Phát ngôn viên Chính phủ Pháp Griveaux cho hay khoảng một chục người, một số mặc đồ đen, một số mặc áo khoác vàng, đã dùng một xe xây dựng nhỏ phá cửa vào tòa nhà chính phủ hôm 5/1. Họ cũng phá vỡ nhiều cửa sổ và làm hư hại một số ôtô, theo BBC. Ông Griveaux và đồng nghiệp phải chạy qua lối cổng hậu và lánh nạn trong khách sạn gần đó. 

000ui1i5griveaux139015467562524585256_612019.jpgPhát ngôn viên Chính phủ Pháp Benjamin Griveaux. Ảnh: France24.
Tổng thống Pháp Macron đã lên án vụ việc qua mạng xã hội Twitter, cho rằng "những người bảo vệ nước Pháp, những người đại diện cho nước Pháp, những biểu tượng của nước Pháp" đang bị tấn công.

Phong trào biểu tình "Áo vàng" ở Pháp hôm 5/1, bước sang tuần thứ 8 và lan rộng khắp cả nước. Cuộc tuần hành ở Paris bắt đầu trong hòa bình nhưng tới chiều xảy ra ẩu đả. Người biểu tình ném hơi cay, đốt lửa khiến lực lượng cảnh sát chống bạo động phải dùng tới các biện pháp mạnh.

Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner cho hay khoảng 50.000 người đã tham gia biểu tình khắp nước Pháp hôm qua, cao hơn tuần trước nhưng ít hơn so với con số 280.000 người hồi tháng 11/2018.

Phong trào biểu tình "Áo vàng" bùng phát vào ngày 17/11, ban đầu nhằm phản đối kế hoạch tăng thuế xăng dầu của chính phủ và yêu cầu cải thiện đời sống người dân, nhưng sau đó mở rộng sang chỉ trích Tổng thống Emmanuel Macron.

Ông Macron đã tìm cách xoa dịu cuộc khủng hoảng vào giữa tháng 12 bằng cách công bố gói biện pháp trị giá 10 tỷ euro (11,4 tỷ USD) để hỗ trợ người hưu trí và người lao động có thu nhập thấp, đồng thời hoãn kế hoạch tăng thuế nhiên liệu.

Động thái này khiến phe "Áo vàng" bị chia rẽ. Những người ôn hòa sẵn sàng đối thoại với chính phủ, trong khi những người khác tiếp tục biểu tình gây sức ép vì cho rằng giải pháp của chính phủ chưa thỏa đáng.

Cửa vào văn phòng của ông Griveaux ở Paris bị người biểu tình phá hỏng. Ảnh: AFP.
Hồi đầu tuần, Eric Drouet, một trong những thủ lĩnh của phe "Áo vàng", bị bắt lần thứ hai với cáo buộc lên kế hoạch tổ chức biểu tình ở Paris mà không thông báo với chính quyền theo luật. Vụ bắt giữ khiến Chính phủ Pháp bị chỉ trích "lạm quyền" và Drouet được thả sau một ngày.

Việc bắt Drouet là tín hiệu cho thấy Chính phủ Pháp đang chuyển hướng tiếp cận cứng rắn hơn trước phong trào biểu tình "Áo vàng" đã diễn ra gần hai tháng qua.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, phương pháp tiếp cận mới này tiềm ẩn nguy cơ phản tác dụng trong bối cảnh người dân vẫn bất bình với các chính sách kinh tế của chính quyền.