Kịch bản xấu nhất mà dư luận lo ngại đã xảy ra, Mỹ bất chấp nỗ lực vận động của các nước đồng minh đã quyết định “quay lưng” và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt với Iran. Liệu đây có phải là dấu chấm hết cho nỗ lực của các bên trong vấn đề hạt nhân Iran?
Dư luận trái chiều
Thực tế, dư luận không quá bất ngờ với quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bởi đây được xem là bước đi thực hiện cam kết ngay từ những ngày đầu chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông. Cùng với tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận, ông Trump cũng ngay lập tức khởi động việc áp đặt lại lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran. Theo đó, các công ty nước ngoài đang làm ăn với Iran sẽ không được ký kết thêm hợp đồng mới, cắt giảm các hợp đồng hiện có trong các lĩnh vực bị cấm vận trong vòng từ 90 đến 180 ngày. Sau thời hạn này, nếu các công ty tiếp tục làm ăn với Iran sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt từ phía Mỹ.
Cũng không khó hiểu với phản ứng chỉ trích mạnh mẽ của dư luận cũng như các nước sau tuyên bố của Tổng thống Trump. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và ông Joe Biden, những người từng tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran ngay lập tức đã gọi đây là hành động “sai lầm nghiêm trọng”, đồng thời làm tổn hại đến uy tín của Mỹ trên trường quốc tế. Nhiều nghị sĩ của Đảng Dân chủ Mỹ cũng tỏ ra “thất vọng” về quyết định của người đứng đầu đất nước. Đây hoàn toàn là điều đã được dự đoán trước khi từ trước đến nay, trong chính nội bộ nước Mỹ cũng luôn tồn tại những luồng quan điểm trái chiều về hồ sơ hạt nhân Iran.
Những mâu thuẫn này cũng tồn tại giữa các quốc gia đồng minh của Mỹ. Có thể kể đến Anh, Pháp và Đức đã đồng loạt tỏ thái độ không đồng tình và cam kết vẫn tiếp tục thực hiện thỏa thuận hạt nhân với Iran. Trên trang Twitter, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết rằng: “Các nước châu Âu sẽ hợp tác tập thể trong một khuôn khổ rộng hơn để kiểm soát các hoạt động hạt nhân của Iran, giai đoạn sau 2025, chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và sự ổn định ở Trung Đông, đặc biệt tại Syria và Yemen”. Liên minh châu Âu (EU) cũng tỏ ra “thất vọng” đối với chính sách đơn phương của nước Mỹ, đồng thời khẳng định, chừng nào Iran còn tuân thủ thỏa thuận thì Liên minh châu Âu sẽ vẫn tham gia thỏa thuận này.
Thế nhưng ngược lại, các đồng minh của Mỹ tại khu vực Trung Đông như Saudi Arabia hay Israel lại là những nước vui mừng nhất với quyết định rút Mỹ khỏi hồ sơ hạt nhân Iran. Dễ hiểu, bởi đây vốn là 2 quốc gia luôn “kình địch” và cạnh tranh vị thế dẫn đầu khu vực với Iran. Trước đây, khi chính quyền cựu Tổng thống Obama ký kết thỏa thuận hạt nhân lịch sử, các nước này có lúc đã “tin rằng”, Mỹ đã “quay lưng” với các đồng minh khu vực. Vì thế, với tuyên bố mới nhất của Tổng thống Trump, mối quan hệ đồng minh Mỹ - Israel hay Mỹ - Saudi Arabia có thể nói đã thực sự quay trở lại quỹ đạo như xưa.
Mỹ được hay mất
Có ý kiến cho rằng, có thể việc rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đơn giản là việc ông Trump muốn làm an lòng các đồng minh khu vực. Thế nhưng thực tế, với quyết định này, Mỹ còn được nhiều hơn thế! Vừa thực hiện được cam kết khi tranh cử, ông Trump cũng đang từng bước thực hiện “kế hoạch Trung Đông” của mình. Đó là chuỗi hành động: tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel, thành lập liên minh chống khủng bố mà thực ra là chống Iran, hay đề xuất thỏa thuận thế kỷ nhằm giải quyết xung đột Israel - Palestine… Và bây giờ là gây chú ý với việc rút Mỹ ra ngoài hồ sơ Iran.
Không những thế, Mỹ rõ ràng còn đang muốn tranh thủ các nước giàu có tại Vùng Vịnh, đặc biệt là Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE). Có một thực tế, đây là những đồng minh đang có các hợp đồng mua vũ khí khổng lồ của Mỹ; trong khi các công ty khai thác dầu mỏ lớn hàng đầu của Mỹ cũng đang hoạt động tại các quốc gia này. Các nước Arab giàu có này cũng là thị trường màu mỡ cho hàng hóa công nghệ của Mỹ, hay trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Có lẽ, đây là tư duy rất thực tế của một vị Tổng thống vốn là một nhà tỷ phú như ông Donald Trump. Tất nhiên ngược lại, đi kèm với những “cái lợi” mà Mỹ thu nhận được, Washington có lẽ cũng sẽ phải “trả một cái giá không rẻ”. Như nhiều nước cũng đã cảnh báo, Mỹ sẽ chỉ thêm bị cô lập với quyết định lần này, khi một loạt đồng minh đã bày tỏ sự phản đối. Tiếp đó, người ta cũng sẽ không thể lường trước được liệu Iran sẽ phản ứng tới mức độ ra sao. Bởi Tổng thống Hassan Rouhani dù tuyên bố nước này có thể sẽ tiếp tục theo đuổi thỏa thuận hạt nhân mà không cần sự hiện diện của Mỹ, thế nhưng đã ngay lập tức đã ra lệnh cho Tổ chức Năng lượng Nguyên tử của Iran (AEOI) sẵn sàng tiếp tục làm giàu hạt nhân ở cấp độ công nghiệp mà không cần bất kỳ giới hạn.
Sẽ “đổ sông đổ bể”?
Các nhà phân tích lo ngại, Iran rất có thể sẽ trở lại làm giàu uranium và phát triển vũ khí hạt nhân. Nếu kịch bản này xảy ra, đây sẽ là một mồi lửa cho khu vực Trung Đông, kích hoạt cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân nguy hiểm. Căng thẳng giữa Iran với Saudi Arabia, UAE, Baranh chắc chắn sẽ càng lúc càng nóng bỏng. Trong khi, nội bộ Iran cũng sẽ trở nên phức tạp với thái độ cứng rắn của phe bảo thủ hồi giáo Iran. Đây sẽ là bước đệm cho sự chống đối của phái cứng rắn với đường lối ôn hòa của Tổng thống Hassan Rouhani.
Không những thế, có lẽ Tổng thống Trump cũng phải lường trước đến việc một lần nữa vô tình trao lợi thế cho phía Nga tại chiến trường địa chiến lược Trung Đông. Thời gian qua, vị thế và vai trò của Nga ngày càng được củng cố trên tất cả các mặt trận, từ chiến trường Syria, quan hệ Israel - Palestine cho đến cuộc chiến chống khủng bố. Bởi thế giới quan sát cho rằng, Mỹ còn đang khiến mối quan hệ Nga - Iran - Syria vốn chỉ là đồng minh về lợi ích có thể trở thành mối quan hệ đồng minh chiến lược tại Trung Đông. Khi đó, bộ ba Nga - Iran - Syria sẽ còn khiến dư luận phải bất ngờ. Chẳng thế mà trong diễn biến mới nhất, ngay sau tuyên bố của Tổng thống Trump, Thủ tướng Israel Netanyahu đã lên đường đến Nga để tìm kiếm các cuộc hội đàm với Tổng thống Putin.
Cho đến thời điểm này, chưa biết các bên đang tiếp tục tính toán những nước cờ gì trên bàn cờ Iran sắp tới. Thế nhưng theo các luồng quan điểm lạc quan, có lẽ, không chỉ cộng đồng quốc tế mà ngay cả Mỹ cũng như Iran cũng không muốn những động thái quân sự xảy ra. Bởi thế, người ta thấy trong các tuyên bố của mình, các đồng minh của Mỹ là Anh, Đức, Pháp rồi Nga hay kể cả Tổng thống Mỹ cũng vẫn để ngỏ các khả năng đối thoại.
Trong khi đó, phản ứng của Iran cho đến thời điểm hiện nay vẫn được đánh giá là khá ôn hòa. Vì thế, dư luận kỳ vọng, tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Trump âu cũng chỉ là muốn gia tăng thêm điều kiện cho các cuộc đàm phán sắp tới mà thôi. Và rằng, thỏa thuận hạt nhân Iran lịch sử mà cộng đồng quốc tế đã mất quá nhiều thời gian để đạt được, sẽ không dễ dàng bị “đổ sông đổ bể”.