(Baonghean) - Trò chơi dân gian được nhân dân sáng tạo ra gắn liền với cuộc sống lao động và sinh hoạt hàng ngày, giúp con người có được phút giây thư giãn, giải trí sau những giờ lao động vất vả mà còn góp phần thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa mỗi người.

Trẻ em là đối tượng chơi trò chơi dân gian nhiều nhất. Đó là hình ảnh những đứa trẻ tụm năm tụm ba dưới gốc cây đa, trong sân kho hợp tác xã, ngoài bờ ruộng chơi trò trốn tìm, đánh bi, đánh trận giả, chơi trò rồng rắn lên mây... Và cũng chỉ với những hòn đá, lá cây, que tre, nhánh cỏ gà... các em tạo nên những trò chơi thật thú vị, hấp dẫn và hồi hộp.

Trò chơi dân gian thường đi kèm với những bài đồng dao trong sáng, nhẹ nhàng mà hóm hỉnh, dễ nhớ, dễ thuộc. Trẻ vừa chơi vừa hát làm không khí của trò chơi thêm sôi nổi, náo nhiệt.

763337_small_57829.jpgTrò chơi đánh chuyền.

Ví dụ như trong trò "Nu na nu nống", đám trẻ ngồi dàn thành hàng ngang, hai chân duỗi ra phía trước. Một em lấy tay đập vào từng bàn chân theo nhịp từng từ của bài hát: "Nu na nu nống/Đánh trống phất cờ/ Mở hội thi đua/Thi chân đẹp đẽ/ Chân ai sạch sẽ/ Không bẩn tý nào/ Được vào đánh trống". Hết bài trúng vào chân ai người đó được thưởng. Phần thưởng có khi chỉ là quả ổi, trái cam, nhưng thu hút các em tham gia rất sôi nổi. Hay như trong trò "Rồng rắn lên mây": bọn trẻ xếp hàng một, tay đứa sau nắm vạt áo đứa trước rồi tất cả lượn đi lượn lại như con rắn và bắt đầu hát: "Rồng rắn lên mây/Có cây xúc xắc/Có nhà khiển binh/Hỏi thăm thầy thuốc/Có nhà hay không…?"; Còn trò "Mèo đuổi chuột" thì một em đóng làm mèo, một em đóng làm chuột, còn tất cả đứng thành vòng tròn, tay nắm tay giơ cao quá đầu và hát: "Mời bạn rađây/Tay nắm chặt tay/ Đứng thành vòng rộng/ Chuột luồn lỗ hổng/ Mèo chạy đằng sau/ Thế rồi chú chuột/ Lại đóng vai mèo/ Co cẳng chạy theo/ Bác mèo hoá chuột." Cứ thế, trò chơi càng trở nên cuốn hút và làm mọi người say mê bởi tính cộng đồng, yêu cầu xử lý nhanh nhạy, thông minh, vui nhộn.

Trò chơi dân gian không chỉ có những trò chơi phải vận động nhiều như: nhảy lò cò, bịt mắt bắt dê, mèo đuổi chuột, nhảy ngựa... mà còn có rất nhiều trò đòi hỏi sự khéo léo như: đánh chuyền, đá cầu, bắn bi, thả diều..., sự dẻo dai như trong trò lộn cầu vồng, nhảy song phi... hay rèn luyện khả năng phán đoán, tính toán chính xác qua trò ô ăn quan... Mỗi trò chơi dân gian lại mang một sắc thái riêng, phù hợp với từng sở thích, tính cách khác nhau của mỗi em. Do vậy, trẻ em chơi suốt ngày cũng không thấy chán. Trò chơi dân gian Việt Nam thể hiện một nền văn hoá độc đáo và giàu bản sắc, không chỉ giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo, tư duy, sự khéo léo, rèn luyện sức khoẻ mà còn là bài học giúp trẻ hiểu và thêm yêu nền văn hóa dân tộc cũng như bồi đắp thêm tình yêu gia đình, quê hương, đất nước.

Trò chơi rồng rắn lên mây

Đáng tiếc rằng, cuộc sống ngày nay trẻ em lại phải tiếp cận các loại trò chơi hiện đại, mang đầy tính bạo lực. Trò chơi dân gian ngày trước đang bị mai một dần và ít thấy các em nhỏ chơi các trò chơi dân gian mà thay vào đó là những cuộc rượt đổi ngoạn mục, những trận đánh liên hồi trên máy vi tính. Nhưng những thứ này làm sao có thể thay thế được sự tiếp xúc hàng ngày của trẻ em với thiên nhiên, với cộng đồng. Vào ngày nghỉ hè, trẻ em phải học thêm rất nhiều, không còn thời gian cho những trò chơi đầy sáng tạo như ngày trước. Sự đầy đủ về vật chất, hiện đại về công nghệ, gò ép về thời gian, kiến thức đã làm cho trẻ em trở nên thụ động, thiếu bản lĩnh và thô cứng hơn.


Thái Bình