Nhưng giờ đây, khi những chiến thắng của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đưa Iran tiệm cận biên giới Israel, người ta cho rằng xứ bạch dương hẳn đang đặt trong thế khó hơn bao giờ hết, khi phải tìm cách làm sao “đẹp lòng đôi bên”: cân bằng những điều cấp bách tại Syria và mối quan hệ với Israel.
Những năm gần đây, dù căng thẳng địa chính trị nổ ra giữa Moskva và phương Tây, thì vẫn có một đồng minh trung thành của Mỹ tỏ ra giữ thái độ “khác biệt” đối với Nga: đó là Israel.
Các đại sứ của nước này đã không tham gia cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp quốc hồi năm 2014 để lên án việc Nga sáp nhập Crimea. Israel cũng không đóng vai trò tích cực trong những làn sóng trừng phạt của phương Tây chống Nga. Hồi năm ngoái, họ còn đẩy mạnh thương mại song phương với Nga thêm 20%, nâng kim ngạch lên tới hơn 3 tỷ USD.
Mới đây hơn, quốc gia này đã từ chối trục xuất nhà ngoại giao Nga do vụ đầu độc điệp viên Skripal, kể cả khi phương Tây “chung sức đồng lòng” trục xuất 150 người. Và tuần này, Israel tuyên bố đang quay trở lại các đàm phán về việc thiết lập khu vực thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á-Âu do Nga đứng đầu.
Trong bối cảnh các mối liên hệ Đông-Tây nhanh chóng đổ vỡ, Israel và Nga đến nay vẫn thành công duy trì đối thoại lành mạnh, lấy thực tế làm định hướng và được hậu thuẫn bởi cái được xem là mối quan hệ công việc nồng ấm giữa 2 nhà lãnh đạo Benjamin Netanyahu và Vladimir Putin.
Nhưng dù cùng có quyết tâm tránh xa cơn bão toàn cầu, mọi chuyện lại đang có khả năng đi đến điểm tới hạn tại Syria. Tuy Nga và Israel hiện vẫn có khả năng giải quyết các bất đồng, Israel ngày càng tỏ ra quan ngại khi Iran, đồng minh của Nga tại Syria nhưng lại là kẻ thù chính của họ, ngày càng vững chắc tại Syria.
Những chiến thắng gần đây của chính quyền Syria với sự hậu thuẫn của Nga, Iran và phong trào Hezbollah của người Liban dòng Shiite, đã mở rộng cánh cửa giải quyết hòa bình cuộc chiến giữa nhiều phe phái kéo dài 7 năm, đồng thời có thể khiến Iran hiện diện lâu dài tại quốc gia này, ở những địa điểm bao gồm các căn cứ quân sự gần biên giới Israel. Về phần mình, Israel đã phát tín hiệu rằng đó là điều không thể chấp nhận.
Alexander Shumilin - chuyên gia về Trung Đông của Viện nghiên cứu châu Âu thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga (RAS) tại Moskva nêu quan điểm: “Israel và Nga luôn cùng phối hợp tại Syria, và có một yếu tố quan trọng là sự hiểu biết lẫn nhau tồn tại giữa họ. Nhưng các quan điểm về Syria lại khác nhau, và điều đó đang nhanh chóng phủ bóng lên mối quan hệ này. Israel và Mỹ muốn hoàn toàn gỡ bỏ tầm ảnh hưởng của Iran khỏi Syria, và đây lại không phải là điều Nga quan tâm. Dù nó gây ảnh hưởng ra sao, thì nước Nga đơn giản có thể không còn khả năng kiểm soát xung đột đang phát triển giữa Iran và Israel tại Syria”.
Israel và Mỹ muốn hoàn toàn gỡ bỏ tầm ảnh hưởng của Iran khỏi Syria, và đây lại không phải là điều Nga quan tâm.
Quan hệ thực tế
Hồi đầu tháng 4, cả Israel lẫn nhóm đồng minh do Mỹ đứng đầu đã tấn công các mục tiêu tại Syria. Trong khi Mỹ đánh vào những nơi được cho là các cơ sở vũ khí hóa học, thì Iran tấn công căn cứ không quân T4 gần Homs, nơi được các lực lượng Iran sử dụng làm trung tâm điều khiển máy bay không người lái.
Vụ tấn công của Israel nhận được sự chỉ trích không mấy mạnh mẽ từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, nhưng phản ứng “phát hỏa” thực sự của Moskva lại nhằm vào Washington. Nga cáo buộc Mỹ không có lấy một chiến lược chặt chẽ cho sự can dự tại Syria, ngoài việc cản trở hy vọng chiến thắng của Nga và Iran.
Đáp trả các vụ tấn công, Nga đã đe dọa vũ trang cho Syria hệ thống phòng không S-300, một vũ khí hiệu quả thời hậu Xô viết, có thể cải thiện đáng kể khả năng của nước này. Hiện quyết định cuối cùng chưa được đưa ra, song Israel tuần này đã cảnh báo rằng họ sẽ trả đũa nếu các tên lửa S-300 làm cản trở các mục tiêu của mình.
Yevgeny Nikitenko, chuyên gia an ninh quốc gia tại Học viện kinh tế quốc dân và hành chính công (RANEPA) nhận định: “Chúng tôi cần tìm các cơ chế mới để phối hợp với Israel. Israel sợ rằng khi Syria trở nên mạnh hơn, vấn đề về cao nguyên Golan từng bị Syria chiếm đóng và sáp nhập sẽ lại trở nên cấp thiết. Israel là đồng minh chống khủng bố tốt nhất của chúng tôi, và chúng tôi cần tìm ra một cấp độ thấu hiểu mới với họ”.
Trong quá khứ, Liên Xô cũ từng liên minh với một số chế độ Arập bài Israel, ủng hộ sứ mệnh của người Palestine, và thậm chí còn cắt đứt quan hệ ngoại giao với quốc gia Do Thái sau chiến thắng quân sự của họ trước các láng giềng Arập hồi năm 1967. Các quan hệ này đến năm 1991 được khôi phục, nhưng phải sau khi ông Putin lên nắm quyền vào năm 2000 thì mới ấm lên một cách đáng kể.
Dmitry Maryasis, chuyên gia về Israel tại Viện nghiên cứu phương Đông của RAS chia sẻ: “Một yếu tố quan trọng đối với Putin là lập trường của Israel về cuộc chiến của Nga tại Chechnya. Phương Tây có xu hướng chỉ trích Moskva về Chechnya, nhưng Israel hiểu chúng tôi và nhất trí rằng không thể tồn tại sự thỏa hiệp nào với bọn khủng bố. Các nhà ra quyết định của Nga thực sự đánh giá cao sự ủng hộ này, vốn không chỉ thể hiện qua lời nói, mà còn dưới hình thức hợp tác giữa các đơn vị tình báo”.
Sự ổn định và tăng trưởng kinh tế của Nga dưới thời ông Putin cũng tạo ra những cơ hội kinh tế mới. Khoảng 10% dân số Israel sử dụng tiếng Nga, tỷ lệ cao nhất tại bất cứ quốc gia nào ngoài Liên Xô cũ, và hàng nghìn người trong số này đã bắt đầu quay trở lại Nga để khởi nghiệp cũng như đảm nhiệm những công việc ở vị trí cao. Theo thống kê chính thức, khoảng 100.000 công dân Israel hiện sinh sống và làm việc tại Nga.
Ông Maryasis làm rõ hơn: “Nga không có phong trào bài Israel, như nhiều quốc gia châu Âu vẫn làm. Phong trào tẩy chay, ruồng bỏ, trừng phạt đang phát triển ở phương Tây không hiện hữu tại Nga. Các cộng đồng Hồi giáo của Nga chẳng hạn như người Tatar dù gì đi nữa cũng không có đề ra mục tiêu bài Israel. Giọng điệu của truyền thông Nga về Israel nhìn chung là trung lập. Người Israel, vốn rất nhạy cảm về vấn đề đó, có xu hướng đánh giá cao điều này ở Nga”.
“Thời khắc ngặt nghèo”
Song không loại trừ điều đó có thể thay đổi, khi căng thẳng về Syria tiếp diễn. Trong một tuyên bố cứng rắn hiếm thấy, Nga đã chỉ trích việc Israel giết hại hàng chục người biểu tình Palestine không có vũ trang hồi đầu tháng tại dải Gaza, gọi đó là “việc sử dụng vũ lực bừa bãi chống lại dân thường”. Báo chí Israel đã bắt đầu lên tiếng tự hỏi liệu quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa ông Netanyahu và ông Putin có chạm tới giới hạn hay không.
Một số chuyên gia phân tích của Nga như Maryasis tỏ ra lạc quan rằng Nga và Israel có thể dàn xếp những bất đồng này. Ông lập luận: “Israel biết không cách nào quyết định số phận của Syria nếu không có Nga. Chỉ duy nhất một quốc gia có ảnh hưởng thực sự đối với kẻ thù của Israel, tức Iran, và đó là Nga. Vì thế, Israel cần làm cho Nga hiểu được mối quan ngại của mình; Nga là nước họ cần nói chuyện. Netanyahu và Putin đã có thể đối thoại mà không tính đến những căng thẳng chính trị đang bẻ gãy quan hệ Nga-Mỹ, đã có cuộc đối thoại mạnh mẽ giữa họ, và có cơ sở để hy vọng họ sẽ tìm được tiếng nói hợp tác mới trong tình hình mới”.
Chỉ duy nhất một quốc gia có ảnh hưởng thực sự đối với kẻ thù của Israel, tức Iran, và đó là Nga.
Trong khi đó, số khác lại tỏ ra không mấy chắc chắn, đơn cử như ông Shumilin với quan điểm: “Chiếc bẫy mà Nga vướng vào tại Syria là việc nước này có nghĩa vụ bảo vệ các đồng minh, nhất là chính quyền Assad. Nhưng tình hình ngày một phức tạp. Vấn đề S-300 có thể trở thành điểm tới hạn. Không ai biết điều gì sắp sửa xảy ra, hay nước Nga sẽ hành động như thế nào. Đây quả thực là một thời khắc hết sức ngặt nghèo”.