Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Video: Reuters.

Hôm 27/7, truyền thông Australia đưa tin Mỹ được cho là “đã sẵn sàng” đánh bom các cơ sở hạt nhân của Iran. Những thông tin này sau đó ngay lập tức bị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis bác bỏ, gọi đó là “hoàn toàn hư cấu”. Tuy nhiên, diễn biến này vẫn có khả năng gây rắc rối trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Iran xấu đi đột ngột, sau khi Washington hồi tháng 5 đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA).

Giọng điệu thù địch công khai của Mỹ có thể là một phần trong một chiến lược hoàn toàn khác. Vladimir Sazhin - thành viên nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định: “Tông giọng hiếu chiến của Washington là nỗ lực nhằm đe dọa Tehran và buộc nước này tham gia các hiệp định khác, mà có thể bao gồm chương trình tên lửa hay các hoạt động của nước này tại Trung Đông”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giành hết công trạng về một sự kiện lịch sử tầm quốc tế khác - đó là cuộc gặp của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - và xa hơn nữa khẳng định chính ông là người thực sự cứu thế giới thoát khỏi cuộc xung đột thảm khốc tiềm ẩn giữa Washington và Bình Nhưỡng. Thực tế, sự ấm lên trong mối quan hệ này do Triều Tiên khởi xướng, khi họ tham gia các cuộc đàm phán với láng giềng phía Nam đầu năm 2018, lúc Mỹ vẫn tích cực theo đuổi chiến lược “gây sức ép tối đa”, và sau đó ngừng hoạt động thử nghiệm hạt nhân, thậm chí là đóng cửa một trong những bãi thử của Triều Tiên trong một động thái rõ ràng thể hiện thiện chí.

 

Chiến đấu cơ F18 của Hải quân Mỹ trên tàu sân bay USS Carl Vinson. Ảnh: Reuters

Trump cho rằng cuộc gặp - vốn trên thực tế đem lại ít kết quả hơn so với ý định đã tuyên bố - là nhờ những nỗ lực của mình, và Washington rõ ràng vẫn lạc quan rằng chiến lược “gây sức ép tối đa” của họ thực sự đem lại hiệu quả. Ít nhất giờ đây Trump tỏ ra háo hức muốn thử và có được thỏa thuận như vậy lần thứ hai - nhưng lần này với đối thủ Trung Đông của Mỹ là Iran.

Tuy nhiên, chiến lược này trên thực tế vốn đã chứa đựng những sai lầm. Và Trump sẽ chỉ gánh trách nhiệm nếu chính sách hiện hành của Mỹ với Iran dẫn tới một cuộc khủng hoảng khác, thay vì đạt được bất kỳ thỏa thuận nào mà nhà lãnh đạo Mỹ có vẻ đang mong muốn tìm kiếm. 

ĐÒN GIÓ PHẢN TÁC DỤNG

Cuộc khủng hoảng lớn gần đây nhất liên quan đến chương trình hạt nhân Iran xảy ra trong năm 2011 và 2012. Thế giới khi đó như nín thở chờ đợi khả năng xảy ra tấn công nhằm vào Iran do Mỹ hoặc các đồng minh của họ, chẳng hạn như Israel tiến hành. Thời điểm ấy, Iran vốn kịch liệt phản đối nhượng bộ về chương trình hạt nhân, rốt cuộc đã phải hứng chịu những đòn trừng phạt cứng rắn đóng vai trò đưa Cộng hòa Hồi giáo ngồi vào bàn đàm phán.

Tuy nhiên, tình hiện hiện nay hoàn toàn khác. Giờ đây không phải Iran là bên gây rắc rối, mà chính nước Mỹ dưới sự thay đổi thất thường của Trump, đơn phương rút khỏi thỏa thuận lịch sử mà Iran đã thực sự tuân thủ kể từ khi ký kết năm 2015.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5. Ảnh: Reuters

“Trump giờ đây hoàn toàn tự mình quyết định rút khỏi thỏa thuận”, Sazhin nói, giải thích rằng “thậm chí một số bộ phận trong giới cầm quyền Mỹ cũng không ủng hộ quyết định này”.

Các đồng minh châu Âu của Mỹ vốn ủng hộ áp đặt trừng phạt Iran 6 năm trước, hiện cũng kịch liệt chỉ trích các hành động của Mỹ và đã cam kết duy trì thỏa thuận. Sazhin cũng khẳng định, Trump khó có khả năng tìm được bất kỳ sự ủng hộ nào đối với chính sách “gây sức ép tối đa” của mình tại EU, chứ chưa nói đến những quốc gia Đông Nam Á hiện đang phát triển các quan hệ kinh tế với Tehran.

Trong khi đó, Vladimir Batyuk - một chuyên gia phân tích quân sự kiêm thành viên nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada nói rằng, Mỹ có lẽ đang trong thế yếu nhất kể từ năm 1979 xét trên phương diện gây sức ép với Iran, trong khi Tehran hiện mạnh mẽ hơn nhiều bởi nước này nếu không nhận được sự ủng hộ công khai thì cũng là sự ủng hộ gián tiếp từ nhiều chủ thể quốc tế trong vấn đề thỏa thuận hạt nhân. Ông cũng khẳng định giọng điệu thù địch chưa từng có của Trump với Triều Tiên, kéo theo đó là sự thay đổi tông giọng nhanh chóng và khen ngợi Kim Jong-un, đã dẫn tới tình huống mà theo đó bất kỳ lời nói huênh hoang mới nào cũng có thể được xem là những đe dọa rỗng tuếch.

 
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã cảnh báo Mỹ chiến tranh với Iran là "nguồn gốc mọi cuộc chiến". Ảnh: Twitter
Quan điểm của Batyuk nhận được sự hưởng ứng của Konstantin Blohkin - một chuyên gia phân tích tại Trung Tâm Nghiên cứu An ninh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, người cũng khẳng định rằng Mỹ khó có khả năng đưa bất cứ ai tới bàn đàm phán thông qua hăm dọa, bởi những lời đe dọa của nước này giờ đây được xem là “không tồn tại”.

“Ông Trump đã đe dọa Triều Tiên nhưng không có động thái nào để thực hiện những đe dọa ấy”, Blohkin nhắc lại, nói thêm rằng “hiện không ai xem lời ông ta nói là nghiêm túc”. Trong tình cảnh như vậy, những bước đi của Trump không gì hơn ngoài “sự tuyên truyền và chiêu trò PR đi kèm với giọng điệu gây chiến”, Sazhin khẳng định, nói thêm rằng Mỹ khó có khả năng khiến Iran đầu hàng trong những vấn đề chẳng hạn như chương trình tên lửa hay các chính sách Trung Đông của nước này.

TRỪNG PHẠT - LỢI BẤT CẬP HẠI?

Những tuyên bố mang tính hiếu chiến không phải là vũ khí duy nhất trong kho của Trump; ông cũng đang chuẩn bị sử dụng một trong những công cụ chính sách ưa thích nhất của Washington - đó là các đòn trừng phạt. Hồi đầu tháng, Mỹ đã cam kết tăng sức ép với lĩnh vực năng lượng của Iran. Washington đang có kế hoạch gây tổn hại cho Tehran thông qua “giảm doanh thu bán dầu thô của nước này về không” bằng các đòn trừng phạt có hiệu lực vào tháng 11.



Phụ nữ Iran biểu tình phản đối Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử tại Tehran hôm 11/5. Ảnh: Reuters

Trong khi động thái này không thể tác động đến một số đối tác thương mại của Iran, chẳng hạn các quốc gia Đông Nam Á, Nga hay thậm chí là Thổ Nhĩ Kỳ, nước gần đây cho biết sẽ không tuân theo các đòn trừng phạt về dầu lửa của Mỹ đánh vào Iran, thì nó vẫn có thể buộc các công ty châu Âu, vốn tiếp tục có các quan hệ kinh tế chặt chẽ với Mỹ bất kể tranh chấp thương mại đang diễn ra, từ bỏ hoạt động thương mại với Cộng hòa Hồi giáo, do lo sợ các đòn trừng phạt thứ cấp từ Washington.

Các đòn trừng phạt áp đặt hồi năm 2012 đã làm tê liệt nền kinh tế Iran, và theo Sazhin, đã trở thành một trong những yếu tố giúp Tổng thống Hassan Rouhani “ôn hòa” lên nắm quyền. Hiện nay, “Trump kỳ vọng các đòn trừng phạt và những khó khăn mới về kinh tế sẽ khiến người dân Iran nổi dậy và lật đổ chính quyền cùng toàn bộ hệ thống chính trị”, nhà phân tích trên nhận định, nói thêm rằng Tổng thống Mỹ “một lần nữa sai lầm” vì ông “không có hiểu biết dù mơ hồ nhất” về tình hình thực tế tại Iran đương đại.

Một sự suy thoái kinh tế có thể thực sự làm suy yếu chính quyền của ông Rouhani nhưng khó có thể dẫn tới bất kỳ sự thay đổi hệ thống nào. Thay vào đó, nó sẽ củng cố các đối thủ của Tổng thống Iran - những người Iran theo đường hướng cứng rắn, mang quan điểm hết sức bài Mỹ và sẽ biến bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào trở thành điều không thể.

 

Iran tập trận quân sự tại Eo biển Hormuz. Ảnh: AFP

“Những người theo đường hướng cứng rắn lên nắm quyền có thể làm xấu đi đáng kể các quan hệ giữa Iran và Mỹ, cũng như phương Tây nói chung”, Sazhin cảnh báo. Ông cũng nói rằng họ có thể tăng cường sự hiện diện của Iran tại các nước như Syria, Yemen hay Liban, khiêu khích thêm căng thẳng có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng lớn trong khu vực và trở thành nguồn gây quan ngại đối với các đồng minh của Mỹ tại đó - Israel và Saudi Arabia.

Hệ quả là, những quyết định bất cẩn của Trump thực tế có thể đặt khu vực này hoặc thậm chí là toàn bộ thế giới bên bờ vực một cuộc xung đột lớn. Rouhani thực sự đã cảnh báo Mỹ rằng một cuộc đối đầu quân sự với Iran sẽ là “nguồn gốc của mọi cuộc chiến”.

CHIẾN DỊCH QUÂN SỰ LÀ "THẢM HỌA"

Chính quyền Washington có thể thực sự xem Iran là một mục tiêu phù hợp cho một cuộc phiêu lưu quân sự khác của Mỹ. Xét cho cùng, Cộng hòa Hồi giáo không sở hữu bất kỳ vũ khí hạt nhân nào (khác với Triều Tiên) và do đó không thể trả đũa theo cách mà về lý thuyết có thể ngăn Mỹ tiến hành tấn công nhằm vào họ. Tuy nhiên, trên thực tế, những tính toán như vậy có thể vẫn sai lầm.

Quân đội Iran. Ảnh: Reuters

“Tổng quân số Các lực lượng vũ trang Iran, bao gồm Lực lượng Vệ Cách mạng (IRGC) có thể lên tới 600.000-900.000”, Sazhin cho biết, nói thêm rằng IRGC thực tế kiểm soát khoảng 25% nền kinh tế Iran và sở hữu những nguồn lực đáng kể. Ngoài ra, Iran cũng có các lực lượng dân quân, bao gồm những người dân thường, thường tiến hành huấn luyện dưới sự kiểm soát của IRGC và số lượng ước tính lên tới “hàng triệu” người.

“Bất kỳ chiến dịch trên thực địa nào chống lại Iran đơn thuần sẽ là sự điên khùng”, Sazhin cảnh báo, nói thêm rằng bất kỳ cuộc không kích hay tấn công tên lửa nào cũng “không giải quyết vấn đề” mà chỉ thổi phồng thêm tình hình bằng việc tập trung đất nước này quanh chính quyền - và có lẽ là bộ phận cứng rắn nhất trong giới cầm quyền.

Ngoài ra, Iran hiện sở hữu các tên lửa tầm bắn lên tới 2.000 km, đủ để tấn công các căn cứ của Mỹ trong khu vực cũng như tiếp cận Israel. Xét cho cùng, Iran thực sự có khả năng trả đũa trước bất kỳ một cuộc tấn công của Mỹ.

Chiến lược chống Iran của Mỹ có thể dẫn tới kịch bản cùng thua cho tất cả các bên. Ảnh minh họa Reuters