(Baonghean.vn) - Nằm về phía Tây Nam, cách trung tâm huyện Quế Phong hơn 30 km, xã Tri Lễ có chiều dài đường biên giới 17 km (tiếp giáp với 2 cụm bản Phà Đánh và Phăn Thoong của nước CHDCND Lào). Diện tích tự nhiên: 20.241 ha, chiếm gần 11% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. 
 
Nơi đây, có 4 dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú cùng sinh sống trong 33 bản với 1.851 hộ, 9.537 nhân khẩu. Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện  tạo mọi điều kiện hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nên tình hình kinh tế - xã hội của xã Tri Lễ, từng bước được ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, tạo điều kiện, môi trường và nguồn lực cho việc thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc.
 
images1060449_3.jpgChanh leo phủ kín trên các vùng đất cằn xưa của bản tái định cư Minh Châu
 
Về Tri Lễ bây giờ, chuyện được bà con bàn tán đến nhiều nhất vẫn là câu chuyện cây chanh leo. Vào cuối năm 2010 xã đưa 2 ha chanh leo trồng làm mô hình tại 4 bản: Tà Pàn; bản Đ1; Yên Sơn và bản Xan. Từ  2 ha (1.000 cây) chanh leo trồng năm đầu tiên đã cho thấy loài cây này phù hợp với đất đai, thời tiết và điều kiện sản xuất của người dân ở xã Tri Lễ. Ngày 23 tháng 8 năm 2013, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã ban hành Nghị Quyết số 06-NQ/ĐU Về phát triển cây chanh leo giai đoạn 2013-2020 với diện tích quy hoạch là 565 ha. Năm 2013, diện tích nhân dân trồng được 19 ha, năm 2014 trồng 100 ha, tập trung vào 2 bản Yên Sơn và bản Xan. Nhiều hộ làm điển hình về cải tạo vườn tạp thành vườn trồng chanh leo bước đầu thành công như gia đình Vi Thanh Xuân, Quang Văn Xuân; Vi Văn Nhân bản Yên Sơn; ông Lữ Văn Chiến bản Xan đã đầu tư vào trồng từ 70 - 90 cây/hộ và đã cho thu hoạch từ 40 – 60 triệu đồng.
 
Cũng không chỉ riêng cây chanh leo, mà người Tri Lễ bây giờ cũng mở rộng thêm nhiều hình thức làm ăn mới như buôn bán, trao đổi hàng hóa địa phương ở khu chợ sầm uất,  nuôi hươu, làm ruộng nước.
 
Tri Lễ tuy xa xôi về đường sá, nhưng giờ đây đã gần hơn với thị trấn Kim Sơn, với miền xuôi qua những chuyến xe xuôi ngược đi về hàng ngày.
 
Một số hình ảnh về Tri Lễ hôm nay:
 
Cán bộ khuyến nông huyện Quế Phong hướng dẫn người dân bản Minh Châu làm ruộng nước theo chương trình 30a.
Cây chanh leo, một hướng thoát nghèo làm giàu ở Tri Lễ
Ươm giống chanh leo tại Công ty CP đầu tư phát triển nông nghiệp Napaga
Kiểm tra quá trình ươm, nhân giống chanh leo tại Công ty CP đầu tư phát triển nông nghiệp Napaga .
Một ngôi nhà mới đang được dựng
Chợ Tri Lễ đầy đủ hàng hóa, không khác nhiều so với thị trấn Kim Sơn.
Những sản vật núi rừng, vườn nhà như rau, bí, măng được bà con đem ra chợ Tri Lễ bán
Anh Vy Thanh Xuân (bên phải) là một trong những hộ trồng chanh leo khá thành công ở bản Yên Sơn, cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm
Mô hình nuôi cá ao cũng đang được chú trọng phát triển ở bản Yên Sơn
Hộ gia đình chị Vy Thị May (bản Yên Sơn) còn nuôi thêm hươu để lấy nhung, tăng thu nhập
Học sinh trường THCS bán trú Tri Lễ trên đường tới trường.
Niềm vui của các em học sinh người Mông ở trường THCS Tri Lễ 2.
 
Trần Hải