(Baonghean) - Đã từng nghe giọng hát bà cất lên bên thềm nhà nghiêng nắng một chiều phố Vinh với bao chất chứa thăng trầm, đã từng nghe bà nhặt khoan trên chiếu hát những kỳ dự hội liên hoan với đầy nỗi đắm say, da diết, và hôm nay, giữa không gian làng Bèo, tiếng hát ấy như tụ cả trăm năm thương nhớ trong một câu luyến láy, rằng: “Người ơi… Xuống dưới sông Lam tìm con cá lội/ Lên núi Hồng Lĩnh hái một trái sim/ Chứ có thương nhau nên em mới đi tìm/ Bây Dừ kháp mặt, như Kim kháp Kiều”.

Cả một đời, nghệ nhân Nguyễn Thị Am gắn bó với ngôi làng của mình. Bà nói: “Tui chẳng đi mô được khỏi đất Kẻ Bèo ni”. Sinh ra, lớn lên, cả khi lấy chồng, có con thì bà vẫn thủy chung với mảnh đất này, dẫu chồng bà - Nhà giáo Ưu tú Trần Đức Mai, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Nghệ An - cả quãng dài sống ở Vinh và mang theo cô con gái út lên chăm bẵm. Người nghệ nhân thuần hậu ấy tự hào về quê hương với bao trầm tích văn hóa: “Nghe tin Bèo Hậu diễn trò/Từ truông đến lứ bán bò đi xem”. Ngày ấy, làng trên, xóm dưới nườm nượp kéo đến đất Kẻ Bèo ni xem hát. Mưa, cũng mang tơi, đội nón đứng xem. Rồi, bà quết nước trầu, phe phẩy quạt mo thong thả với hồi ức: Ngày xưa, đây (Quỳnh Hậu - Quỳnh Lưu) là một cái làng rộng lớn. Có rất nhiều đền, miếu, nào đền Đông, đền Tây, đình Trung, nhà Văn Thánh - Võ Thánh. Hội làng kéo suốt giêng hai, nào hát ghẹo, hát tuồng… Ngay cả khi không có hội thì mảnh đất này cũng đầy tiếng hát. Người ta hát trên đồng khi làm lụng vất vả, hát nơi đầu ngõ những đêm trăng thảnh thơi. Bởi thế mà người người gắn bó với nhau lắm.

images1012061_p5257013.jpgNghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Am
Trong đôi mắt đã bắt đầu mờ đục, ánh nhìn bà thốt nhiên xa xăm như ở cõi nào. Bà đang trở về quãng thời gian thơ trẻ, của gần 80 năm đã qua. Ngày ấy, gia đình bà có nghề mộc, cha bà vốn là một người thợ tài hoa đã từng làm kinh ngạc quan Pháp với chiếc xe đạp mà ông tự sáng chế hoàn toàn bằng gỗ và tre. Bà Nguyễn Thị Am chào đời trong một gia đình nổi tiếng mê hát. Mê hát đến mức ông nông dân giỏi nghề mộc Nguyễn Văn Quán (cha của bà) dám “nuôi” trong nhà mình một gánh hát tuồng. Nguyễn Thị Am, vì thế, biết đến sân khấu từ ngày bé xíu. Bà đã theo cái gánh tuồng ấy mà lớn lên… Lên 5, đã có lần cô bé Am cùng một người bạn gái trong làng trốn theo sau cha mẹ đi xem đám hát đến ngủ quên nơi sân đình. Ông Quán xem hát xong trở về, không thấy con gái đâu, chạy nhào đi tìm. Thấy con đang ngủ ngon lành một góc sân đình, vội ôm con vào lòng mà nói: “Con bé này lớn lên, rồi cũng không dứt được cái “nghiệp” hát”.  Lên 8, bà đã biết hát tuồng. Lên 10, bà đã đứng trên sân khấu. Nhỏ tuổi, nhưng cô bé Am luôn làm người lớn ngạc nhiên vì thuộc rất nhanh lời hát, lời thoại, điệu bộ. Những tràng pháo tay giòn giã của người dân Kẻ Bèo trong ký ức cô bé 9, 10 tuổi theo bà đến giờ, khi bà đã bước vào tuổi 82. 
 
Bà Nguyễn Thị Tố, người bạn năm xưa ngủ quên trên góc sân đình vừa về thăm quê sau những năm tháng theo con vào Thành phố Hồ Chí Minh sống, lần tìm sang nhà bà Am góp chuyện: “Nhà bà Am xưa nổi danh hàng tổng về ca hát đó. Ông cụ Quán luôn là “tay” hát chính bên nam trong các cuộc thi đối đáp. Ông ấy thuộc nhiều làn điệu cổ, và bà Am cũng được thừa hưởng niềm đam mê, nét tài hoa của ông cụ. Dân Bèo Hậu tui, ai ai cũng tự hào vì làng quê mình có được cụ Quán, dừ lại có con cụ là bà Am đây. Tụi tui ngày xưa, đâu được học hành đến nơi đến chốn, nhưng đam mê phong trào lắm. Tui sinh hoạt chi đoàn có bà Am đây làm Phó Bí thư, lại còn kiêm thêm Ủy viên BCH Huyện đoàn Quỳnh Lưu nữa. Bà ấy trực tiếp chỉ đạo và hăng hái tham gia các phong trào văn nghệ, các hoạt động tuyên truyền của thanh niên. Sau đó làm Trưởng Ban Văn hóa xã, phụ trách Đội Văn nghệ. Thời đó, đội văn nghệ xã tui đã mạnh lắm. Vì vậy mà đội văn nghệ Quỳnh Hậu bây giờ nói chung, xóm 7 của bầy tui nói riêng  vẫn luôn dẫn đầu phong trào. Có mấy xóm mà có được CLB Dân ca như xóm 7 này”.
 
Hai người bạn già bỗng như trở thành thơ trẻ khi cùng dắt tay nhau trở về ký ức. Nơi ấy, có sân đình chung chiêng trăng sáng, có đêm hội làng rạo rực câu hát trao duyên, có cái đói, cái khổ không làm nhạt phai lời thề hẹn… Trong lồng ngực bà Am, lời ca giãi bày ấy cất lên nghẹn ngào: “(Là người ơi), có phải lươn mô, lươn trườn qua ngọn cỏ/ Có phải cò mô, cò thẳng cánh cò bay/ (Chứ) đôi  ta tình mỏng, ngãi dày/ Có quên nhau đi chăng nữa, thì ba vạn sáu nghìn ngày mới quên”. Rồi một thoáng, bà hóa thân thành người chèo đò cô lẻ trên sông. “Bóng trăng em tưởng bóng đèn/ Bóng cây em tưởng bóng đèn anh xuôi” “Gió mô gió thổi sau lưng/ Dạ mô dạ nhớ người dưng thế này”… 
 
Nghệ nhân Nguyễn Thị Am không chỉ am tường dân ca ví, dặm xứ Nghệ.  Bà cũng như cha mình, thuộc dân ca cả 3 miền, giỏi hát cả tuồng cổ. Những tích tuồng bà diễn ngoài lời hát vang ngân, thì lối múa đạt đến độ “nội ngoại tương quan, tả hữu tương ứng, thượng hạ tương phù” (Hành động bên trong lẫn bên ngoài tương ứng, phải trái cân đối, trên dưới phù hợp). Khi tuổi đã cao, bà vẫn làm người khác ngạc nhiên khi hóa thân thành các vai hề gậy, hề mồi nhún nhảy đầy hài hước trên sân khấu. Tôi nhớ đã có lần, chị Dung, con gái bà Am  (hiện là giáo viên Trường Cao đẳng Sư phạm Vinh) “can” mẹ: “Mẹ già yếu rồi, đừng đi hát nữa”. Bà Am, sau một giây lặng lẽ, đã trả lời con gái mình, đại ý rằng, cả một đời mẹ đã vịn vào câu hát để sống, để làm người. Mẹ còn hát đến khi nào mẹ không thể cất tiếng. Chị Dung bỗng thảng thốt nhận ra. Không phải là những bằng khen, phần thưởng được phong tặng, cũng không hẳn là những cống hiến không biết mệt mỏi của bà cho cộng đồng, mà chính là “hát dân ca để sống”, hát để làm người đã làm nên danh hiệu “nghệ nhân dân gian” của mẹ mình.
 
Vì thế, dầu đứng ở “phe” bố với trường phái “Tây học”, thì chị Dung vẫn âm thầm ngưỡng mộ, tự hào về mẹ mình. “Mẹ đã cho tôi thấy sự kỳ diệu của văn hóa dân gian, mẹ đã cho tôi thấy sức mạnh của câu hát. Chả là, nhà tôi không ai nói, nhưng âm thầm có 2 “trường phái”. Mẹ tôi và anh Dũng (hiện là Trưởng phòng Văn hóa huyện Quỳnh Lưu) là những người yêu ca hát, sống cùng làng mạc quê hương, còn tôi theo thầy (bố) tôi về Vinh học từ nhỏ. Thầy tôi thì theo “Tây học” (ông Mai từng du học ở Tiệp Khắc), suốt đời lặn lội với sự nghiệp giáo dục, ít có thời gian quan tâm tới việc ca hát. Mẹ luôn làm tôi ngạc nhiên vì vốn hiểu biết dân ca sâu rộng của mình. Thầy tôi, dù luôn chọn cách im lặng trước niềm đam mê của mẹ, nhưng đã có lần nói với các con rằng: Mẹ các con xứng đáng được phong tặng nghệ nhân. Tiếc là, bây giờ, khi bà đã là nghệ nhân, thầy tôi không còn nữa…”. 
 
Có phải vì những câu dân ca lận đận truân chuyên đã vận vào cuộc đời nghệ nhân Nguyễn Thị Am, để bà luôn dâng tặng niềm vui cho mọi người còn nhận về mình những nỗi sầu riêng? Ai cũng nói, bà thật tốt phước khi chồng con đều thành đạt, các cháu cũng đều giỏi giang. Nhưng có mấy ai biết rằng, từ ngày lấy chồng bà có mấy lúc được gần ông. Nhà ông Mai và bà Am ngày ấy, chỉ “cách nhau cái dậu mồng tơi”. Cha mẹ hai bên ưng thuận và họ trở thành vợ chồng. Lấy nhau rồi ông đi biền biệt, hết học nước ngoài, về nhận việc ở Vinh, ở Liên khu, rồi lại ra Hải Phòng…  Mỗi năm họ chỉ gặp nhau chừng dăm bảy bận. Muộn mằn bà mới sinh con. Sinh con rồi, vẫn bà một nơi, ông một nẻo. Họ trở thành “vợ chồng Ngâu” cả một đời như vậy… Tôi nghe thấy nỗi khắc khoải ấy, khi trong lồng ngực run của bà lại cất lời: “Nước chảy hòn đá trôi nghiêng/ Anh chơi chung với bạn, em sầu riêng một mình”…
 
Trong căn nhà bà sống với con trai ở làng Bèo Hậu, tôi thấy treo khá nhiều bằng khen, giấy khen và những tặng phẩm của bà. Nào Giải A Liên hoan Tiếng hát Làng Sen năm 2000, giải Đặc biệt trong Hội thi Hát ru do Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức năm 2002, giải Xuất sắc trong Liên hoan kịch ngắn - kịch vui do Sở VH-TT - DL tổ chức năm 2006, giải thưởng Nghệ nhân cao tuổi hát dân ca tại Liên hoan dân ca ví, dặm xứ Nghệ năm 2011, thế nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất của bà là niềm thương yêu, kính trọng mà người dân Quỳnh Hậu dành cho “báu vật” của quê hương. Bà nói, dù sức mình đã yếu, nhưng bà vẫn không ngại đến truyền dạy dân ca cho các cháu trong làng, trong xã. Câu lạc bộ Dân ca xóm 7 của bà đạt được rất nhiều thành tích trong các hội thi cấp huyện, cấp tỉnh và đó chính là “phần thưởng” đối với bà. Một điều đặc biệt nữa, bà Am tiết lộ, là cô em gái của bà, sau một thời gian công tác, về hưu cũng gắn bó với phong trào ca hát của địa phương. Bà Nguyễn Thị Bích Thỏa (em gái bà Am) đã đạt giải Nhất cá nhân trong Liên hoan dân ca ví, dặm tổ chức vừa qua…
 
Chia tay nghệ nhân Nguyễn Thị Am, chúng tôi vẫn nhẩm theo câu hát ví như được thoát ra từ bức tượng gầy trầm ngâm nỗi niềm: “Người ơi, chữ hoàng thiên anh chôn dưới đất/ Chữ phụ mẫu anh cất trên đầu/ Chữ đá vàng anh mang không nổi/ Chữ duyên tình gió thổi không bay…”. Có phải không, với dân ca, bà Am đã kết mối duyên tình, để dù có gió giông, bão nổi thì cũng không làm lay chuyển được mối ràng buộc máu thịt ấy?
 
Thùy Vinh - Thu Hương