(Baonghean) - Mấy năm lại đây, bản Thanh Tân (xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu) đang khôi phục nghề dệt thổ cẩm, góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống người dân. Để có được điều đó, phần lớn là nhờ vào sự trăn trở tìm việc làm, mở lối thoát nghèo cho chị em trong bản của Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Vi Thị Chuyển.

Bản Thanh Tân hiện có 97 hộ, 379 nhân khẩu, trong đó phụ nữ chiếm đến 60% dân số của bản. Trước đây, đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy và núi rừng. Từ khi Nhà nước có chủ trương đóng cửa rừng, nhiều gia đình sống trong tình trạng thiếu ăn. Không có việc làm, nên họ chỉ biết quanh quẩn chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Cũng vì thế mà nhiều tệ nạn xã hội như rượu, ma túy, bài bạc… nảy sinh. 
image_3528519.jpgTổ dệt thổ cẩm bản Thanh Tân (Châu Nga - Quế Phong).
Trăn trở trước sự nghèo đói của bản, chị Vi Thị Chuyển đã tiên phong tham gia lớp học dệt thổ cẩm do Huyện hội Quỳ Châu tổ chức, rồi mạnh dạn đứng ra thành lập Tổ dệt thổ cẩm bản Thanh Tân, thông qua sự ủng hộ của Hội Phụ nữ xã Châu Nga nhằm tạo việc làm cho chị em trong bản. Nhưng nếu chỉ đơn thuần dệt thổ cẩm là chưa đủ, bởi đời sống bà con nơi đây đang còn nhiều khó khăn; chị đã chủ động tuyên truyền, vận động bà con vay vốn ngân hàng để chăn nuôi trâu, bò, gà, lợn… nhằm tăng thu nhập cho gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo. Từ một bản thuộc tốp nghèo nhất của xã Châu Nga, hiện nay, hộ nghèo của bản đã giảm đáng kể (chỉ còn 48/379 hộ).
 
Theo chân chị Lô Thị Hường – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Châu Nga, chúng  tôi đến nhà chị Vi Thị Chuyển – người có thâm niên 15 năm làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Thanh Tân. Theo lời kể của chị Chuyển, nghề dệt thổ cẩm có từ thời xa xưa, trong gia đình mẹ truyền cho con và đã là con gái của bản, không ai là không biết dệt. Trước khi về nhà chồng, người con gái phải tự tay mình dệt chăn, đệm làm quà cho họ hàng nhà chồng để thể hiện đức hạnh, tài năng của cô dâu, đồng thời cũng là niềm tự hào của gia đình nhà trai. Vì thế, trước đây các bé gái 13 - 15 tuổi đã được các bà, mẹ hướng dẫn xe chỉ, quay sợi, dệt vải bên khung cửi. Tuy nhiên, mươi năm lại nay, con gái Thái được đến trường, đến lớp, ít có thời gian rảnh rỗi, quan niệm về đức hạnh của người lớn cũng có phần thay đổi, nên lớp trẻ bây giờ không mấy ai còn học nghề truyền thống. Tiếng quay tơ, dệt vải cũng thưa dần nơi đại ngàn.
 
Sau khi được tham gia lớp học nghề dệt thổ cẩm trong 3 tháng tại HTX Làng nghề Hoa Tiến (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu) do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quỳ Châu mở, chị là một trong những học viên xuất sắc được làng nghề ghi nhận. Những sản phẩm đầu tay của chị đã được HTX Làng nghề Hoa Tiến nhận tiêu thụ. Lấy làm mừng, chị quyết định về bản tập hợp chị em để thành lập Tổ dệt thổ cẩm bản Thanh Tân với mong muốn giúp chị em có thêm việc làm, có tiền trang trải việc học cho các con. Chị Chuyển cho biết: “Trước đây, chị em chỉ quen với cách dệt thông thường, nên khi tiếp cận với mẫu mã mới rất khó khăn. Các khung dệt của các hộ đã hư hỏng hoặc không còn nữa. Trong khi đó, lại không đủ khả năng để mua hoặc làm mới. Rồi chị em lo lắng về đầu ra của sản phẩm, nên không mấy mặn mà tham gia”. 
 
Chị đã kiên trì vận động chị em tham gia, trước mắt là làm để dùng, để giữ gìn nghề truyền thống của bản làng không bị mai một. Nếu bán được sẽ có thu nhập cho gia đình, có tiền sẽ không còn nghèo đói nữa. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” không kể ngày hay đêm, hễ có thời gian rỗi là chị đến nhà này, nhà khác vận động. Thấu hiểu được tấm lòng của chị Chuyển, chị em trong bản đồng ý tham gia tổ dệt. Thời gian đầu, chỉ với một khung cửi, chị liên hệ lấy nguyên liệu của làng nghề Hoa Tiến về hướng dẫn mỗi người đảm nhiệm mỗi khâu để tạo ra sản phẩm rồi nhờ HTX làng nghề Hoa Tiến tiêu thụ. Sản phẩm của các chị làm ra đều tiêu thụ hết. Có thu nhập đã khuyến khích chị em tham gia tổ dệt ngày càng đông.
 
Thành lập năm 2011 với 5 thành viên nay tổ đã thu hút được 20 người tham gia tích cực, trong đó có cả phụ nữ bản Thanh Sơn. Mỗi tháng, chị em cũng hoàn thành được một khung từ 10 đến 15 sản phẩm/người cho thu nhập từ 1.200.000 đồng đến 1.500.000 đồng/người/tháng lúc nông nhàn. Trong đó, có 5 gia đình do phụ nữ làm chủ đã thoát nghèo nhờ tham gia tổ dệt thổ cẩm của bản. Chị Lương Thị Thơ, hộ thoát nghèo nhờ nghề dệt, tâm sự: “Khi chưa tham gia tổ dệt của bản, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, luôn thiếu ăn, con cái phải nghỉ học giữa chừng. Được tham gia vào tổ dệt, gia đình tôi đã thoát nghèo. Con cái được đến trường học cái chữ. Chị em trong bản biết ơn chị Chuyển lắm”.
 
Nhìn thấy hiệu quả từ Tổ dệt thổ cẩm Thanh Tân, hiện nay đã có nhiều chị em trong xã Châu Nga hào hứng tham gia, chị lại đề xuất với Hội Phụ nữ xã tiếp tục liên hệ với Làng nghề Hoa Tiến mở tiếp 2 lớp dạy nghề vào tháng 7/2014 vừa qua, thu hút 60 chị em tham gia. “Đây là tín hiệu vui cho một làng nghề thổ cẩm sắp sửa ra đời ở Châu Nga” – Chị Lô Thị Hường tự tin cho biết.  
 
Ngoài đưa nghề dệt thổ cẩm về với bản làng, từ năm 2011 đến nay, được sự ủy thác vốn vay của Hội Phụ nữ xã, chị Chuyển đã đứng ra hướng dẫn cho chị em vay vốn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt như: mía, keo, xoan… Số vốn vay đã lên tới 930.560.000 đồng và được các chị phát huy khá hiệu quả. Chị Ngân Thị Luyến phấn khởi: “Gia đình đã được vay 20 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi. Hiện nay, gia đình có 10 con lợn, 1 đàn gà và 5 con bò. Giờ đã có của ăn, của để”.
 
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Châu Nga khẳng định: “Chị Chuyển là một cán bộ đầy trách nhiệm, luôn năng động và sáng tạo trong mở hướng thoát nghèo cho chị em có hoàn cảnh khó khăn, được mọi người yêu mến. Chị là người khôi phục, khơi nguồn lại nghề thổ cẩm truyền thống của địa phương”. 
 
Với tâm huyết của một chi hội trưởng, tổ trưởng tổ vay vốn và là tổ trưởng tổ dệt bản Thanh Tân, nhiều năm liền chị Vi Thị Chuyển được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và xã tặng giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đó là phần thưởng xứng đáng cho người cán bộ luôn trăn trở với đời sống của dân bản vùng cao còn nhiều khó khăn này.
 
Bài, ảnh: Lê Hoa