(Baonghean) - Trong năm 2010, tỉnh ta đã có 11 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, nhưng đến thời điểm này, các nghệ nhân vẫn chưa được hưởng một chính sách đãi ngộ nào…

Nỗi lòng nghệ nhân dân gian.

Câu lạc bộ Hát ví phường vải Kim Liên (Nam Đàn), nơi có số lượng nghệ nhân được phong tặng nghệ nhân dân gian nhiều nhất tỉnh, thế nhưng mỗi năm cũng chỉ tổ chức sinh hoạt đôi ba lần; lúc nào có hội diễn, liên hoan thì mới cùng nhau ngồi ôn lại những trích đoạn, lời cổ. Vì không có kinh phí phục vụ cho sinh hoạt CLB và nhiều lý do khách quan khác, nên từ một trong những CLB có số lượng hội viên tham gia khá đông, đến nay chỉ còn 10 người (trong đó có 6 nghệ nhân dân gian, một người đã khuất núi sau khi được phong tặng nghệ nhân dân gian một thời gian ngắn).

788024_small_88869.jpg

Nghệ nhân dân gian Trần Văn Tư (85 tuổi) - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát ví phường vải Kim Liên, Nam Đàn.

Hỏi về nỗi niềm, trăn trở sau khi được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, bác Trần Văn Tư (năm nay 85 tuổi) chủ nhiệm CLB giãi bày: Vốn đam mê hát phường vải từ nhỏ, hai chị em bác Tư (chị gái của bác là nghệ nhân dân gian Trần Thị Em - năm nay 90 tuổi) đều tham gia sinh hoạt tại CLB. Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng được anh em tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm CLB, để tổ chức được một buổi sinh hoạt, bác Tư cũng phải trăn trở rất nhiều: phần vì các thành viên trong CLB tuổi đều đã cao, phần vì kinh phí không có. Bản thân bác Tư cũng đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất lên cấp xã, cấp huyện nhưng vẫn chưa có kết quả. Niềm đau đáu nhất của bác Tư là các nghệ nhân ngày một già, việc truyền dạy cho lớp trẻ chưa được là bao. Bởi theo bác Tư thì niềm đam mê của lớp trẻ bây giờ không thắng nổi “nỗi lo cơm áo gạo tiền”, nên người tham gia CLB phường vải ngày càng ít.

Khi chúng tôi trao đổi về chuyện chính sách cho nghệ nhân dân gian, bác Trần Văn Tư, bà Trần Thị Em đều có chung suy nghĩ: Nên có chế độ, chính sách cho nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, dù ít dù nhiều đó cũng là sự động viên, khuyến khích rất lớn đối với họ. Bởi vai trò của nghệ nhân dân gian rất lớn trong việc truyền dạy, lưu giữ, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa trường tồn của dân tộc. Nếu không có các nghệ nhân, ai biết được phường vải có từ đâu, dân ca có từ đâu, ai truyền lửa cho lớp trẻ niềm đam mê… Nếu không triển khai nhanh, chắc gì các nghệ nhân còn sống để nhận chế độ, chính sách. Bởi có những nghệ nhân như cụ Vi Đình Công (xã Thạch Giám, Tương Dương), người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian chế tác và sử dụng nhạc cụ khèn bè cũng đã qua đời đầu năm 2012.

Lúc còn sống, ông từng chia sẻ những băn khoăn, lo lắng khi tuổi đã chiều tà xế bóng nhưng vẫn không tìm được người xứng đáng để truyền dạy toàn bộ “bí quyết” trong chế tác và sử dụng khèn bè, kể cả những người con của mình. Hay như cụ Trần Mịch - Nghệ nhân dân gian đàn đáy ở Diễn Liên - Diễn Châu cũng đã “về với cát bụi” mà chưa kịp truyền dạy cho lớp trẻ... Trong khi đó, do bị chi phối bởi nhiều yếu tố nên có lúc, có nơi thế hệ trẻ tỏ ra chưa toàn tâm, toàn ý với “điệu hồn” của dân tộc mình. Hay nói cách khác, nếu không có sự quan tâm đúng mức, khoảng trống giữa các thế hệ ngày một lớn, lớp trẻ sẽ “hụt hơi” trong cuộc chạy đua tiếp sức để bảo tồn vốn quý của tổ tiên.

Tiếng nói các nhà quản lý

Trăn trở của bác Tư, của bà Trần Thị Em, của các thành viên trong CLB Hát ví phường vải Kim Liên đã được chúng tôi chuyển tới ông Phan Văn Tính - Phó Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Nam Đàn. Ông Tính cho biết: Là một trong những huyện đến thời điểm này có số lượng nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian nhiều nhất tỉnh (7 nghệ nhân hát ví phường vải thuộc Câu lạc bộ Hát ví phường vải Kim Liên, trong đó một nghệ nhân đã qua đời ở tuổi 85). Có thể khẳng định vai trò của các nghệ nhân dân gian trong việc bảo tồn, sưu tầm, lưu giữ, truyền nghề cho lớp trẻ là rất lớn. Thế nhưng, hiện các nghệ nhân dân gian chưa có một chính sách nào thích đáng.

Năm 2006, UBND huyện Nam Đàn cũng đã phê duyệt và triển khai đề án “Bảo tồn hát ví phường vải”, sau hơn 5 năm triển khai, khó khăn nhất vẫn là kinh phí để duy trì, hoạt động cho các CLB hát ví phường vải; và kinh phí để động viên các nghệ nhân dân gian khi họ đang từng ngày, từng giờ truyền nghề cho lớp trẻ. Cũng theo ông Tính thì trong thời gian tới, Trung tâm sẽ đề xuất, kiến nghị lên UBND huyện bổ sung chính sách, chế độ cho nghệ nhân dân gian vào đề án “Bảo tồn hát ví phường vải” trong những năm tiếp theo.

Trao đổi với PGS Ninh Viết Giao - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An, được biết: Để khuyến khích, động viên các nghệ nhân dân gian, trong khi Nhà nước chưa có chính sách cụ thể thì địa phương nên có sự quan tâm trước. Như tỉnh Nghệ An chúng ta, các nhà quản lý văn hóa nên tham mưu cho UBND tỉnh có chế độ, chính sách cho nghệ nhân dân gian thay vì chúng ta cứ ngồi chờ quyết định từ Chính phủ, cần phát huy vai trò xã hội hóa trong việc thực hiện chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân. Chẳng hạn, chúng ta nên khuyến khích các dự án bảo tồn, phục dựng, phát huy các giá trị di sản phi vật thể do các nghệ nhân dân gian khởi xướng, hoặc huy động các nhà tài trợ cùng góp tiền của để các nghệ nhân dân gian mở các lớp truyền dạy trình diễn văn hóa phi vật thể... Thực tế từ lâu, nhiều nước trong khu vực đã thực hiện nhiều cách thức khác nhau trong việc đãi ngộ cho các nghệ nhân. Chẳng hạn như Hàn Quốc thực hiện chế độ tiền lương hàng tháng cho các nghệ nhân từ năm 1962.

Ông Phạm Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: Thời gian qua, Sở VH-TT&DL đã trực tiếp giao Trung tâm Bảo tồn di sản dân ca xứ Nghệ lập hồ sơ trình Hội Văn nghệ dân gian Trung ương nhằm vinh danh các nghệ nhân dân gian. Ngoài các nghệ nhân dân gian được vinh danh đợt 1, hiện chúng tôi đang triển khai vinh danh đợt 2. Để có chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân dân gian nói riêng, các CLB dân ca nói chung, sắp tới, chúng tôi sẽ trực tiếp tham mưu cho tỉnh cần có sự quan tâm đồng bộ đối với loại hình văn hóa phi vật thể. Tỉnh cần đưa vào mục ngân sách chi thường xuyên hàng năm cho các CLB, cho các nghệ nhân dân gian. Đặc biệt, có chế độ ưu đãi cụ thể đối với nghệ nhân dân gian. Có như vậy các CLB, các nghệ nhân dân gian mới đủ sức “truyền lửa”, “giữ lửa” các loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương.


Thanh Thủy