Nỗ lực trấn an đồng minh
Cho đến nay, việc Mỹ rút quân khỏi Syria theo như tuyên bố của Tổng thống Donald Trump vẫn đang là chủ đề “chiếm sóng” trong các chương trình nghị sự của Washington.
Quyết định này được coi là “mang tính cảm hứng” của ông chủ Nhà Trắng, bởi các quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng từ Bộ trưởng, đến Chánh văn phòng và một số tướng lĩnh khác đều không nhất trí với kế hoạch này. Họ đã bày tỏ sự phản đối với Tổng thống bằng lá đơn từ chức.
Theo thông báo trong một sắc lệnh trước đó, việc rút 2.000 binh sĩ Mỹ khỏi Syria đã được lên kế hoạch hoàn tất trong 30 ngày. Thế nhưng, cách đây 2 ngày, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay “vẫn chưa có thời gian biểu cho việc rút binh sĩ”.
Trong lúc chuyện rút quân của Mỹ khỏi Syria vẫn còn “mập mờ” thì các đồng minh của Washington bất an và hoang mang cũng là điều dễ hiểu. Israel là quốc gia bận tâm nhất trước kế hoạch của Mỹ.
Tel Aviv đang lo lắng đối thủ cạnh tranh trong khu vực của họ là Iran sẽ mở rộng sự hiện diện ở Syria sau khi Mỹ rút và đi kèm với khả năng là Tổng thống Bashar al-Assad - một đồng minh của Tehran sẽ nối lại quyền lực trên toàn đất nước.
Chính vì thế, trong chuyến thăm Israel bắt đầu từ ngày 4/1, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton muốn lắng nghe ý kiến hay những quan ngại của Israel về quyết định rút quân ra khỏi Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như tái khẳng định chính sách của Mỹ “đảm bảo an ninh cho Israel là ưu tiên hàng đầu”.
Một quan chức trong chính quyền Mỹ cho biết, ông Bolton sẽ chuyển tải thông điệp rằng Mỹ sẽ hỗ trợ mạnh mẽ các cuộc không kích của Israel chống lại các mục tiêu Iran ở Syria.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Tayip Erdogan trước đó đã cam kết với người đồng cấp Mỹ “sẽ nhổ hết những gì còn lại của IS ở Syria và Iraq”. Cam kết này được Tổng thống Mỹ ủng hộ.
Tuy nhiên, điều Mỹ quan tâm nhất là số phận người Kurd ở Syria - lực lượng mà Mỹ lâu nay hậu thuẫn. Đó là một phần lý do ông John Bolton chọn Thổ Nhĩ Kỳ là chặng dừng chân tiếp theo sau Israel.
Chuyến thăm được coi là một nỗ lực cuối cùng của Mỹ để tránh một cuộc thảm sát người Kurd từ phía Ankara. Ngoài ra, việc Tổng thống Mỹ muốn Thổ Nhĩ Kỳ “thế vai” trong cuộc chiến chống IS ở Syria và khu vực cũng sẽ một nội dung nghị sự quan trọng mà ông Bolton muốn bàn với các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi Ankara quay sang “bắt tay” với Nga tạo nên một liên minh mới ở đây.
Nói chung, sứ mệnh lần này của cố vấn John Bolton không chỉ trấn an đồng minh về những quyết định gần đây của Tổng thống Donald Trump mà còn phải làm rõ việc phối hợp với các đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ và Israel sẽ ở mức nào để vừa đảm ảo lợi ích của Mỹ, vừa không tổn hại an ninh của họ cũng như đối tác của Mỹ tại Syria.
Buông nhưng không bỏ
Có thể nói kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi Syria đến nay vẫn khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi. Nếu kế hoạch này được triển khai như tuyên bố ban đầu của Tổng thống Donald Trump, đó có thể là một bước ngoặt lớn trên chiến trường Syria cũng như trong đại chiến lược của Mỹ ở Trung Đông.
Vì thế, tuyên bố của ông Trump là một “quyết định ngẫu hứng” hay bước đi có tính toán vẫn là điều khiến giới quan sát đau đầu. Chỉ có điều, có vẻ như sau tuyên bố bất ngờ ấy, giới chức Mỹ, những người dưới quyền ông Trump đang cố gắng “diễn giải” với đồng minh và thế giới rằng Mỹ “buông nhưng không bỏ Syria”.
Điều này có thể thấy rõ khi trên đường thăm Israel, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố: “Mỹ hoàn toàn không thay đổi quan điểm phản đối chính quyền Syria sử dụng các loại vũ khí hóa học và cũng hoàn toàn không thay đổi quan điểm với việc bất cứ cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học cũng sẽ phải lĩnh đòn đáp trả nặng nề như Mỹ đã làm 2 lần trước đây”.
Tuyên bố này rõ ràng khẳng định rằng Mỹ có rút quân hay không thì quốc gia này vẫn sẽ can dự vào Syria khi cần thiết. Hay nói cách khác, chính sách chung về Syria của Washington sẽ khó thay đổi.
Sau cuộc gặp này ông Graham viết trên Twitter rằng: “Tổng thống Trump sẽ đảm bảo chỉ rút quân khỏi Syria khi IS bị đánh bại hoàn toàn, khi Iran không thể thế chân Mỹ ở Syria và khi lực lượng đồng minh người Kurd được bảo vệ”.
Điều đó có nghĩa, việc những binh sĩ Mỹ ở Syria hồi hương sẽ không phải chuyện “một sớm, một chiều”. Theo một số chuyên gia, kế hoạch này có thể mất vài tháng, cũng có thể cả năm, nhưng về cơ bản, Mỹ sẽ không từ bỏ hoàn toàn sự can dự tại Syria, kể cả thời kỳ hậu IS.
Trước mắt, cả Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao trong thời gian tới chắc chắn sẽ phải phối hợp chặt chẽ hơn với Nhà Trắng về cách làm cho việc rút quân thành công mà không ảnh hưởng đến những lợi ích của Mỹ lâu nay.
Chính vì thế, sau chuyến công du Israel và Thổ Nhĩ Kỳ của Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng thăm 8 nước Trung Đông trong nỗ lực vạch ra chiến lược rõ ràng và thống nhất hơn với khu vực địa chính trị quan trọng này./.