(Baonghean.vn) - Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường (QLTT) Nghệ An Trần Đăng Ninh cho biết, cả năm chỉ nhận được 5 cuộc gọi qua đường dây nóng tố giác buôn bán hàng giả, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

1504174218146.jpgQuang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi

Ông Trần Đăng Ninh cho biết điều này trong cuộc làm việc với đoàn giám sát với Ban Pháp chế, HĐND tỉnh về công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý thị trường chiều 31/8.

Theo Chi cục trưởng Chi cục QLTT, mặc dù đơn vị đã thành lập đường dây nóng để tiếp nhận mọi thông tin phản ánh, tố giác của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kinh doanh, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng cả năm đơn vị chỉ tiếp nhận được 5 cuộc gọi. 

"Khi người dân và chính quyền sở tại đứng ngoài cuộc thì việc đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý thị trường của cơ quan chức năng rất khó khăn" - ông Ninh bày tỏ.

Trong khí đó, theo báo cáo của Chi cục QQLTT, cho thấy, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu, vi phạm an toàn thực phẩm vẫn còn diễn ra khá phức tạp. 

Minh chứng là từ năm 2015 đến tháng 6/2017, đơn vị này đã xử lý 17.848 vụ, tổng giá trị thu phạt gần 28 tỷ đồng.

Cán bộ QLTT kiểm tra rau củ xuất xứ Trung Quốc không có giấy tờ hợp lệ tại chợ đầu mối Vinh. Ảnh tư liệu

Trong khi đó, lực lượng QLTT không thể "phủ sóng" khắp các địa bàn. Đơn cử, mỗi Đội QLTT chốt chặt ở tuyến Quốc lộ 7 và Quốc lộ 48 phụ trách 3 huyện miền núi chỉ có 6 người.

Tuy nhiên, khó khăn nhất của lực lượng QLTT hiện nay đó là đấu tranh và xử lý hàng giả vì trên địa bàn tỉnh chưa có trung tâm nào đủ tư cách pháp nhân để kiểm định và xác nhận về vấn đề này; việc gửi mẫu để giám định và chứng minh hàng giả phải gửi đi các trung tâm ngoài tỉnh, mất rất nhiều thời gian, chi phí.

Mặt khác, một số mặt hàng khi thu giữ, muốn xác định hàng giả, hàng nhái thì phải gửi mẫu các doanh nghiệp có nhãn hiệu bị làm giả, làm nhái, nhưng nhiều doanh nghiệp không hợp tác, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc chứng minh nguồn gốc để có cơ sở xử lý.

Từ thực tế trên, Chi cục QLTT thừa nhận, công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân.

Ông Trần Đăng Ninh - Phó Giám đốc Sở Công Thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh, thừa nhận: Công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý thị trường chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Ảnh: Minh Chi

Tại cuộc làm việc, các thành viên của Ban Pháp chế HĐND đã trao đổi làm rõ về công tác phối hợp giữa các lực lượng trong công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý thị trường; Quy định về phân cấp trách nhiệm của các ngành trong việc quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm; nguyên nhân it khởi tố hình sự trong các vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực này.

Bà Thái Thị An Chung - Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh ghi nhận những nỗ lực của lực lượng QLTT tỉnh trong điều kiện biên chế ít, địa bàn hoạt động rộng, phương tiện, trang bị thiếu thốn.

"Lực lượng Quản lý thị trường cần tiếp tục tăng tần suất hoạt động, kiểm soát và tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh có hiệu quả hơn trong lĩnh vực này" - bà An Chung đề nghị./.

Minh Chi

TIN LIÊN QUAN