(Baonghean) - Báo Nghệ An nhận được đơn thư của chị Trần Thị Nhung, phường Đội Cung (TP. Vinh) phản ánh: Em gái chị là T.D sinh năm 1983. Từ tháng 1/2012, chị T.D bị đồng nghiệp lôi kéo tham gia sinh hoạt tà đạo và chữa bệnh bằng cách truyền năng lượng tại nhà bà Phạm Thị Hoài Thu (khối Phúc Tân, phường Vinh Tân, TP. Vinh). Bên cạnh đó, “cô” Thu còn yêu cầu gia đình “phát phước” nhưng thực chất là lừa đảo để thu tiền của người bệnh...

Chị Trần Thị Nhung cho biết: Cuộc sống của gia đình chị T.D (em gái chị Nhung) không được thuận buồm xuôi gió như bao gia đình khác. Chị T.D lấy chồng từ năm 2008 nhưng chưa có con, cuộc sống gia đình không hạnh phúc. Sau đó, 2 vợ chồng ly hôn. Từ tháng 1/2012, được sự giới thiệu của đồng nghiệp, chị T.D bắt đầu tham gia chữa bệnh trĩ và sinh hoạt tại nhà “cô” Phạm Thị Hoài Thu, khối Phúc Tân, phường Vinh Tân (TP. Vinh). “Từ khi em tôi theo bà Thu đến nay đã 2 năm rưỡi và cũng là thời gian em tôi sao nhãng công tác và sinh hoạt gia đình, nhiều đêm đi không về. Bao nhiêu tiền của đều đưa hết cho cô Thu. Gia đình đã khuyên giải nhiều lần nhưng do mù quáng nên em vẫn không từ bỏ. Mỗi tháng, em tôi phải nộp 1,5 triệu đồng gọi là chi phí chữa bệnh cho bà Thu. Ngoài ra còn nộp tiền “phát phước”. Tổng cộng bao nhiêu thì tôi không biết cụ thể vì hỏi nhưng em tôi không nói”, chị Nhung cho biết. Cũng theo chị Nhung, từ khi theo cô Thu chị T.D bắt đầu ăn chay trường; mỗi lần chữa bệnh đều phải nộp chi phí “phát phước” theo yêu cầu của “cô” Thu.  
 
Thông qua chị T.D, “cô” Thu còn “chữa bệnh” cho bố chị là ông V.T, bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối; lôi kéo bà L.T.K (mẹ chị Nhung) tham gia chữa bệnh bằng phương pháp “truyền năng lượng”. Chị Nhung cho biết: “Mỗi lần chữa bệnh, cô Thu đặt tay của mình lên bụng của bố tôi và cho uống nước gạo. Ban đầu cô nói là sẽ chữa khỏi nhưng sau thấy tình hình căng quá nên cô nói chỉ làm cho đỡ đau và đỡ sốt. Tuy nhiên, sau 6 ngày “chữa bệnh” theo phương pháp của cô Thu thì bố tôi qua đời”. Điều khiến chị Nhung cũng như nhiều người trong gia đình bức xúc là khi “chữa bệnh” cho bố chị, “cô” Thu đề nghị gia đình “phát phước” 50 triệu đồng?. Mẹ chị Nhung phải bán hết vàng, vay mượn bạn bè, hàng xóm được 45 triệu đồng để đưa cho “cô” Thu phát phước. Khi cô Thu chuẩn bị nhận tiền thì chị Nhung hô hoán và dọa sẽ báo công an nên cô Thu không dám nhận. 
 
Cùng thời điểm gửi đơn cho Báo Nghệ An, chị Nhung đã gửi đơn cho Công an Thành phố Vinh tố cáo hành vi của “cô” Thu. Sau khi nhận đơn phản ánh của công dân, Công an Thành phố Vinh đã chỉ đạo Công an phường Vinh Tân xác minh, kiểm tra. Ông Trần Ngọc Tú, Phó trưởng Công an Thành phố Vinh cho biết: Sau khi nhận được đơn của người dân, Công an Thành phố Vinh đã giao cho công an phường Vinh Tân thành lập đoàn kiểm tra. Bà Thu thừa nhận việc chữa bệnh bằng phương pháp truyền năng lượng là vi phạm pháp luật và cam kết không chữa bệnh nữa. Việc tố cáo hành vi bà Thu nhận tiền của bệnh nhân là chưa có cơ sở do chưa tìm ra được chứng cứ chứng minh hành vi nhận tiền của bà Thu. Do đó, không có căn cứ để kết luận hành vi lừa đảo như đơn phản ánh. 
images1053989_img_0856.jpgNơi "cô Thu” chữa bệnh bằng phương pháp “truyền năng lượng”.

Trao đổi với cán bộ địa phương nơi bà Thu sinh sống, ông Nguyễn Văn Hòa, Khối trưởng khối Phúc Tân (phường Vinh Tân, TP Vinh) cho biết: Cô Thu trước đây làm nghề buôn bán, nhưng gần 10 năm nay bắt đầu tổ chức cúng bái, lập điện thờ trong nhà. Hoạt động này không gây ồn ào, không ảnh hưởng đến khối xóm nên không ai quan tâm. Còn về chuyện “cô” Thu tiến hành chữa bệnh bằng phương pháp truyền năng lượng và thu tiền phát phước thì tôi không nắm được”. Để xác minh thêm thông tin chị Nhung phản ánh, trong vai người bệnh, chúng tôi hỏi đường vào nhà cô Thu, một bà hàng xóm cho biết, cũng có nhiều người hỏi nhà cô Thu chữa bệnh nhưng hàng xóm không ai biết cô chữa bệnh như thế nào và không tin. Chồng cô trước đây làm việc tại đền ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên) nay cũng chuyển sang hành nghề bói toán. Chỉ trong vài năm trở lại đây, cô Thu giàu lên một cách đáng ngờ...

 
Nhà cô Thu nằm sâu trong ngõ, lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Với dáng người vừa phải, nước da ngăm đen, ánh mắt sắc lẹm, giọng nói sắc sảo, cô Thu mặc áo màu nâu sẫm ngồi vắt 2 chân lên ghế. Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề xin được theo cô để chữa bệnh thoát vị đĩa đệm thì cô lắc đầu và bảo, bây giờ cô không còn chữa bệnh nữa. Cách đây 3 tuần, công an có đến và yêu cầu cô không được chữa bệnh vì không có giấy phép hành nghề. Thấy chúng tôi nài nỉ và mong cô giúp đỡ thì cô cho rằng, bệnh là do ăn uống vì thế chỉ cần về ăn uống điều độ, tránh sát sinh và sống tốt thì tự khắc bệnh sẽ khỏi. Cô đã từng cứu cho rất nhiều người bằng phương pháp truyền năng lượng nhưng chỉ là giúp người, giờ công an không cho làm nữa nên cô không giúp được. 
 
Trao đổi với chị Nhung, chị cho biết, từ ngày công an vào cuộc và gọi lên để lấy lời khai, chị T.D đã về nhà thường xuyên hơn, ít lui tới nhà “cô” Thu. Tuy nhiên, chị Nhung vẫn chưa yên tâm hoàn toàn. “Có thể, do gia đình có đơn tố cáo và cơ quan công an cũng đã vào cuộc nên “cô” Thu bảo em tôi tạm lánh một thời gian. Hiện em tôi vẫn còn ăn chay, tụng kinh và in, phân phát các tài liệu có nội dung liên quan đến Phật giáo. Tôi mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc để dẹp bỏ hình thức chữa bệnh tại nhà cô Thu để không còn ai “tiền mất, tật mang” như gia đình tôi”, chị Nhung chia sẻ. Nghi vấn của chị Nhung là có cơ sở vì trong khi ngồi nói chuyện với “cô” Thu tại nhà, chúng tôi thấy nhiều phụ nữ đến nhà cô, đi thẳng vào phía sau nhà. Tất cả đều mang theo đồ cúng như bánh, nước khoáng... và đều chắp tay chào cô Thu mỗi khi ra về. Việc cô Thu cam kết không chữa bệnh nữa liệu có được thực hiện hay chỉ là “rút vào bí mật”?
 
Qua sự việc này cho thấy, chính quyền địa phương, cụ thể là phường Vinh Tân vẫn chưa làm tròn trách nhiệm khi sự việc một người không có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn chữa bệnh cho nhiều người trong một thời gian dài. Việc có hay không hành vi nhận tiền dưới danh nghĩa chữa bệnh của cô Thu vẫn chưa được làm rõ bởi những người đã và đang chữa bệnh tại nhà cô Thu không ai tố cáo. Thời gian tới, chính quyền địa phương cần phối hợp với  ngành Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được phương pháp chữa bệnh khoa học, không nên tham gia vào những hình thức chữa bệnh mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, cần thường xuyên giám sát để ngăn chặn những hành vi lợi dụng danh nghĩa chữa bệnh để lừa đảo. Và đặc biệt, người dân cần phải sáng suốt, không nên mù quáng tin vào mê tín dị đoan để tiền mất tật mang. 
 
Bài, ảnh: Nguyên Hưng