(Baonghean) - Vào mùa nắng nóng cũng là thời điểm bà con dân tộc ở huyện rẻo cao như Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong (Nghệ An) phát dọn thực bì, đốt nương làm rẫy. Hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng rất cao.
Chống cháy rừng khi đốt rẫy
Thời điểm này, tại xã Tiền Phong (Quế Phong) bà con đang triển khai xử lý thực bì đốt nương làm rẫy. Ông Lương Văn Đức - Trưởng bản Na Sành, xã Tiền Phong cho hay: Bản Na Sành có 120 hộ dân, những năm 2010 về trước, có khoảng trên 60 ha rẫy. Nay chỉ còn khoảng 10 ha rẫy luân canh. Đến thời điểm này, bản đã phát nương, đốt rẫy được khoảng 6 ha. Quá trình đốt rẫy, Ban quản lý bản cùng với cán bộ nông nghiệp xã trực tiếp hướng dẫn bà con quy trình đốt rẫy.
Ông Võ Khánh Toàn - Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết thêm: Thời cao điểm xã có trên 250 ha rẫy, nay xã chỉ còn trên 40 ha rẫy luân canh. Ngay từ đầu mùa nắng nóng, xã cùng kiểm lâm địa bàn tổ chức tập huấn cho bà con thôn bản quy trình đốt nương rẫy, chữa cháy khi xảy ra tình trạng cháy rừng. Nhờ vậy mà ở đây nhiều năm rồi không có cháy rừng xảy ra.
Xã Tiền Phong giảm được diện tích rẫy là do những năm qua, xã tập trung khai hoang ruộng nước, nâng tổng diện tích gần 250 ha lúa nước. Xã còn khuyến khích bà con phát triển mô hình kinh tế như chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng nguyên liệu.
Để giảm thiểu nguy cơ cháy rừng do đốt nương làm rẫy, UBND huyện Quế Phong đã thành lập Ban Chỉ đạo giao rẫy, tham mưu giúp Chủ tịch UBND huyện giải quyết các vấn đề có liên quan đến công tác giao rẫy. Căn cứ tình hình thực tế ở các xã, tổ chức giao rẫy cho các bản thiếu ruộng nước, đáp ứng nhu cầu sản xuất lương thực của nhân dân.
Ông Trần Đức Lợi - Hạt phó Kiểm lâm Quế Phong cho hay: Hạt đã chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn căn cứ vào điều kiện thực tế của từng thôn, bản để có kế hoạch giao rẫy. Từ đó, tiến hành tổ chức khoanh vùng rẫy đúng đối tượng, đúng vị trí theo quy hoạch. Lực lượng kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, giám sát người dân đi vào rừng, ngăn chặn các hành vi lợi dụng việc đốt rẫy làm ảnh hưởng tới tài nguyên rừng, phát đốt rừng trái phép.
Còn tại huyện Tương Dương, vùng trọng điểm sản xuất nương rẫy dễ gây ra cháy rừng gồm các xã như: Mai Sơn, Hữu Khuông, Tam Thái, Thạch Giám, Xá Lượng, Lượng Minh, Tam Hợp, Lưu Kiền...
Hiện tại, bà con xã Tam Quang đang bắt đầu mùa phát rẫy trên diện tích quy hoạch 220 ha, tuy nhiên, bà con chỉ nhận 180 ha. Đến thời điểm này, bà con đã xử lý được 30 ha rẫy. Xã thực hiện tốt phối hợp với kiểm lâm địa bàn để hướng dẫn, giám sát bà con trong quá trình đốt rẫy an toàn.
Trong số 180 ha rẫy,năm nay có khoảng trên 50 ha bà con xử lý để trồng keo nguyên liệu.
Huyện Tương Dương có 174.618 ha rừng, hiện chỉ còn 500 ha rẫy luân canh. Ngoài việc làm rẫy luân canh theo quy hoạch, do đời sống của đồng bào các dân tộc còn khó khăn, thiếu đất ruộng nước nên một bộ phận nhân dân vẫn còn tình trạng đốt nương rẫy trái phép.
Các xã đều thành lập Ban Chỉ đạo nương rẫy phối hợp với kiểm lâm địa bàn kịp thời hướng dẫn công tác xử lý thực bì, đốt nương làm rẫy cho nhân dân. Hạt tổ chức ký cam kết với người dân đốt nương làm rẫy chỉ được đốt ở những khu vực quy hoạch, đốt rẫy đúng với quy trình kỹ thuật. Trước khi đốt, phải báo cáo với chính quyền địa phương để được hướng dẫn.
Cần đồng bộ chính sách quản lý rẫy
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng - Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Quy hoạch sản xuất nương rẫy địa bàn tỉnh Nghệ An từ năm 2009 đến nay được thực hiện trên địa bàn 6 huyện miền núi gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, với tổng diện tích 46.487 ha.
Hàng năm, căn cứ quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy, Kiểm lâm phụ trách địa bàn phối hợp cùng chính quyền địa phương giao rẫy luân canh cố định cho các hộ sản xuất nương rẫy. Giao toàn tỉnh khoảng trên 20.000 ha rẫy.
Thời điểm đốt nương làm rẫy, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo kiểm lâm các huyện hướng dẫn nhân dân làm rẫy đúng với quy hoạch, đúng quy định về PCCCR, yêu cầu trước khi đốt rẫy phải thông báo với chính quyền địa phương và hạt kiểm lâm.
Tuy nhiên, quản lý và quy hoạch nương rẫy vẫn đang còn những hạn chế như: Chưa có chính sách, quy định rõ ràng về cơ chế quản lý về nương rẫy một cách hệ thống và toàn diện; chưa có cơ quan quản lý Nhà nước nào được giao nhiệm vụ cụ thể về quy hoạch, quản lý nương rẫy, dẫn đến tình trạng có nhiều cơ quan có trách nhiệm liên quan, nhưng thiếu một đầu mối phối hợp và chỉ đạo thực hiện.
Hệ thống tiêu chí phân loại đất nương rẫy, đất chưa sử dụng và đất lâm nghiệp thiếu thống nhất. Sản xuất còn mang nặng tính tự cấp, tự túc, chưa phát huy được tiềm năng đất đai. Năng suất chất lượng cây trồng vật nuôi thấp.
Theo ông Tuấn, để quản lý tốt đất nương rẫy cần có các giải pháp phối hợp: Rà soát, quy hoạch lại vùng sản xuất nương rẫy ổn định lâu dài cho nhân dân, phù hợp với phong tục, tập quán của từng dân tộc.
Văn Trường