Thủ tướng yêu cầu khắc phục sớm tình trạng 70 loại phí giao thông, đồng thời chống tiêu cực và lợi ích nhóm trong thực hiện dự án BOT.
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ chiều 30/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá tổng mức đầu tư các dự án BOT, mức phí và thời gian thu phí. Từ đó, Bộ kiến nghị các giải pháp cụ thể và báo cáo Thủ tướng trong tháng 9.
"Kiên quyết không để vấn đề BOT tiếp tục gây bức xúc trong dư luận. Phải khắc phục sớm tình trạng 70 loại phí liên quan đến giao thông, chi phí vận tải, chi phí BOT quá cao, xử lý nghiêm vi phạm, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các dự án BOT", Thủ tướng chỉ đạo.
Trước đó, người đứng đầu Chính phủ cho biết, ngân sách Nhà nước không thể đủ để đầu tư cơ sở hạ tầng. Vì vậy, chủ trương của Đảng, Nhà nước là phải xã hội hóa mạnh mẽ. Theo Thủ tướng, chủ trương BOT giao thông là hoàn toàn đúng, chỉ có quy trình, cách làm còn nhiều bất cập ở các khâu đấu thầu, duyệt tổng dự toán, thời gian thu hồi phí, khoảng cách đặt các trạm phí, giá phí…
"Không phải vì sai sót, khuyết điểm vừa qua trong đầu tư hình thức BOT mà dừng lại. Không làm BOT nữa thì tiền ngân sách đâu mà làm?", Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng cũng khẳng định, những nơi làm sai phải được kiểm tra xử lý nghiêm túc. Bộ Giao thông phải rà soát để sớm sắc phục bất cập, nhất là trạm đưa phí lên quá cao, thời gian thu phí quá dài, đặc biệt là khoảng cách các trạm quá gần.
Thủ tướng chỉ đạo ngành giao thông, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục dành vốn phù hợp cho các dự án BOT. Ngoài BOT, ngành giao thông cần nghiên cứu bổ sung các hình thức đầu tư phù hợp, kể cả thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào cơ sở hạ tầng.
Giai đoạn 2011-2016, Bộ Giao thông đã huy động khoảng hơn 169.000 tỷ đồng đầu tư vào 57 dự án BOT giao thông đường bộ. Đến nay, 55 dự án với tổng mức đầu tư hơn 137 nghìn tỷ đồng đã hoàn thành.
Chính quyền 43 tỉnh, thành cũng huy động được hơn 80.000 tỷ đồng cho các dự án BOT. Nhiều công trình trọng điểm, có tính kết nối vùng miền đã được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa (mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên...)
Theo báo cáo của Đoàn giám sát Uỷ ban thường vụ Quốc hội, việc thực hiện các dự án BOT giao thông đường bộ trong những năm qua đã tạo sự chuyển biến rõ rệt với diện mạo hệ thống giao thông Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hạn chế như: năng lực nhà đầu tư yếu, mức phí cao, thời gian thu kéo dài, khoảng cách một số trạm thu phí quá gần...