt động gián tiếp cũng được quan tâm để phát triển cho phù hợp tuỳ theo những điều kiện cụ thể trong hoàn cảnh mới.

 

Câu lạc bộ khai giảng khoá 2 vào ngày 30/6/2007, công việc chỉnh lý, bổ sung lần 1 đối với cuốn “Tài liệu hướng dẫn học chữ Thái” cũng đã hoàn thành.

 

Bộ sách “Tài liệu hướng dẫn học chữ Thái” cả thảy có 6 quyển. Được biết, ở Việt Nam có 8 hệ chữ Thái khác nhau, thì đến thời điểm này CLB chữ Thái xã Châu Cường đã được tiếp nhận 6 hệ chữ Thái. Theo đó, mỗi hệ chữ cùng với tất cả các quy luật về ngữ âm của nó, được định danh thành một quyển trong bộ sách này, và được sắp xếp theo thứ tự “tiếp nhận” của CLB. Cụ thể như sau:

 

- Quyển I: Hệ chữ lai - tay. Phạm vi sử dụng: các huyện miền núi Tây Bắc của tỉnh Nghệ An (Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông…).

- Quyển II: Hệ chữ lai - xứ Mường Ham. Phạm vi sử dụng: CLB chữ Thái xã Châu Cường, Quỳ Hợp và các thành viên ở nhiều địa phương khác nhau.

- Quyển III: Hệ chữ lai - xứ Mường Muổi. Phạm vi sử dụng: Các tỉnh Sơn La, Lai Châu…

- Quyển IV: Hệ chữ lai - xứ Mường Mùn. Phạm vi sử dụng: tỉnh Hoà Bình.

- Quyển V: Hệ chữ lai - xứ Thái Thanh. Phạm vi sử dụng: tỉnh Thanh Hoá và một số huyện miền Tây Bắc Nghệ An, nơi có người Thái Thanh sinh sống.

- Quyển VI: Hệ chữ lai - pao. Phạm vi sử dụng: huyện Tương Dương (Nghệ An) và một số địa phương nằm dọc theo đường số 7.

 

Nội dung các bài đọc trong mỗi quyển sách cũng mang tính đồng nhất. Những bài đọc đó được và trích dẫn từ các bài nhuôn, các bài mo cúng, các bài đồng dao và cả một vài sáng tác của các tác giả thời nay. Mỗi bài khoá gồm hai bài đọc với nội dung tách biệt, phù hợp với nhu cầu học của cả người lớn tuổi và học sinh phổ thông; mặt khác cũng bám sát với các nội dung về văn hoá và phong tục tập quán của người dân Thái. Thực tế cho thấy, một số học viên lớn tuổi sau khi học xong đã có thể nắm bắt thêm nhiều nội dung và trình bày một vài bài cúng đơn giản (đối với gia tiên) trong phạm vi gia đình. Ngoài việc được biết về chữ Thái thì đây là một điều khích lệ lớn đối với nhiều học viên, bởi đã đáp ứng được phần nào nhu cầu của bản thân và gia đình họ.

 

Ngày 02/8/2008 vừa qua Câu lạc bộ đã khai giảng lớp học khoá 3 cho 35 học viên là bà con địa phương. Lớp học này được cho là “gọn nhẹ” nhất so với các khoá trước (thời điểm đông nhất lên đến 200 học viên). Điểm khác biệt đáng kể là từ khoá học này trở đi, mọi hoạt động và định hướng cơ bản của lớp học sẽ được gắn kết với định hướng chung của Mạng lưới Bảo tồn và Phát triển chữ Thái Việt Nam (VTIK) do Chương trình Thái học thuộc Đại học Khoa học xã Hội và Nhân văn giữ vai trò điều phối.

 

Sự hồi sinh của chữ Thái trong môi trường cuộc sống cộng đồng người dân bản địa đang lần lượt đánh thức các giá trị di sản văn hoá phi vật thể, làm cho các giá trị này tiếp tục phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của cuộc sống đương đại. Trong một lời dẫn từ UNESCO, Giáo sư Deborah Wong của Đại học Riverside, California, Hoa Kỳ, đã khẳng định: “Một trong những đặc điểm chủ yếu của di sản văn hoá phi vật thể là nó được các cộng đồng và các nhóm tái tạo không ngừng (...). Không có sự tái tạo, không có đời sống đương đại, một sinh hoạt văn hoá truyền thống chỉ có thể có giá trị trong viện bảo tàng”.

 

Ghi nhận tại các lớp học của Câu lạc bộ chữ Thái xã Châu Cường (Quỳ Hợp, Nghệ An) trong các khoá học vừa qua là người dân đã hào hứng đến lớp không kể tuổi tác, dân tộc và ngành nghề hay công việc mà họ đang làm… Dù trước mắt vẫn đơn thuần chỉ là sự chia sẻ vốn hiểu biết, học tập lẫn nhau, nhưng quan trọng là chữ Thái lại tiếp tục được truyền đạt lại cho thế hệ sau.


Bài: Sầm Văn Bình, ảnh: Võ Ngọc Sơn - Châu Quang, Quỳ Hợp, Nghệ An