(Baonghean.vn) - Bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; Triển khai một số dự án giao thông vận tải; Triển khai thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Chức năng, cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.
1.Bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện
Để bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, cơ sở giáo dục cần bảo đảm an ninh trật tự; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích; an toàn, phòng, chống cháy, nổ; an toàn phòng, chống thảm họa, thiên tai; xây dựng, công khai và thực hiện nghiêm túc bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục có sự tham gia của người học.
Bên cạnh đó, thiết lập kênh thông tin như hộp thư góp ý, đường dây nóng và các hình thức khác để tiếp nhận, xử lý các thông tin của người học; bảo mật cho người cung cấp thông tin; tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ chính khóa, hoạt động xã hội, từ thiện vì cộng đồng, hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao an toàn, lành mạnh, thân thiện, bình đẳng, phù hợp với độ tuổi, đặc điểm sinh lý, tâm lý của người học.
Đồng thời, thực hiện công tác y tế trường học, công tác tư vấn, công tác trợ giúp người học; thường xuyên trao đổi thông tin với gia đình người học và cộng đồng trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của người học.
2. Triển khai một số dự án giao thông vận tải
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa chỉ đạo triển khai một số dự án giao thông vận tải.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về việc áp dụng hình thức lệnh thay đổi hợp đồng bổ sung hạng mục an toàn giao thông vào gói thầu A8 của Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai bảo đảm phù hợp với quy định của Hiệp định vay và ý kiến của Nhà tài trợ.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của một số cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng đồng ý Bộ Tài chính thực hiện các thủ tục giải ngân theo quy định.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét đề nghị của UBND tỉnh Kiên Giang về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông bền vững đảo Phú Quốc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo đúng quy định của pháp luật về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Triển khai thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
Để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Nghị quyết 42/2017/QH14, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả các quy định tại Nghị quyết, đồng thời chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng; phát huy vai trò Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong xử lý nợ xấu; phấn đấu đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém được Chính phủ phê duyệt xử lý theo phương án riêng).
Nhằm chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết, hoàn thành trước ngày 15/8/2017.
4. Chức năng, cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 79/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo Nghị định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 26 đơn vị: Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch, Tài chính; Vụ Pháp chế; Vụ Đào tạo; Vụ Thi đua, Khen thưởng; Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Vụ Thư viện; Vụ Văn hóa dân tộc; Vụ Gia đình; Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ; Cục Di sản văn hóa; Cục Nghệ thuật biểu diễn; Cục Điện ảnh; Cục Bản quyền tác giả; Cục Văn hóa cơ sở; Cục Hợp tác quốc tế; Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Tổng cục Thể dục thể thao; Tổng cục Du lịch; Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Báo Văn hóa; Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật; Trung tâm Công nghệ thông tin; Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch.
5. Cứu người là ưu tiên hàng đầu trong phòng cháy, chữa cháy
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.
Nghị định quy định lực lượng phòng cháy và chữa cháy được thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ đối với các sự cố, tai nạn sau:
- Sự cố, tai nạn cháy; Sự cố, tai nạn nổ; Sự cố, tai nạn sập, đổ nhà, công trình, thiết bị, máy móc, cây cối;
- Sự cố, tai nạn sạt lở đất, đá; Sự cố, tai nạn có người bị mắc kẹt trong nhà; công trình; trên cao; dưới sâu; trong thiết bị; trong hang, hầm; công trình ngầm; Sự cố, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa khi có yêu cầu; Tai nạn đuối nước tại sông, suối, thác nước, hồ, ao, giếng nước, hố sâu có nước, bãi tắm; Sự cố, tai nạn tại khu du lịch, khu vui chơi giải trí; Sự cố, tai nạn khác theo quy định của pháp luât.
6. Giám sát tài chính Tổng công ty Lương thực Miền Nam
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến về việc giám sát tài chính quý IV và cả năm 2016 của Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực Miền Nam.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương để tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện cơ chế luân phiên đầu mối dự thầu xuất khẩu gạo và đề xuất hướng xử lý phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính để kịp thời xử lý các tồn tại, vướng mắc về tài chính trong quá trình cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực Miền Nam.
Tổng công ty Lương thực Miền Nam tiếp thu ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan để khẩn trương nâng cao hiệu quả quản trị, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc theo đúng quy định hiện hành.
7. Xử lý hiện tượng doanh nghiệp lập nhiều nhưng "khai tử" nhiều
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xử lý nội dung báo nêu liên quan đến hiện tượng doanh nghiệp lập nhiều nhưng cũng bị "khai tử" nhiều có nguyên nhân từ điều kiện kinh doanh gây khó khăn.
Báo Lao động ngày 2/7/2017 đưa tin: Hiện tượng doanh nghiệp lập nhiều nhưng cũng bị "khai tử" nhiều trong thời gian vừa qua có nguyên nhân từ điều kiện kinh doanh gây khó khăn cộng với quyền hành xử của cơ quan thực thi, tạo ra chi phí lớn khiến doanh nghiệp không thể vượt qua...
Thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 1/10/2016 của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã chuyển nội dung bài báo nêu trên đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
8. Xuất cấp trang thiết bị cho Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất cấp trang thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia cho Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn để bảo đảm cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ xuất cấp cho Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn 78 bộ xuồng. Trong đó, loại DT4 (ST 1200) 3 bộ; loại DT3 (ST 750) 30 bộ; loại DT2(ST 660) 25 bộ và loại DT1 (ST 450) 20 bộ.
Cùng với, 261.000 chiếc phao cứu sinh các loại. Trong đó, phao tròn cứu sinh 200.000 chiếc; phao áo cứu sinh 60.000 chiếc và phao bè cứu sinh 1.000 chiếc. 100 bộ thiết bị chữa cháy đồng bộ; 30 chiếc máy phát điện 30KVA; 30 bộ thiết bị khoan cắt bê tông; 1.775 bộ nhà bạt các loại.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm quản lý, phân bổ, sử dụng số trang thiết bị nêu trên phù hợp với nhu cầu của từng đơn vị và theo đúng quy định hiện hành.
9. Cấp Giấy phép kinh doanh lĩnh vực hàng không cần xem xét thận trọng
Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về đầu tư, xây dựng và kinh doanh trong lĩnh vực hàng không, việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và Giấy phép kinh doanh hàng không chung.
Thông báo kết luận nêu rõ, đầu tư, xây dựng và kinh doanh trong lĩnh vực hàng không là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi một lượng vốn đầu tư lớn; đồng thời, đây cũng là một ngành đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, công tác đối ngoại và an toàn giao thông. Để nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững, việc chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy phép kinh doanh vào lĩnh vực hàng không cần được xem xét một cách thận trọng và đúng quy định pháp luật; bảo đảm tuyệt đối an toàn và an ninh hàng không trong mọi tình huống.
10. Trình Đề án xử lý 12 dự án chậm tiến độ của ngành Công Thương
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ ba Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương căn cứ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 43-TB/VPTW ngày 19/6/2017 của Văn phòng Trung ương và ý kiến của các Bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương trước ngày 25/7/2017.
Các Bộ, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, xử lý kịp thời vướng mắc, kiến nghị của các dự án, doanh nghiệp, báo cáo Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo (Bộ Công Thương) để tổng hợp, báo cáo Trưởng ban Ban Chỉ đạo.
Thái Bình
(Tổng hợp)