(Baonghean) - Năm 2013, công tác Thú y trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhìn chung đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đã tổ chức, triển khai, thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, động vật, thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh, từng bước hạn chế được số gia súc, gia cầm mắc bệnh, các loại dịch nguy hiểm so với các năm trước như: dịch LMLM, dịch tai xanh, dịch cúm gia cầm; Tuy dịch có xảy ra nhưng chỉ ở quy mô nhỏ, chủ yếu xảy ra ở đàn vật nuôi chưa tiêm phòng; Các ổ dịch này được khống chế và dập trong thời gian ngắn. Công tác kiểm dịch vận chuyển động vật nội, ngoại tỉnh, kiểm dịch tôm giống từng bước thực hiện khá nghiêm túc.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại trong công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, quy hoạch lò giết mổ, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, triển khai tiêm phòng cho đàn vật nuôi còn hạn chế,… đây là một trong những nguyên nhân làm dịch bệnh phát sinh và lây lan.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh xảy ra, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh phát triển, góp phần bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện, giám đốc
các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, các đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm các nội dung sau đây:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:
a. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật về thú y và Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2014 được UBND tỉnh phê duyệt;
b. Xác định việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp, cả hệ thống chính trị và của nhân dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật về công tác thú y để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thuỷ sản;
c. Xây dựng, củng cố mạng lưới thú y cơ sở đảm bảo về số lượng, chất lượng để đáp ứng với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh;
d. Chỉ đạo phòng Nông nghiệp & PTNT hoặc phòng Kinh tế, Trạm Thú y và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt các nội dung sau:
- Xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản năm 2014;
- Giao trách nhiệm giám sát, báo cáo dịch bệnh trên đàn vật nuôi, thuỷ sản cho chính quyền cấp xã. Khi có dịch xảy ra trên đàn vật nuôi, thủy sản phải báo cáo với cơ quan cấp trên biết, đồng thời chủ động triển khai ngay các biện pháp chống dịch khẩn cấp để khống chế, bao vây dập tắt dịch khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên;
- Tổ chức triển khai tốt công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm định kỳ hàng năm, tiêm bổ sung cho gia súc, gia cầm nuôi mới, tái đàn.
- Các địa phương có chợ buôn bán gia súc (chợ Ú - Đô Lương, chợ Nam Nghĩa - Nam Đàn, chợ Sy Nam - Yên Thành, chợ Thanh Lương - Thanh Chương,…) cần tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh LMLM định kỳ hàng năm cho đàn trâu, bò, dê của địa phương (xã) có chợ và các xã lân cận… để tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc; vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi theo kế hoạch của UBND tỉnh.
đ. Phối hợp với Chi cục Thú y tăng cường công tác quản lý dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản và các trang trại, gia trại chăn nuôi, các công ty cung ứng giống vật nuôi, thủy sản đóng trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho động vật và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng;
e. Triển khai thực hiện quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo Quyết định số 5008/QĐ-UBND ngày 12/12/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020;
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các chủ trang trại, gia trại, người chăn nuôi hiểu và chấp hành tốt Quyết định số 50/2013/QĐ-UBND, ngày 12/9/2013 của UBND tỉnh ban hành quy định về một số điều kiện trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Nghệ An;
- Thực hiện Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/10/2007 của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại ở động vật và Thông tư số 48/2009/TT-BNN ngày 4/8/2009 của Bộ Nông nghiệp & PTNT hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại động vật;
2. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn:
a. Tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh giải pháp để chỉ đạo các địa phương triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác thú y trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản;
b. Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, các ban, ngành liên quan tập trung chỉ đạo các biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, LMLM ở gia súc, tai xanh, dịch tả lợn, dại chó, đốm trắng và hội chứng hoại tử gan tụy ở tôm nuôi… nhằm hạn chế dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh.
c. Chỉ đạo Chi cục Thú y:
- Xây dựng kế hoạch và phương án phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh;
- Phối hợp với UBND cấp huyện, các ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện tốt các nội dung: giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi; tiêm phòng đạt tỷ lệ 100% tổng số gia súc, gia cầm, chó, mèo trong diện phải tiêm, đặc biệt là 8 huyện vùng khống chế bệnh LMLM gia súc quốc gia (Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong), giai đoạn 2011-2015 và vùng vành đai chăn nuôi bò sữa;
Tổ chức triển khai từ 3 đến 4 đợt khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thuỷ sản; quản lý thuốc thú y, vắc xin dùng trong thú y, hành nghề thú y trên địa bàn tỉnh; Chấn chỉnh, xử lý nghiêm các đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm.
- Theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, có phương án, giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản kịp thời để khống chế có hiệu quả dịch xảy ra.
- Tăng cường công tác kiểm dịch tại gốc; kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nội, ngoại tỉnh (bao gồm cả thuỷ sản) tại nơi đi và nơi đến theo quy định, nhất là chợ Ú - huyện Đô Lương và trâu, bò tại khu vực biên giới huyện Kỳ Sơn; triển khai công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật tươi sống trên địa bàn toàn tỉnh.
3. Sở Tài chính:
Tham mưu UBND tỉnh bố trí và phân bổ kịp thời nguồn kinh phí cho hoạt động thú y năm 2014; kinh phí phòng, chống dịch khi có dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản xẩy ra.
4. Sở Y tế:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, phòng tránh những bệnh nguy hiểm từ vật nuôi lây sang người. Chủ trì, phối hợp tốt với Sở Nông nghiệp & PTNT trong công tác phòng chống dịch cúm A (H5N1), bệnh dại trên động vật.
5. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan Nghệ An:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT, các địa phương, các ban, ngành liên quan tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thuỷ sản;
Giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan Nghệ An: chỉ đạo Trạm Hải quan Cửa khẩu Nậm Cắn, chỉ đạo Trạm Hải quan Cửa khẩu Thanh Thủy, Đồn Biên phòng huyện Kỳ Sơn, Đồn Biên phòng 561 phối hợp với Chi cục Thú y kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật từ các nước láng giềng.
Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh phối hợp với Chi cục Thú y kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật không qua kiểm dịch từ các tỉnh khác vào địa bàn tỉnh Nghệ An, huyện này qua huyện khác trong tỉnh.
6. Sở Công Thương:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Thú y) nhằm tăng cường công tác quản lý lưu thông động vật, sản phẩm động vật và các chế phẩm phục vụ cho chăn nuôi, thú y.
7. Các cơ quan thông tin và truyền thông:
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT và TH tỉnh, Báo Nghệ An và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT và các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thuỷ sản.
8. Các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến lĩnh vực thú y:
a. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về: chăn nuôi, tiêm phòng vắc xin bắt buộc cho gia súc, gia cầm, chó mèo; giết mổ, vận chuyển động vật, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi; sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vắc xin, hóa chất dùng trong thú y;
b. Các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản phải thực hiện nghiêm các quy định về công tác chăn nuôi, thú y. Phải đăng ký với chính quyền địa phương sở tại khi chăn nuôi; có Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y; khai báo tình hình chăn nuôi, báo cáo lịch tiêm phòng các loại vắc xin, tình hình dịch bệnh và các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thú y với cơ quan thú y để kiểm tra và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định hiện hành;
c. Các cơ sở nuôi tôm mặn lợ khi mua giống thả phải được kiểm dịch tại nơi xuất bán; Tôm giống phải có nguồn gốc rõ ràng; Tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi;
Những tổ chức, cá nhân không chấp hành các quy định trong lĩnh vực thú y; làm phát sinh dịch bệnh sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; không được hưởng các chế độ hỗ trợ của Nhà nước theo quy định hiện hành;
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND cấp huyện, các đơn vị, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc báo cáo về Sở Nông nghiệp & PTNT để tổng hợp trình UBND tỉnh giải quyết.
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch
Đinh Viết Hồng