Buổi gặp mặt diễn ra vào ngày 13/5, là một trong những hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019.
Tham dự buổi gặp mặt có ông Vũ Chiến Thắng -  Trưởng ban BTGCP; ông Hoàng Thanh Nghị - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao; ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng ban Ban Dân tộc và Tôn giáo, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Hoàng Bá Hai - Phó Vụ trưởng vụ Công tác tôn giáo, Ban Dân vận Trung ương; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN cùng các tăng, ni, Phật tử người Việt Nam ở nước ngoài tham dự Đại lễ Vesak 2019.
Tại Đại lễ Vesak năm nay, có khoảng 250 Việt kiều là các tăng, ni, nhà nghiên cứu, Phật tử ưu tú từ hơn 40 quốc gia về tham dự sự kiện. Buổi gặp mặt là cơ hội để kiều bào, Phật tử chia sẻ về thực tế sinh hoạt tôn giáo của các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, cũng như đề xuất một số nội dung liên quan đến cơ sở pháp lý sinh hoạt, xây dựng cơ sở thờ tự Phật giáo ở nước ngoài.
Tại buổi gặp mặt, ông Hoàng Xuân Bình - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan chia sẻ về nhu cầu xây dựng cơ sở tôn giáo, tâm linh tại các khu vực người Việt Nam sinh sống ở các nước Đông Âu nói riêng và châu Âu nói chung. Ông bày tỏ mong muốn Chính phủ và GHPGVN hỗ trợ pháp lý để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đủ điều kiện xây dựng các trung tâm văn hóa - tâm linh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng người Việt xa xứ.
kb31221646_1452019.jpgÔng Hoàng Xuân Bình - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan phát biểu.
Ông Bình cho biết thêm, việc xây dựng và duy trì hoạt động của các chùa Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài xuất phát từ nhu cầu gắn kết cộng đồng, cũng là nơi để tổ chức các sự kiện, lễ hội Phật giáo hướng về quê hương bản quán, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam đến với người dân nước sở tại.
Hòa thượng Thích Đức Tuấn từ Mỹ đề xuất tăng cường đào tạo ngoại ngữ cho tăng, ni hoạt động tại nước ngoài để giúp phát triển công tác Phật sự, đồng thời kêu gọi sự đoàn kết hơn nữa của Phật giáo trong và ngoài nước.
Phật tử Hà Minh Hiển từ Ba Lan bày tỏ mong muốn GHPGVN xem xét, công nhận cộng đồng Phật giáo Việt Nam ở một số nước, hoạt động theo điều lệ và quy chế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ông cũng mong muốn Giáo hội quan tâm nhiều hơn công tác Phật sự của các hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài đã được quốc gia sở tại cấp phép hoạt động tôn giáo.
Ông Hà Minh Hiển - Phật tử tại Ba Lan phát biểu.
Thượng tọa Thích Phước Hoan, Australia bày tỏ vui mừng khi Phật tử Việt Nam từ bốn phương tề tựu đông đủ tại Đại lễ Vesak 2019 và chứng kiến sự phát triển của đất nước. Đồng cảm với khó khăn trong sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, song Thượng tọa cho hay, việc đưa chức sắc ở Việt Nam ra hoạt động tại nước ngoài là việc không dễ thực hiện do gặp nhiều rào cản pháp luật của nước sở tại.
Bà Tạ Phạm Bích Thủy - Phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Séc bày tỏ biết ơn về sự giúp đỡ, hướng dẫn của GHPGVN đối với cộng đồng Phật tử tại Cộng hòa Séc. Cộng đồng người Việt Nam nơi đây đã hình thành tổ chức và duy trì hoạt động tốt, được chính quyền sở tại đánh giá cao. Kết quả này có đóng góp không nhỏ của Hội Phật tử Việt Nam tại CH Séc.
Bà Tạ Phạm Bích Thủy - Phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Séc phát biểu.
Ông Nguyễn Hồng Cư, kiều bào Đức chia sẻ tin vui về việc tổ chức Đại lễ Phật đản 2019 của kiều bào Việt Nam ở Frankfurt, Đức, với sự tham gia và chúc mừng của chính quyền địa phương.
Ông Cư cho hay, việc kiều bào sinh sống không tập trung và quy chế thành lập các đạo tràng Phật giáo ở nước ngoài chưa thống nhất dẫn tới việc trong một địa bàn nhỏ tồn tại nhiều đạo tràng hoạt động rời rạc, không hiệu quả.
Đại diện cho GHPGVN, Thượng tọa Thích Đức Thiện chào mừng Phật tử kiều bào về Việt Nam tham dự Đại lễ Vesak 2019. Tiếp thu các ý kiến về hoạt động Phật sự của Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài và hoạt động của các Hội Phật tử do GHPGVN thành lập ở nước ngoài, Thượng tọa khẳng định, hoạt động Phật sự của người Việt Nam ở nước ngoài cơ bản diễn ra có tổ chức, đem lại lợi ích thiết thực cho bà con kiều bào.
Thượng tọa Thích Đức Thiện trả lời Phật tử kiều bào.
Thượng tọa Thích Đức Thiện cho hay, Giáo hội thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong công tác Phật sự của người Việt Nam ở nước ngoài. Ông kêu gọi sự chung sức, đồng lòng của các Phật tử, nêu cao hành động theo tinh thần vì lợi ích của chúng sinh, đem lại an lạc hoan hỷ cho mọi người, vì sự phát triển thống nhất và thịnh vượng của Phật giáo Việt Nam.
Trả lời về định hướng đào tạo ngôn ngữ, kỹ năng hoằng pháp, nghi lễ cho tăng, ni, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, Giáo hội đang triển khai kế hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác Phật sự ở nước ngoài.
Ông Hoàng Thanh Nghị - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đánh giá cao những đóng góp thiết thực của cộng đồng kiều bào trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Ông khẳng định Nhà nước và Giáo hội sẽ tiếp tục phối hợp nhằm tìm ra giải pháp cho các vấn đề còn vướng mắc trong sinh hoạt Phật giáo của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Trưởng ban BTGCP Vũ Chiến Thắng đánh giá cao sự nỗ lực của chức sắc Phật giáo và Phật tử tại các chi hội Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài. Ông cho biết, hiện nay, Phật giáo Việt Nam có mặt tại 22 quốc gia trên thế giới.
Trưởng ban BTGCP Vũ Chiến Thắng phát biểu tại buổi gặp mặt.
Trong các chuyến thăm, làm việc tại nước ngoài, BTGCP luôn ưu tiên trao đổi về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng người Việt với các cơ quan quản lý nước sở tại. Việc sinh hoạt Phật giáo của kiều bào gặp một số vướng mắc là do những khác biệt về luật pháp ở các quốc gia, khác biệt về đường hướng hoạt động của GHPGVN và Phật giáo nước sở tại.
Ông hoan nghênh những ý kiến thẳng thắn của các đại biểu Phật tử tại buổi gặp mặt và khẳng định, BTGCP tiếp tục thảo luận với các bộ, ban, ngành và GHPGVN để đưa ra giải pháp tháo gỡ những vướng mắc cho sinh hoạt Phật giáo, đáp ứng nguyện vọng sinh hoạt tôn giáo chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân trong và ngoài nước. Chính sách tôn giáo được Nhà nước đặc biệt quan tâm nhằm đáp ứng nhu cầu tôn giáo chính đáng của nhân dân, thúc đẩy đoàn kết dân tộc, phát huy các giá trị tốt đẹp của các tôn giáo. Nhà nước Việt Nam coi tôn giáo là nguồn lực đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài là những sứ giả của tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và nước sở tại.

Trưởng ban BTGCP Vũ Chiến Thắng