(Baonghean) Đôi khi tôi tự hỏi: Sao với quê hương, ai cũng bảo là về? Về chứ không phải là đến, là tới, là ghé qua? Với những người đã từng sống ở quê đã đành, đi xa, bây giờ quay lại, thế là về. Ngay cả những người khái niệm quê hương không thật sâu đậm lắm, đôi khi đấy chỉ đơn giản là dòng chữ “nguyên quán” trên mỗi tấm chứng minh thư, với quê, họ vẫn xem mình là người về. Thì ra, về không chỉ là trở lại, thăm lại mà sâu xa hơn, đấy còn là sự tìm về chốn bình yên, một nơi nương náu sau những sóng gió, bão táp, vùi dập của cuộc đời.

Quê tôi nghèo quá. Nghèo từ con đường dẫn về quê, sỏi đá oằn lên làm gẫy đường thành từng đoạn nhỏ; nghèo từ từng thứ hoa màu, khoai, sắn, lạc cứ nhỏ sắt lại, cằn cỗi đi, kể cả những lúc được mùa, vẫn không thể mỡ màng như hoa màu những vùng quê khác; nghèo ở cả từng gương mặt của con người, vết khắc khổ vẫn cứ hiện hữu ngay cả khi họ cười, thương đến tràn nước mắt. Đã có những lúc tôi ngần ngại khi quyết định về quê, nhất là sau những ngày quê chìm trong rốn lũ. Nghĩ tới đường về, tôi sợ. Mẹ tôi đã từng phải nhờ xe bò kéo mới vào được tới làng. Đến cả con bò, sau chặng đường ngắn có mấy trăm mét nhưng bùn đất co kéo, bám nặng cũng khiến nó gần như kiệt sức. Mỗi lần nhắc lại chuyến về quê năm ấy, mẹ cứ xót xa, bảo mình thi thoảng mới về, còn anh em, họ hàng đã sống bao năm như thế…

Cứ mỗi lần về quê, tôi thấy mình đang mất đi hình bóng những người thân thuộc. Đôi khi thèm được nhìn thấy những gương mặt người hồn hậu như lần về trước, thế mà lần về này lại vắng bóng. Quanh năm, họ chỉ biết vin nguồn sống vào ruộng vườn, cho đến bao giờ cuộc sống mới khấm khá, chưa nói là dư dả.

788035_small_88880.jpg

                                                                                             Minh họa: Hồng Toại.

Thế là mọi người đi dần, họ bảo đi làm ăn. Người thì ra thành phố, thị xã cận kề, người vào Nam, ra Bắc, có người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Ở đâu cũng là thân phận làm thuê, nhưng ai ai cũng nhen nhóm những tia hy vọng nhỏ bé cho đời mình và những người thân đang ngóng chờ nơi quê nghèo vất vả. Chú họ của tôi cũng lớn lên từ khoai sắn của quê, sau lấy vợ sinh con và lập nghiệp ở thành phố. Cũng có thể nói là người phố nhưng cuộc sống cũng phải chạy ăn từng bữa. Mợ không có việc làm, nhà cửa chưa có, con cái đang tuổi ăn học. Chú là thợ sửa chữa điện – nước, rất nhanh nhẹn, khéo tay, thuộc nhiều văn thơ và rất hóm. Bất kỳ lễ lạt nào trong gia đình, chú cũng có mặt đầu tiên, xắn tay lo giúp. Sự xuất hiện của chú thân thuộc đến nỗi hôm chú bảo chú sắp đi Hàn Quốc làm ăn, tôi cũng nghĩ là chú nói đùa. Nhưng chú đi thật. Đi để đổi phận nghèo. Chú bảo bao giờ kiếm tiền đủ xây cho vợ con một căn nhà yên ấm, chú sẽ về. Ba năm đã qua. Đến ngày về, chú gia hạn thêm một năm nữa, bảo cật lực làm thêm chút đỉnh chứ về cũng chưa biết bám vào đâu. Hai tháng sau ngày gia hạn, chúng tôi ở nhà nhận tin giữ: chú bị tai biến, phải mổ não. Chú không qua khỏi. Cái chết nơi đất khách quê người, trong giá lạnh, không vợ con, không gia đình và người thân thích. Những người đồng hương gọi điện về, giọng run run. Tôi nghe được qua hàng mấy nghìn cây số xa cách, họ đang khóc cho chú tôi và thương cho phận mình. Bố chú ở quê, sau cái chết của con, như người mất hồn. Ông cứ lẩm bẩm thường xuyên: đổi đời nhưng sao đời đổi quá… Ông không đồng ý hỏa táng chú nơi xứ lạnh. Phải đưa chú về quê. Chú tôi đã được về quê. Về để nằm lại, yên nghỉ. Lo xong mọi việc, ông suy sụp nhanh chưa từng thấy. Một trăm ngày sau khi chú đi, ông cũng đột ngột qua đời. Cô tôi kể: Tối ấy, ăn cơm xong, ông nằm xem ti vi ở nhà ngoài. Bỗng nghe tiếng buông thõng tay cái “rụp”, chạy ra, ông đã ngừng thở. Trên ti vi, người ta đang chiếu một phóng sự về cuộc sống những công nhân đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc…

Từ lâu rồi, người ta thường ví quê hương như người mẹ. Tôi không ưa lắm những lối nói ví von nhưng càng ngẫm, càng thấy đúng ở trường hợp này. Quê hương bao giờ cũng bao dung và luôn dang rộng vòng tay đón người về, kể cả những người thành công hay phá sản, hạnh phúc hay khổ đau. Chỉ có điều, vì nghèo khổ quá, quê đôi khi cũng đành bất lực trước những khát khao đổi phận của con người. Có những cô gái từ quê đi ra làm ăn, sống cuộc đời của những công nhân khu công nghiệp, đầu tắt mặt tối với những giờ làm thêm, tăng ca… thế mà cũng chẳng tích trữ được gì. Họ thấy mọi thứ trôi qua thật vô nghĩa. Và họ lại quyết định về quê. Đứa em con cô tôi đã về quê trong hoàn cảnh ấy. Nhưng về quê rồi, nó lại rối lên với những mưu sinh đời thường. Giờ, muốn kiếm một tấm chồng ở quê cũng không dễ gì. Thanh niên, trai tráng trong làng đi làm ăn xa hết. Ở nhà phần đông là người già, phụ nữ và trẻ con. Cũng vì xa quê lâu ngày, nay việc đồng áng với em tôi thật sự quá sức. Em lại băn khoăn nên tiếp tục đi hay ở lại.

Đúng là vì cái nghèo mà người ta phải dứt quê để đi, nhưng cũng chính vì cái nghèo đã níu chân những người ở lại. Ở lại để xây đắp, thay đổi, tạo dựng, ở lại để đón những người xa quê trở về. Tôi thường nhận được quà quê là mấy ký lạc, đỗ, mấy củ khoai, sắn từ chú mợ, cậu dì. Bóc lạc quê rất rát tay vì vỏ dày, củ nhỏ, hạt không đều. Nhưng khi rang lạc xong, thưởng thức nó, chồng tôi đã cảm nhận đúng: lạc quê mình hạt xấu nhưng ngọt bùi hơn những vùng quê khác. Và tôi càng hạnh phúc khi con bi bô nói thích được về quê. Thích chỉ giản dị vì được xem con trâu, con bò, được xem sáo diều và ngắm dòng sông nhỏ. Tình yêu với quê hương, với con người đôi khi cũng chỉ bắt đầu từ những điều giản đơn và hồn nhiên như thế. Quê hương, nơi ấy, những người thân yêu luôn nồng ấm đón chúng ta trở về…


Song Nguyên (Khoa Ngữ văn, ĐH Vinh)