Trump dọa qua mặt Quốc hội Mỹ để xây tường biên giới
Tổng thống Mỹ tuyên bố có thể sử dụng quyền lực khẩn cấp để xây bức tường ở biên giới với Mexico mà không cần quốc hội phê chuẩn. "Có. Tôi có thể làm điều đó. Chúng ta có thể làm điều đó. Chúng ta có thể yêu cầu lệnh khẩn cấp quốc gia và nhanh chóng xây dựng bức tường", Reuters dẫn phát biểu Tổng thống Mỹ Donald Trump khi được hỏi liệu ông có xem xét ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để xây bức tường tại khu vực biên giới ngăn cách giữa Mỹ và Mexico hay không.
Mâu thuẫn giữa chính quyền Trump và quốc hội về khoản ngân sách 5,6 tỷ USD cho việc xây bức tường này đã khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong 2 tuần qua. Các nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng bức tường biên giới, một trong những cam kết chủ chốt của Trump trong chiến dịch tranh cử, chỉ nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề nhập cư phức tạp hơn và là công cụ để Trump lôi kéo sự ủng hộ của những người bảo thủ.
Tổng thống Mỹ khẳng định chỉ mở cửa chính phủ trở lại khi khoản tiền này được thông qua. Trong khi đó, cuộc đàm phán với phe Dân chủ vào hôm qua của Tổng thống Mỹ cũng không đạt được kết quả.
Nga khuyến cáo công dân nên thận trọng khi ra nước ngoài
Bộ Ngoại giao Nga khuyến cáo công dân nước mình nên thận trọng khi ra nước ngoài nếu có cơ sở để cho rằng các cơ quan pháp luật Mỹ có thể đưa ra những yêu sách đối với họ. Ông đồng thời lấy làm tiếc về việc Mỹ tiếp tục bắt giữ công dân Nga, thậm chí công dân Nga bị bắt giữ ở nước thứ 3 theo yêu cầu của Mỹ, và sau đó bị dẫn độ về Mỹ mà không có lý do.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã đưa ra khuyến cáo trên khi đề cập đến vụ công dân Nga Dmitry Makarenko bị bắt tại đảo Saipan thuộc quần đảo Bắc Mariana của Mỹ. Ông Makarenko bị bắt hôm 29/12/2018 và đã được đưa đến bang Florida. Hiện, các nhà ngoại giao Nga đã yêu cầu được tiếp cận lãnh sự đối với công dân này.
Chính quyền Pháp: Áo phản quang vàng là những "kẻ kích động"
Sau cuộc họp nội các, người phát ngôn Tổng thống Benjamin Griveaux cáo buộc phong trào biểu tình Áo phản quang vàng đã trở thành sân chơi của những kẻ kích động muốn dấy loạn và lật đổ chính quyền, theo Reuters. Ông cho biết chính quyền sẵn sàng đối thoại chân thành với những người biểu tình ôn hòa nhưng nhấn mạnh sẽ phải thay đổi cách tiếp cận vì đã nhượng bộ quá nhiều.
Theo ông Griveaux, Tổng thống Emmanuel Macron đã nói với các bộ trưởng rằng cần phải mạnh mẽ hơn trong việc cải cách đất nước nhưng cũng phải đảm bảo khôi phục luật pháp và trật tự.
Bình Nhưỡng truy tìm nhà ngoại giao Triều Tiên tại Italy đào tẩu
The Korea Herald và Reuters đưa tin, Triều Tiên đang truy tìm Quyền Đại sứ nước này tại Rome Jo Song-gil, sau khi ông này mất tích hồi đầu tháng 11/2018 trong bối cảnh truyền thông đưa tin nhân vật này đã xin tị nạn tại một nước phương Tây, có thể là Mỹ.
Tờ JoongAng Ilbo dẫn các nguồn tin cho hay, Ban Đối ngoại của Đảng Lao động Triều Tiên và Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã được chỉ thị phải tiến hành một cuộc điều tra triệt để về ông Jo Song-gil, tìm kiếm những đối tượng khác có thể đang tìm cách đào tẩu và tìm ra cách thức ngăn chặn những tình huống như vậy xảy ra.
Báo này dẫn một nguồn tin ở Italy còn nêu rõ, Bình Nhưỡng đã cử một nhóm đi truy tìm ông Jo Song-gil ngay sau khi ông này biến mất cách đây 2 tháng.
Nhà chức trách Nga cho biết nhóm cướp biển Tây Phi gồm 7-9 tên được trang bị súng đã cướp tàu hàng MSC Mandy mang cờ Panama khi nó đang hoạt động ngoài khơi bờ biển Benin và bắt cóc 6 công dân Nga vào đêm 1/1, theo RT.
Cơ quan hàng hải Nga cho biết thủy thủ đoàn MSC Mandy gồm 23 người Nga và một người Ukraine, trong khi đại sứ quán nước này tại Benin khẳng định có 20 công dân Nga, 4 người Ukraine và 2 người Gruzia.
Những người bị bắt gồm thuyền trưởng, hai thuyền phó, thủy thủ trưởng, một thợ hàn và một đầu bếp. Các thành viên thủy thủ đoàn còn lại đều không bị thương. Giới chức Nga đang nỗ lực đàm phán, thuyết phục nhóm cướp biển trả tự do cho các thủy thủ bị bắt cóc.
Bạo lực gia tăng tại Ấn Độ sau phán quyết về đền thiêng Sabarimala
Khu vực miền Nam Ấn Độ đã rung chuyển bởi 2 vụ tấn công gồm một vụ phóng hỏa và một vụ đánh bom, được cho là nối tiếp các hành động bạo lực sau khi tòa án nước này bãi bỏ lệnh cấm phụ nữ vào ngôi đền Sabarimala của đạo Hindu ở bang Kerala.
Theo cảnh sát Ấn Độ, những đối tượng chưa rõ danh tính đã ném một quả bom tự tạo vào nhà một chính khách thuộc đảng cánh hữu Bharatiya Janata (BJP) và đốt cháy trụ sở tổ chức Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS) của những người theo đạo Hindu.
Trước đó, cả BJP và RSS đều phản đối phán quyết trên của tòa án. Hiện vẫn chưa có báo cáo về thiệt hại trong những vụ tấn công này. Đây là những vụ tấn công mới nhất xảy ra nhiều giờ sau vụ đánh bom ngôi nhà của một chính khách thuộc đảng Cộng sản Ấn Độ, người đã cam kết thực thi phán quyết nói trên của tòa án Ấn Độ.
Ford thu hồi gần 1 triệu xe có nguy cơ nổ túi khí
Hãng sản xuất ô tô Ford của Mỹ thông báo sẽ thu hồi trên toàn cầu hơn 953.000 chiếc xe để thay thế hệ thống bơm túi khí Takata được lắp đặt trên những chiếc xe này do nguy cơ túi khí có thể phát nổ.
Trong danh sách xe bị thu hồi có 782.384 chiếc tại thị trường Mỹ, đây là một phần trong đợt thu hồi xe hơi lớn nhất trên lãnh thổ nước này. Ngoài ra, Ford cũng thu hồi 149.652 chiếc xe khác đã được bán tại Canada.
Những chiếc ô tô bị thu hồi gồm các dòng xe Ford Edge và Lincoln MKX sản xuất năm 2010, Ford Ranger đời 2010 và 2011, Ford Fusion và Lincoln MKZ đời từ 2010 đến 2012, Mercury Milan đời 2010 và 2011, Ford Mustang đời từ 2010 đến 2014.