Thực tế cho thấy, đa số các trường hợp xảy ra bệnh là do đàn gia súc không được tiêm phòng vắc-xin LMLM hoặc chưa được tiêm nhắc lại kịp thời, đầy đủ nhất là đối với gia súc mang thai, gia súc non. Chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ không bảo đảm vệ sinh thú y và vệ sinh môi trường. Gia súc mua về không có nguồn gốc rõ ràng, trốn tránh sự kiểm soát của địa phương và đoàn liên ngành, không hợp tác trong công tác vệ sinh phòng dịch, không khai báo bệnh, tự mua thuốc điều trị.
Nguy cơ dịch LMLM có thể xảy ra và lây lan trên diện rộng do hiện nay không còn hệ thống thú y tại cấp xã, nên việc triển khai công tác phòng, chống dịch tại cơ sở gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác tiêm phòng, kiểm soát giết mổ, lấy mẫu bệnh phẩm, điều tra dịch tễ dịch bệnh, triển khai các giải pháp chống dịch....; Tập quán chăn nuôi thả rông tại các huyện miền núi, chăn nuôi nông hộ, tỷ lệ tiêm phòng vắc- xin LMLM trên đàn vật nuôi còn thấp, chỉ đạt kết quả cao ở các khu vực được Nhà nước hỗ trợ vắc-xin; Hiện tượng tiêu thụ bán chạy, giết mổ gia súc bệnh xảy ra làm mầm bệnh phát tán; Người dân còn chủ quan đối với công tác phòng bệnh.
Ngoài ra, ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường theo hướng cực đoan, trong năm, thời tiết thay đổi bất thường, ẩm ướt, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn... làm sức khỏe của đàn vật nuôi giảm, dễ cảm nhiễm với mầm bệnh.
Mục tiêu của ngành Thú y tỉnh là chủ động khống chế hiệu quả dịch bệnh truyền nhiễm trên đàn vật nuôi theo nguyên tắc “Thực hiện phòng bệnh là chính, chữa bệnh kịp thời, chống dịch khẩn trương; phát hiện nhanh, chính xác, xử lý triệt để các ổ dịch động vật”, góp phần hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra, tiến tới đẩy lùi và thanh toán bệnh, trong đó có bệnh LMLM... góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Ông Đặng Văn Minh - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, bệnh LMLM hàng năm thường xảy ra chủ yếu trên đàn trâu, bò. Hơn nữa bệnh thường ghép với bệnh tụ huyết trùng trâu, bò và viêm phổi nên gây chết trâu, bò nhất là ở bê, nghé. Vì vậy, để chủ động phòng, chống dịch bệnh LMLM trên đàn trâu bò, người chăn nuôi cần chú ý nghe các bản tin dự báo thời tiết hằng ngày để chủ động che chắn chuồng trại không để bò sữa, bò thịt bị rét, bị mưa nhiễm lạnh. Vào mùa Đông, rét đậm, rét hại cần che chắn kín chuồng trại và thay chất độn chuồng giữ ấm cho con vật. Tuyệt đối không để con vật bị ướt do nước mưa, không để nền chuồng bị đọng nước, đặc biệt đối với chuồng nuôi bê, nghé. Tiêm phòng vắc-xin LMLM, đây là biện pháp nhằm tạo miễn dịch chủ động cho con vật, hàng năm người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm việc tiêm phòng vắc-xin LMLM cho đàn bò, tuyệt đối không được chủ quan lơ là.
Đối với bê, nghé đủ 1 tháng tuổi là thực hiện việc tiêm vắc-xin để tạo miễn dịch. Mỗi năm tiêm 02 đợt (đợt 1 vào tháng 3, tháng 4, đợt 2 vào tháng 9, tháng 10), tiêm bổ sung ngay cho trâu, bò chưa được tiêm do mang thai kỳ đầu, kỳ cuối, bê, nghé non chưa được tiêm phòng, trâu bò hết miễn dịch.
Cùng với giải pháp tổng vệ sinh môi trường, cần tăng cường dinh dưỡng cho đàn vật nuôi bằng cách cho ăn uống tốt hơn để nâng cao sức để kháng giúp cho vật nuôi chủ động chống lại mầm bệnh xâm nhập. Khi phát hiện con vật có những triệu chứng không bình thường, như thấy trâu, bò bỏ ăn, không nhai lại, nước dãi nhiều và trắng như bọt xà phòng ở miệng, vành móng có vết loét, con vật đi lại khó khăn báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở đến để có biện pháp can thiệp kịp thời. Dừng ngay việc chăn thả để không lây lan bệnh ra xung quanh.