(Baonghean) - Vừa qua, Báo Nghệ An nhận được đơn của ông Trần Văn Hùng, trú tại xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích (Diễn Châu) phản ánh về việc ông Phan Văn Thắm (trú cùng xóm) trước đây đã bán đất cho gia đình ông nhưng nay lại “trở mặt” chiếm đoạt, đổ vật liệu xây nhà trên diện tích đất của gia đình ông. Sự việc đã được gia đình kịp thời báo cáo chính quyền nhưng hơn 2 năm vẫn không được giải quyết...
Ông Trần Văn Hùng cho biết: Cuối năm 1992, gia đình ông nhận chuyển nhượng không có giấy tờ từ ông Phan Văn Thắm một móng nhà và đất vườn diện tích 400m2 với số tiền 400.000 đồng tại xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích (Diễn Châu). Gia đình ông đã làm nhà và ở ổn định, đến năm 2001 mảnh đất nói trên được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Tuy nhiên, tháng 7/2012 gia đình ông Thắm đã đập phá hàng rào của gia đình ông để đổ đất, xây móng nhà...
Qua xác minh, được biết hộ ông Phan Văn Thắm khai hoang và sử dụng đất làm nhà tại xóm Quyết Thắng trong giai đoạn 1982 đến 1991 là có. Nhưng sau đó ông đã chuyển nhượng lại thửa đất trên (thửa số 263, tờ bản đồ 02, diện tích 400m2 -PV) cho ông Trần Văn Hùng để chuyển đến nơi ở mới thuộc địa bản xóm Hải Đông. Mặc dù không có giấy tờ chuyển nhượng, nhưng tại đơn khiếu nại đòi đất gửi UBND xã Diễn Bích ngày 21/10/2011 ông Phan Văn Thắm trình bày: “Vào năm 1990, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nhà cửa bị bão xô đổ nát nên tôi đã bán diện tích đất có móng nhà ở cho anh Hùng và gia đình tôi chuyển lên HTX Hải Đông để ở...” . Như vậy, việc ông Thắm bán đất cho gia đình ông Hùng là có. Hơn nữa, từ năm 1992 - 1994 thực hiện Chỉ thị số 364 của Chính phủ về đo đạc bản đồ trên phạm vi cả nước, xã Diễn Bích đã tiến hành lập sổ, kê khai đến từng hộ gia đình đang sử dụng đất trên địa bàn. Tại thời điểm này, gia đình ông Trần Văn Hùng là người trực tiếp sử dụng trên thửa đất số 263 tờ bản đồ số 02, diện tích 400m2 theo hồ sơ địa chính năm 1994. Với các mốc cận tiếp giáp thửa đất như sau: Phía Đông giáp mương tiêu thủy do UBND xã quản lý; phía Bắc và Tây giáp thửa 268 đất do UBND xã quản lý; phía Nam giáp thửa số 261 chủ sử dụng là ông Trần Xuân và thửa 262 chủ sử dụng là bà Trần Thị Vân; phía Tây Nam giáp thửa 260 của ông Nguyễn Vinh. Gia đình ông Hùng đã sử dụng ổn định, đến năm 2001 và ông đã được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và số vào sổ cấp giấy chứng nhận 00068. Từ đó đến nay không có ai tranh chấp.
Như vậy, việc ông Hùng là chủ sử dụng thửa 263, tờ bản đồ số 02, diện tích 400m2, số vào sổ cấp giấy chứng nhận 00068 là hợp pháp. Vì vậy, việc gia đình ông Thắm ngang nhiên đổ vật liệu, xây nhà trên diện tích đất của gia đình ông Hùng là vi phạm pháp luật.
Về việc ông Trần Văn Hùng cho rằng, sự việc đã được gia đình trình báo UBND xã kịp thời, song đã hơn 2 năm vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn có căn cứ. Tại văn bản mới nhất (ngày 26/8/2014) với nội dung trả lời kết quả giải quyết đơn thư của công dân, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo... do ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Diễn Bích ký, đã phần nào thừa nhận: “Tháng 9/2012 gia đình ông Phan Văn Thắm đã tiến hành đào móng làm nhà trên một phần đất của gia đình ông Trần Văn Hùng, xã đã đình chỉ nhưng gia đình ông Phan Văn Thắm không thực hiện... Đến tháng 6/2013 gia đình ông Phan Văn Thắm tiếp tục đổ nguyên vật liệu để xây nhà và UBND xã Diễn Bích đã có Quyết định số 36/QĐ-UBND ngày 21/6/2013 về việc đình chỉ hành vi tập kết nguyên vật liệu và tiến hành xây dựng công trình trên đất đang có tranh chấp nhưng gia đình ông Phan Văn Thắm không chấp hành và tiếp tục xây dựng. Hiện tại anh Phan Văn Tiệp là con trai ông Phan Văn Thắm đã xây dựng một ngôi nhà 3 gian mái bằng trên một phần đất của ông Trần Văn Hùng...”. Về vấn đề trách nhiệm, trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Diễn Bích, cho rằng: “Đất đã có bìa đỏ, khi xảy ra tranh chấp phải do Tòa án giải quyết...”. Trong khi đó ông Cao Thanh Long, Phó Chánh thanh tra huyện Diễn Châu, khẳng định: Tòa giải quyết tranh chấp đối với đất đã có bìa, nhưng trước tiên việc ngăn chặn chiếm đất, xây nhà trái phép là trách nhiệm của xã Diễn Bích. Đáng ra xã phải cương quyết, giải quyết dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, đằng này...
Có thể thấy, việc phân định đất của ai là trách nhiệm của tòa án, nhưng việc xây dựng bất hợp pháp là vi phạm pháp luật thuộc trách nhiệm chính quyền địa phương, vì vậy với trách nhiệm của mình, UBND xã Diễn Bích phải ngăn chặn, cưỡng chế, đồng thời xử phạt để tỏ rõ sự nghiêm minh của pháp luật. Nhưng chính thái độ chần chừ, thiếu hiểu biết pháp luật của cán bộ xã Diễn Bích đã dẫn đến hậu quả: Ông Thắm xây xong ngôi nhà trên mảnh đất thuộc quyền sử dụng của ông Trần Văn Hùng, còn ông Hùng thì không dám ở trong chính ngôi nhà của mình vì sợ bị đe dọa. Hiện ngôi nhà 3 gian mái bằng của anh Phan Văn Tiệp, con trai ông Phan Văn Thắm không chỉ xây trên phần đất của gia đình ông Trần Văn Hùng, mà còn xây trên cả đất của bà Trần Thị Vân, rồi tiếp tục san lấn phần đất của ông Trần Xuân, đất của bà Lê Thị Châu và một phần đất của thửa 268 do UBND xã quản lý. Sự việc UBND xã Diễn Bích biết rõ, nhưng hiện nay chưa có hướng giải quyết!?
Do đó, UBND huyện Diễn Châu, UBND xã Diễn Bích cần nhanh chóng vào cuộc, giải quyết dứt điểm hành động ngang nhiên chiếm đất, xây dựng nhà trái phép của gia đình ông Phan Văn Thắm, nhằm đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời trả lại đất cho gia đình ông Trần Văn Hùng cũng như các gia đình khác, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài. Theo đó, cần chỉ đạo kiểm điểm, gắn trách nhiệm xử lý hậu quả đối với cá nhân, tập thể cán bộ xã Diễn Bích trong việc để vấn đề phát sinh phức tạp như hiện nay. Cần xem đây là bài học đắt giá trong giải quyết các vụ việc liên quan đến đất đai để không phát sinh những trường hợp tương tự về sau.
Luật sư Nguyễn Trọng Hải, Văn phòng Luật sư Trọng Hải & Cộng sự: Thời điểm xảy ra tranh chấp giữa ông Hùng và ông Thắm vào tháng 7/2012. Do đó, văn bản pháp luật để áp dụng giải quyết vấn đề này là Luật Đất đai 2003, Nghị định 181/2004/NĐ-CP. Điều 135 Luật Đất đai 2003, Điều 159 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai quy định: khi các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã) nơi có đất tranh chấp. UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp với MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hòa giải trong thời gian 30 ngày làm việc, kể từ ngày UBND cấp xã nhận được đơn. Trường hợp trên, khi bị gia đình ông Thắm đập phá hàng rào, lấn chiếm đất để xây nhà thì gia đình ông Hùng đã kịp thời báo cáo lên chính quyền địa phương. Tuy nhiên, cách giải quyết của UBND xã Diễn Bích còn hời hợt, chưa triệt để, chưa làm đúng trách nhiệm của mình. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ thì UBND cấp xã có quyền ban hành quyết định đình chỉ thi công xây dựng đối với công trình xây dựng vi phạm thuộc địa bàn mình quản lý; quyết định cưỡng chế phá dỡ đối với công trình xây dựng vi phạm thuộc địa bàn do mình quản lý. Lẽ ra, khi gia đình ông Thắm xây dựng nhà trên đất lấn chiếm của các hộ dân thì UBND xã Diễn Bich phải có quyết định đình chỉ thi công. Nếu không được thì phải quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình. Sau khi thực hiện xong các thủ tục trên nhưng vẫn không có hiệu quả, thì các bên tranh chấp có quyền gửi đơn đến Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu để yêu cầu giải quyết. |
Bài, ảnh: Quảng An