Tiến sĩ Nguyễn Tác An – nguyên Viện trưởng viện Hải dương học Nha Trang, nguyên Chủ tịch Ủy ban Quốc gia chương trình Hải dương học Liên chính phủ của Việt Nam đã chia sẻ với báo chí về quan điểm xung quanh vụ đổ bùn thải xuống biển ở Bình Thuận gây chú ý dư luận.

Phóng viên: Quan điểm của ông như thế nào khi Bộ TN&MT, chính quyền tỉnh Bình Thuận chủ trương quy hoạch khu vực 300ha mặt biển để nhận chìm bùn thải ra từ cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, trước mắt đã cấp phép cho nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải ở vùng biển tỉnh này?

Tiến sĩ Nguyễn Tác An: Vấn đề này rất hệ trọng, do đó cần phải có thời gian để nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ về cơ sở pháp lý, học thuật và các điều kiện kinh tế xã hội ở vùng biển Vĩnh Tân, từ đó trên nguyên tắc so sánh lợi ích mọi mặt về phát triển, về môi trường, về lợi ích của người dân…Để từ đó, các cơ quan thẩm quyền có quyết định hợp lý nhằm tạo cơ hội cho tất cả cùng phát triển, đặc biệt là tạo môi trường an toàn cho thế hệ tương lai.

image_7285076.jpgTiến sĩ Nguyễn Tác An

- Được biết, vị trí được cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển cách lõi đảo Hòn Cau 8km, cách ranh giới bảo vệ khu bảo tồn biển Hòn Cau chỉ 3km. Theo ông liệu khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ bị tác động như thế nào? Môi trường biển xung quanh vị trí đổ thải sẽ chịu ảnh hưởng ra sao?

Sẽ bị tác động nặng nề do cơ chế lý sinh vì làm đục nước của các chất bùn cát đem nhận chìm, làm thay đổi địa mạo nền đáy, sẽ thay đổi các quá trình động lực nền đáy biển và xáo trộn toàn bộ hệ sinh thái nền đáy. Việc làm này có thể dẫn đến thảm họa sinh thái mang tính địa phương.

- Ông từng tìm hiểu về khu bảo tồn biển Hòn Cau, sự đa dạng sinh thái biển ở khu vực này như thế nào?

Có rất nhiều tài liệu đã công bố. Ngay cái tên của khu vực là “khu bảo tồn biển Hòn Cau” cũng đã nói lên vị trí quan trọng, giàu có tài nguyên sinh vật. Bảo vệ đa dạng sinh học, là cơ sở sinh thái cho nghề cá, cho các cảnh quan thiên nhiên và là gốc rễ cho cuộc sống của người dân ven bờ Bình Thuận

- Ông nghĩ sao khi Bình Thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch, tạm hiểu là cắt bớt 1.060ha trong tổng thể 12.500ha của khu bảo tồn biển Hòn Cau nhằm phục vụ các nhà máy nhiệt điện?

Tôi không thể hiểu nổi những cách điều chỉnh như vậy

Cù lao Câu, hay còn gọi là đảo Hòn Cau vẫn còn hoang sơ. Vùng biển này từng được biết đến là trung tâm tôm cá, hải sản của cả vùng

- Phía Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 khi lập dự án có đề cập đến việc, bùn thải khi được nhận chìm dưới biển sẽ dùng lưới quây lại, bùn thải sẽ cố định. Trong khi đó các dòng hải lưu là không cố định, lòng biển không bao giờ là yên bình. Theo ông, liệu phương án này có khả thi không?

Theo tôi không có cơ sở khoa học và thực tế để thuyết phục là lưới chắn có thể cố định được đến gần 1 triệu m3 bùn cát trong biển ven bờ, đó là chưa kể đây là vùng chịu ảnh hưởng của quá trình động lực rất mạnh của vùng biển nước trồi...

- Được biết, cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân nạo vét biển ở bờ sát xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, để phục vụ việc xây dựng nhà máy, các bến bãi và sẽ nạo vét để xây dựng luồng tàu từ biển ra vào bờ. Theo ông đánh giá, thì việc nạo vét này sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái sinh vật dưới biển như thế nào? tác động đến môi trường biển ra sao?

Nạo vét bờ biển là hoạt động có tác động xấu đến vùng bờ, nhất là đến đa dạng sinh học, đến nghề cá ven bờ, đến mọi hoạt động kinh tế, xã hội của địa phương. Do do đó trên thế giới rất thận trọng và nghiên cứu sâu bằng cách khảo sát, điều tra, đánh giá toàn diện lợi hại các mặt trong khu vực, tiến hành nghiên cứu thực nghiệm, lý thuyết, mô hình hóa để kiểm tra và có báo cáo tác động được chấp nhận trước khi cho phép nạo vét.

Đáng nói, chúng ta mới đang bàn luận về tác động của nạo vét, của nhấn chìm bùn cát, nhưng thực ra tác động của nhiệt điện còn đáng lo hơn, do nguồn nước thải ra, xỉ than thải ra và khí thải ra. Vấn đề quản lý và xử lý giảm thiểu tác động của 3 quá trình nêu trên là rất khó khăn và sẽ còn nhiều vấn đề khác nữa, đang làm cho xã hội rất không an tâm...

Xin cảm ơn ông!

Theo VNN

TIN LIÊN QUAN