Dằbg dặc ba mươi bảy năm thổn thức, hy vọng, chờ đợi trôi qua. Mỗi kỳ giỗ liệt sĩ - nhà báo Lê Văn Luyện vào ngày 21 - 4, vợ anh, chị Nguyễn Thị Thuỷ lại xót xa, day dứt vì chưa tìm thấy nơi yên nghỉ của anh.

Người con trai cả Lê Văn Sơn nôn nóng tìm mộ cha. Tốt nghiệp đại học, anh xin vào giảng dạy ở Trường Trung học phổ thông Nguyễn Duy Hiểu, thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam. Ròng rã ba, bốn năm tìm kiếm khắp các nghĩa trang chỉ với lời kể của đồng đội; cha hy sinh dưới chân núi Liệt Kiểm, huyện Quế Sơn, Quảng Nam. Nhưng người con hiếu thảo ấy chỉ nhận được lời an ủi thiêng liêng, cha đã hoá thân vào đất đai Tổ quốc!


Vượt đại ngàn Trường Sơn


762853_small_51033.jpg
Vốn là học sinh giỏi văn Trường cấp ba Nghi Lộc, Nghệ An, tốt nghiệp Đại học sư phạm, Lê Văn Luyện được Quân đội tuyển làm sĩ quan dạy văn hoá tại Trường Quân chính Kiến An, Hải Phòng. Dạy văn hoá nhưng thầy Luyện đam mê viết báo. Anh là cộng tác viên báo Quân khu Tả Ngạn, báo Hải Phòng và báo Quân đội nhân dân từ năm 1963. Phải vậy chăng, mà khi có lệnh của Tổng cục Chính trị điều động thành lập lực lượng thông tấn phục vụ chiến trường B5, B4, Lê Văn Luyện háo hức lên đường.

Tại huyện Quốc Oai, Hà Tây, đầu năm 1965, Lê Văn Luyện được bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo Mặt trận do Việt Nam Thông tấn xã đào tạo trong ba tháng. Lớp viết báo dành cho mặt trận tiền phương đợt ấy, Nghệ An còn có thầy giáo dạy văn hoá trong lực lượng vũ trang Trần Hợi, quê Thanh Chương. Trước lúc vào Nam, các anh được phép thăm nhà ngắn ngủi. Căn nhà tranh của gia đình Lê Văn Luyện nằm cạnh Quốc lộ I và ga Quán Hành, Nghi Trung, trong tầm bắn phá thường xuyên của máy bay Mỹ. Anh chỉ kịp đào cho vợ con cái hầm tránh bom rồi vội vã cùng Trần Hợi lên đường. Khoảnh khắc tiễn đưa bịn rịn, chị Thuỷ bên đàn con thơ dại chẳng thể ngờ đấy là hình ảnh cuối cùng của người chồng, người cha thân yêu!


Những năm 1965, 1966, đường giao liên vượt đại ngàn Trường Sơn chưa mấy cung đoạn vận tải bằng cơ giới. Đường lắm dốc, nhiều cua gấp khúc và khoảng ba mươi cây số đường rừng mới có một trạm giao liên. Tiếng là trạm nhưng chỉ quy ước mật danh nên các đoàn cán bộ vào mặt trận phải tự xoay xoả mọi nhu cầu sinh hoạt. Thiếu thốn lương thực, thực phẩm, phải ăn rau rừng là chuyện xảy ra như cơm bữa. Đoàn nhà báo tăng cường cho Khu 5, Tây Nguyên và Nam Bộ, trong đó có các nhà báo Lê Văn Luyện, Trần Hợi, Hoàng Đô (quê Bình Định), Văn Thảo (quê Phú Yên) cũng không được "ưu đãi" gì khác ngoài suất lương thực, gói mắm kem đủ ăn cho một cung trạm giao liên. Gặp đợt mưa đại ngàn dai dẳng, tắc đường hàng tuần là cầm chắc nhịn đói.

Thế nên đoàn trưởng, đại uý Hồng Sâm luôn nhắc anh em tiết kiệm từng hạt gạo, từng thìa mắm canh. Đã vậy, còn lo dè chừng bọn thám báo, biệt kích, mìn vướng, mìn cóc và chất độc da cam bất thần gây sát thương. Càng vào sâu, tuyến đường binh trạm 4 gần sông Bạc càng dày đặc bom đạn. Nỗi ám ảnh dọc tuyến giao liên là nạn B52 rải thảm, C130 bắn ca- nông 14 ly dai như đỉa đói. Lê Văn Luyện thường nói với anh em: "Phải bảo vệ được con người. Không sợ hy sinh, gian khổ nhưng chết mà chưa tới chiến trường thì vô nghĩa quá".

Và thế rồi theo đề xuất của Lê Văn Luyện, đoàn không đi theo tuyến vận tải mà cắt rừng, tránh các trọng điểm. Cũng may, cán bộ đoàn nhà báo phần lớn có trình độ đại học nên không mấy khó khăn khi tính toán phương vị, tìm con đường ngắn nhất trong mênh mông, hun hút rừng già Trường Sơn. Đường ngắn, an toàn nhưng mức độ gian nan thì không tính hết. Phải men theo vách núi, chênh vênh vực sâu, phải vượt sông bằng sợi giây song rừng với gói phao ni lông và bịt kín mặt, chân tay, tránh lũ sên, vắt bắt hơi người, chúng cong mình bắn tới như mưa rào. Dưới lớp lá mục nguyên sinh là o­ng chần, thứ o­ng độc được cổ nhân dạy "đốt thần bổ ngả". Rồi loài bò cạp, nhện to kềnh càng. Và những con rắn lục, rắn ba cạnh "thức đêm, ngủ ngày". Tất cả mọi hiểm hoạ ấy như trải ra, vây bủa theo mỗi bước chân của đoàn nhà báo trong suốt ba tháng trời lăn lộn, quăng quật, vượt gần một nghìn cây số vào chiến trường...


Tháng thứ ba cuộc hành quân xuyên Trường Sơn, Lê Văn Luyện bị bọc nhọt tấy lên, bả vai trái sưng vù, nhức buốt mỗi khi va chạm kể cả một nhánh cây rừng. Không thuốc kháng sinh, anh tìm lá tàu bay nhai dập rồi đắp vào bọc nhọt và cố bám đoàn. Nhiều hôm đau quá, tụt lại sau, anh em chờ đợi khiến anh bứt rứt. Và anh cắn răng, chống gậy, bám thắt lưng đồng đội đi tiếp. Cho tới một ngày, anh đã khẩn khoản nhờ đồng đội dùng lưỡi dao lam rạch bọc nhọt, cắt bỏ phần thịt hoại tử. Không thuốc gây tê, anh cắn vào chiếc khăn để đồng đội lau rửa vết mổ, đắp lá ngải cứu rừng. Thế mà người anh như trút đi một gánh nặng. Cuối năm 1965, vượt sông Xê Kông từ đất nước Lào, băng qua cửa khẩu Đắc Ốc, xuôi theo đường 13, đoàn có mặt tại căn cứ Bộ Tư lệnh quân khu 5, ở một cánh rừng Tây Bắc Quảng Nam. Đoàn nhà báo từ hậu phương lớn vào được ăn Tết, nghe thơ chúc Tết năm 1966 của Bác Hồ rồi chia nhau về các chiến trường nóng bỏng. Nhà báo Lê Văn Luyện, Văn Thảo, Hoàng Đô xin được hoạt động tại chiến trường Khu 5 mà địa bàn đứng chân là Quảng Nam, Quảng Đà.


Sôi sục bài "viết từ Miền Nam gửi ra"


Vào giai đoạn Lê Văn Luyện công tác tại "Phân xã thông tấn xã Trung trung bộ" rồi báo Quân giải phóng Trung trung bộ, anh có mặt ở hầu hết mặt trận Quảng Đà, theo sát các đơn vị bộ đội chủ lực thuộc Sư đoàn 2 và địa phương nổi tiếng đánh Mỹ như: Điện Bàn, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Quế Sơn, Thăng Bình, Tiên Phước, Phước Sơn, Nông Sơn. Thực hiện "Chiến tranh cục bộ" ở Khu 5, Mỹ đổ 43 tiểu đoàn quân, tương đương 5 sư đoàn, chủ yếu là lính Mỹ và Nam Triều Tiên. Quân đội Mỹ liên tiếp mở các chiến dịch với tên gọi "Kẻ nghiền nát" (Marher), "Diều hâu đôi" (Double- Aagle) hòng tiêu diệt các đơn vị chủ lực quân giải phóng và triệt phá căn cứ cách mạng, gom dân, lập vành đai trắng quanh căn cứ Chu Lai, An Khê, Đà NΩng, Thượng Đức, Thung Lũng Quế Sơn, Hiệp Đức. Bản tin đầu tiên Lê Văn Luyện viết và truyền ra Tổng xã năm 1966 với nội dung vạch trần tội ác của lính thuỷ đánh bộ Mỹ thuộc sư đoàn không vận số 1 tàn sát xã Hoà Tân, Hoà Hiệp (Quảng Nam), giết hại 300 người dân vô tội. Tiếp đó không lâu là tin "Lính Rồng Xanh" Nam Triều Tiên giết chết 400 người dân xã Bình Hoà, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Tố cáo chính sách "Bình định cấp tốc" của Mỹ, Lê Văn Luyện đưa tin trong 10 tháng năm 1966, lính Mỹ và Nam Triều Tiên giết hại 11.000 dân thường, đốt phá 37.500 nóc nhà dân".

Nhà báo Lê Văn Luyện (người đeo đồng hồ hàng thứ 2 từ trái sang) và đồng đội, đồng nghiệp (1965 - 1966).

Loạt tin tố cáo tội ác man rợ của quân đội Mỹ, lính chư hầu ở Khu 5, phát đi từ phân xã Trung trung bộ, được cơ quan báo chí miền Bắc và tờ Nhân dân nhật báo Bắc Kinh (Trung Quốc), Pravơ đa (Sự Thật) Liên Xô đăng ở vị trí quan trọng, gây dư luận phẫn nộ trên toàn thế giới lúc bấy giờ. Bám sát các đội du kích đánh địch, phá thế kìm kẹp ở xã Hoà Hải, Mỹ Sanh, Điện Ngọc, Lê Văn Luyện viết bài ghi nhanh "Xé xác Rồng xanh, phanh thây mãnh hổ" và những bài có giá trị tổng kết "Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám địch" đăng trên báo Quân giải phóng Trung trung bộ, báo Giải phóng Quảng Đà và báo Cờ giải phóng khu 5.

Trong chiến dịch chống thủ đoạn bình định cấp tốc của Mỹ, Nguỵ, Thông tấn xã Trung trung bộ liên tiếp phát tin "Quần chúng nổi dậy, phối hợp với tiểu đoàn 70, 71, 72, 74 thuộc Tỉnh đội Quảng Nam giải phóng 53 thôn, làm chủ 70 thôn với 12 vạn dân" ven sông Thu Bồn, giữ vững vùng giải phóng Gò Nổi, huyện Trà Mi, huyện Hiên và Đông Giang. Thay cho tên tác giả dưới mỗi tin bài là dòng chữ in đậm "Bài từ miền Nam gửi ra". Từ năm 1966 đến năm 1972, Lê Văn Luyện cùng đồng nghiệp ở Thông tấn xã Trung trung bộ truyền ra Tổng xã hàng nghìn tin bài nóng bỏng, sôi sục ý chí và bản lĩnh tiến công của quân, dân Khu 5.

Trên trang nhất các báo Thống Nhất, Cứu Quốc, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Tiền phong đậm đặc tin, bài chiến sự giải phóng miền Nam. Các bài, tin tường thuật của Thông tấn xã Trung trung bộ được háo hức đón đọc với dòng chữ in đậm: "Quảng Nam, Quảng Đà, Quảng Ngãi: Toàn dân hiến kế đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", "Nhà nhà bàn việc đánh Mỹ cứu nước", "Tìm Mỹ mà đánh, tìm Nguỵ mà diệt".

Chiến trường trải rộng, mức độ khốc liệt ngày một cao, ăn đói, mặc rách nhưng Lê Văn Luyện và đồng nghiệp vẫn xông xáo gan góc bám dân, bám đất với tư thế nhà báo - chiến sỹ. Cùng đợt vào Khu 5 với Lê Văn Luyện, các nhà báo Văn Thảo, Hoàng Đô đã lần lượt ngã xuống ở mặt trận Nam trung bộ. Rồi Tổng biên tập báo Giải phóng Quảng Đà Trần Văn Anh cùng 5 nhà báo cũng hy sinh sau đợt Tổng tiến công Mậu Thân (1968).

Đầu năm 1972, toàn miền Nam chuyển thế tiến công đánh sập chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của Mỹ, Nguỵ. Chiến trường Khu 5 càng trở nên khốc liệt trên trận tuyến đọ sức giành dân, giữ vững vùng giải phóng. Hướng chiến dịch Xuân - Hè năm 1972 là phá vỡ hệ thống phòng thủ Quế Sơn, Thượng Đức, Hiệp Đức tạo hành lang làm chủ đường số 13, nối thông đường chiến lược Đông Trường Sơn.

Lê Văn Luyện theo sát tiểu đoàn 70 bộ đội địa phương Quảng Nam, phối hợp sư đoàn 711 của quân khu 5 vây đánh căn cứ Liệt Kiểm và Chư Gan nằm trong tuyến phòng thủ Tây huyện Quế Sơn. Trong đợt một chiến dịch kể từ đêm 6 tháng 4 năm 1972, sư đoàn 711 và bộ đội địa phương Quảng Nam đã nổ súng tiêu diệt một tiểu đoàn chủ lực Nguỵ, một đại đội pháo 105 ly, đánh bại cuộc tiến công giải cứu quân Nguỵ ở căn cứ Liệt Kiểm, Chư Gan của sư đoàn 2 Nguỵ. Đợt tiến công căn cứ Liệt Kiểm, Chư Gan đã góp phần giải phóng gần 20.000 dân huyện Quế Sơn thoát khỏi ách kìm kẹp của Nguỵ quân, Nguỵ quyền Sài Gòn. Trong đợt tiến công ác liệt ấy, nhà báo Lê Văn Luyện đã bị trọng thương và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 21 - 4 - 1972, khi anh bước vào tuổi 38, độ tuổi sung sức nhất của đời người!


Vĩ thanh


Để sưu tập tư liệu cho bài viết về nhà báo Lê Văn Luyện, tôi đã phải tìm kiếm, chắt lọc từng mẩu tư liệu chắp nối, đứt quãng. Các nhà báo Trần Hợi, Hồ Duy Lễ, Hoàng Kỳ, Nguyễn Bá Thâm, hai nhà văn Nguyễn Chí Trung, Nguyên Ngọc là những đồng nghiệp, tôi trao đổi, tìm kiếm những dấu tích hoạt động báo chí ròng rã 8 năm của Lê Văn Luyện. Họ từng gắn bó máu thịt với "Khu 5 dằng dặc khúc ruột miền Trung" và được chứng kiến, nghe kể về tấm gương gan góc, xông xáo của "anh nhà báo xứ Nghệ". Dù vậy, các anh cũng không thể biết gì hơn nơi an nghỉ của nhà báo Lê Văn Luyện quanh khu vực núi Liệt Kiểm. Anh Luyện ơi, để có vòm trời xanh tự do, độc lập vĩnh hằng của Tổ quốc, không chỉ mảnh đất Quảng Nam đau thương mất mát. Riêng Khu 5 vĩnh viễn lưu giữ máu xương 34 nhà báo hãy còn trẻ trung, bút lực dồi dào. Cũng như bao gương mặt đồng đội, đồng nghiệp đã ngã xuống vì ngày thống nhất non sông, nhà báo Lê Văn Luyện hẳn thanh thản khi hoá thân vào mảnh đất xứ Quảng "trung dũng - kiên cường- đi đầu diệt Mỹ".


V.H