80 năm đã trôi qua nhưng câu chuyện về những ngày hoạt động của phong trào Xô - viết Nghệ Tĩnh chưa bao giờ tắt trong ngôi nhà nhỏ của nguyên Bí thư Đảng ủy Nhà máy diêm Bến Thủy - liệt sỹ Lê Viết Cường. Cũng 80 năm ấy, trong ngôi nhà này luôn tồn tại một chiếc hầm bí mật - chiếc hầm đãche chở các chiến sỹ cách mạng ngày xưa và tiếp tục chứng kiến bao đổi thay thời cuộc của lịch sử.

Ngôi nhà nhỏ...

Nằm trong một con ngõ và ẩn mình dưới những tán cây xanh tốt là ngôi nhà gỗ hơn 100 năm của gia đình liệt sỹ Lê Viết Cường - một trong những liệt sỹ đầu tiên hi sinh tại khu vực Cồn Mô, người đảng viên ưu tú, Bí thư Đảng ủy Nhà máy diêm Bến Thủy.

Trước đây, ngôi nhà này thường xuyên là nơi tổ chức hội họp, bàn luận các vấn đề chính trị của các chiến sỹ Xô Viết. Thiêng liêng hơn, đây là nơi chứng kiến nhiều giờ khắc quan trọng của các chiến sỹ cộng sản - giây phút được chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Lật tìm lại tư liệu cũ về liệt sỹ Lê Viết Cường không còn nhiều bởi chiến tranh và thời gian đã xóa nhòa gần hết. Tuy nhiên, trong câu chuyện của những người thân họ vẫn luôn nhắc đến ông với tình cảm và lòng tự hào sâu sắc.

Năm nay đã trên 60 tuổi nhưng ông Lê Lưu Tĩnh - cháu nội của ông Cường vẫn chưa quên câu chuyện mà cha mình đã kể cho nghe ngày nào: Nguyên là công nhân nhà máy diêm Bến Thủy, ông nội tôi sớm giác ngộ cách mạng và sớm được Đảng cộng sản Đông Dương tin tưởng kết nạp vào Đảng.

Từ một đảng viên và sau này là Bí thư chi bộ Đảng, ông trực tiếp kêu gọi anh em gia nhập Đảng và tham gia phong trào biểu tình của công nhân Trường Thi - Bến Thủy "khi đó tất cả mọi hoạt động đều phải bí mật". Ông nội tôi dù giữ cương vị Bí thư Đảng ủy nhưng người trong nhà cũng không hay biết.

Những người lạ mà cả gia đình lúc ấy nghi ngờ không ai khác chính là những nhân vật cốt cán của phong trào Xô - viết Nghệ Tĩnh. Từ các cuộc họp kín đó, nhiều cuộc biểu tình của anh em công nhân đã diễn ra. Riêng tại Bến Thủy, cuộc biểu tình kỷ niệm Ngày quốc tế lao động 1-5-1930 công nhân nhà máy Trường Thi, diêm Bến Thuỷ và nông dân các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương đã tạo được tiếng vang rộng lớn.

Đáng tiếc, khi phong trào cách mạng đang trong giai đoạn sôi nổi nhất, chính quyền Xô - viết đã thành lập được ở nhiều địa phương thì đêm 30-4-1931, trong một cuộc họp mật để chuẩn bị cho buổi biểu tình nhân Ngày Quốc tế Lao động, người Bí thư chi bộ Đảng Nhà máy diêm Bến Thủy đã bị giặc Pháp bắn chết cùng với 5 chiến sỹ khác. Khi hi sinh, liệt sỹ Lê Viết Cường chỉ mới hơn 30 tuổi, đứa út khi ấy chưa đầy 1 tuổi. Nơi các ông ngã xuống là Cồn Mô nay đã được dựng đài kỷ niệm.

Và chiếc hầm bí mật

Câu trả lời nằm ngay trong ngôi nhà 3 gian, nơi mà tròn 80 năm qua dù có bom đạn, thiên tai, bão lụt và qua nhiều lần sửa chữa, các thế hệ con cháu của gia đình liệt sỹ Lê Viết Cường vẫn cố gắng gìn giữ, bảo tồn. Với chiều rộng 80cm, chiều sâu 1,2m, chiều dài 80 cm chiếc hầm là một điều bí mật mà ít người biết tới. Nhìn bề ngoài, khó mà phân biệt đâu là hầm, đâu là sàn nhà bởi hầm được xây kiên cố và được xây trát cực kì cẩn thận.

763329_small_57726.jpgÔng Tĩnh và chiếc hầm bí mật của gia đình

Tuy vậy, chỉ cần giơ nhẹ cánh tay và đẩy một que sắt, chiếc nắp hầm đã được mở ra với độ rộng đủ cho một người chui lọt. Chỉ vào chiếc hầm, ông Tĩnh kể tiếp: Những lần hoạt động cách mạng bị địch đuổi bắt, ông nội tôi lại vội chạy về và chui vào chiếc hầm này. Bà tôi mỗi khi thấy ông trốn vào đó lại lanh lẹ quạt một nồi than đặt trên chiếc hầm rồi đứng dang chân trên đó. Giặc Pháp, vốn kiêng kỵ đàn bà mới sinh, tưởng bà đang đứng xông than lại quay về. Ông nội tôi và những người khác nhiều lần thoát nạn nhờ cái mẹo rất "phụ nữ Việt" đó.

Sau ngày liệt sỹ Lê Viết Cường hy sinh, chiếc hầm bí mật tiếp tục phát huy tác dụng trong các cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Con cháu ông tiếp bước người cha và truyền thống của gia đình cũng hăng hái xung phong vào bộ đội, trong đó người con trai duy nhất của ông là Lê Viết Hoàng khi tham gia cách mạng ở địa phương cũng đã hy sinh ngay tại trụ sở Ủy ban phường Bến Thủy năm 1967. Chiếc hầm dù không còn phát huy tác dụng nữa nhưng chúng tôi cố gắng gìn giữ, đó cũng là cách để giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống gia đình cho con cháu"- ông Lĩnh xúc động nói.


Mỹ Hà