Nhà máy khí đốt "Yamal LNG" -Nga tiếp tục ký được những hợp đồng khí đốt trị giá tới hàng tỷ USD các đối tác châu Á và cả châu Âu.
Châu Âu tiếp tục mua khí đốt Nga
Nga đã khẳng định qui chế đối tác năng lượng tin cậy của châu Á khi sẵn sàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngày càng tăng ở châu Á về khí đốt, bất chấp các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây, mà một phần trong đó là cản trở thu hút đầu tư - các chuyên viên Nga bình luận về tiềm năng của Nga như vậy.
Hợp đồng khí đốt khổng lồ của nhà máy "Yamal LNG" với các nhà xuất khẩu ở châu Á-Thái Bình Dương đã lên tới 2,9 triệu tấn trong vòng 20 năm (tương đương hơn 4 tỷ mét khối khí đốt). các chuyên gia nhận định, sau 5-6 năm nữa, thị trường châu Á sẽ có thể tiếp nhận khí đốt của Nga nhiều hơn cả châu Âu.
Xí nghiệp "Yamal LNG" sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2017. Trong khi nhà máy còn chưa hoàn thiện thì đã diễn ra cuộc cạnh tranh sôi nổi để nhận phần trong số 2,9 triệu tấn khí đốt của cơ sở này, với giá trị lên tới gần 1,5 tỷ USD, dự đoán một tương lai tốt đẹp cho nhà máy này.
Hợp đồng đầu tiên được ký là Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc CNPC - một trong những cổ đông của đề án, sau đó là hai cổ động khác thuộc châu Âu là hãng Tây Ban Nha Gas Natural Fenosa, hãng Pháp Total Gas & Power. Các hợp đồng mới với châu Âu vẫn được ký kết, bất chấp những lệnh cấm vận của EU.
Phần sản phẩm tương lai cuối cùng sẽ do cổ đông thứ ba của "Yamal LNG» là Novatek Gas & Power bán ra. Bên mua là công ty con của tập đoàn khí đốt Nga khổng lồ "Gazprom» tại Singapore) là Gazprom Marketing & Trading.
Việc ký kết gói thỏa thuận dài hạn về cung cấp khí đốt từ bán đảo Yamal tới một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của thế giới đương đại đã củng cố niềm tin của công ty Pháp Total trong đề án này.
Người đứng đầu công ty, ông Patrick Pouyanné tin chắc rằng sau những nỗ lực đáng kể để thiết lập sự hợp tác kinh doanh giữa Pháp và Nga thì không nên bỏ qua những cơ hội làm ăn nhiều triển vọng với Nga, mạo hiểm tìm kiếm những thị trường mới đầy rủi ro, để ủng hộ lệnh cấm vận Moscow của Washington và Brussels.
Ông tuyên bố rằng quan hệ với các đối tác cần được hỗ trợ không chỉ trong thời hoàng kim mà cả khi có tình huống phức tạp. Mà như thế có nghĩa là không nên để các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống Nga gây hại cho quan hệ giữa công ty Total và Moscow.
Do đó ông Patrick Pouyanné khẳng định rằng sẽ có những đợt chuyển giao tài chính mới để thực thi đề án chung với "Yamal LNG", kinh phí sẽ được rót từ các ngân hàng châu Âu và Trung Quốc ngay vào giữa năm 2015.
Hướng tới thị trường tiềm năng châu Á
Xếp hàng thứ nhất trong số những nhà cung cấp là công ty GAIL với số lượng khí đốt lớn nhất đến Ấn Độ. Mức gia tăng lượng xuất khẩu khí đốt của Nga đã được thỏa thuận trong thời gian chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Ấn Độ hồi tháng 12 năm ngoái.
Hiện nay, hầu như toàn bộ khí đốt từ "Yamal LNG" đã được bán, “Bộ phận quan trọng - hơn 90% tổng sản lượng tương lai của "Yamal LNG" đã được ký hợp đồng - chuyên viên phân tích dầu khí Kirill Tachennikov cho biết và nhận định rằng, đây không chỉ đơn thuần là một đề án thương mại thành công.
Ý nghĩa đầu tiên là việc xuất khẩu khí đốt lớn đến châu Á. Đề án sẽ giúp Nga đóng góp đáng kể vào vấn đề đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng của châu Á, mở ra một hướng hợp tác về an ninh năng lượng. Điều đó cho phép Nga giảm sự phụ thuộc vào thị trường châu Âu.
Khối lượng thỏa thuận cung cấp theo hợp đồng hiện nay là rất cao. Điều đó có nghĩa là cả mức độ tin cậy đầu tư cũng rất cao. Những cổ đông tin tưởng về khả năng hoàn vốn, người sử dụng đặt lòng tin vào khả năng cung cấp của Nga. Đó là sự bổ sung hiện thực cho tính hấp dẫn đầu tư vào Nga và tăng khả năng nhận được đầu tư cần thiết.
Ông Konstantin Simonov - Giám đốc an ninh năng lượng quốc gia nhấn mạnh, đề án "Yamal LNG" cho thấy rằng Nga sẵn sàng cung cấp đến thị trường mới ở châu Á đầy đủ khối lượng khí đốt, trong đó có khí hóa lỏng, mặc dù nhà máy này phải làm việc trong điều kiện tiếp diễn chính sách trừng phạt của phương Tây.
“Thị trường châu Á đối với chúng tôi là tương đối mới, chúng tôi chỉ mới bắt đầu bán khí hóa lỏng vào năm 2009, khi khởi động nhà máy đầu tiên ở Sakhalin. Cơ sở này được vận hành toàn phần, cung cấp khí hóa lỏng đến Nhật Bản và Hàn Quốc” - ông Simonov nói.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Bắc Kinh tháng 5 năm ngoái của Tổng thống Putin, Nga đã ký hợp đồng với Trung Quốc về xây dựng đường ống dẫn khí đốt trong năm qua với dung lượng 38 tỷ mét khối, trị giá trên 450 tỷ USD trong vòng 30 năm. Năm nay dự kiến ký thêm thỏa thuận tương tự với Trung Quốc.
Các chuyên gia nhận định, Nga có chiến lược khí đốt nghiêm túc và khá thực tế đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhìn chung, thị trường châu Á trong vòng 5-6 năm tới sẽ có thể nhận khí đốt Nga thậm chí còn nhiều hơn cả thị trường châu Âu.
Hiện nay, đã có nguồn tin nội bộ cho biết rằng, công ty Ấn Độ GAIL đang tiếp tục đàm phán với Novatek về việc mua lại khoản có tài sản trong đề án "Yamal LNG". Hợp đồng cuối do Yamal LNG ký kết, rõ ràng, có thể giúp công ty GAIL của Ấn Độ có cái nhìn mới về tham gia vào đề án hàng đầu này của Nga.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo Baodatviet