Trước đó, khi lãnh đạo huyện Nghi Lộc đến kiểm tra công tác này tại địa bàn, Chủ tịch UBND xã Nghi Xuân đã không có mặt, mọi liên hệ với vị này đều không thể thực hiện được. Trong khi đó, địa bàn xã Nghi Xuân được xác định là một trong những ổ dịch lớn nhất huyện Nghi Lộc thời gian qua. Chỉ tính riêng dịp tết Nguyên đán, xã này đã ghi nhận hơn 110 ca mắc mới Covid-19. Không chỉ có vậy, liên quan đến công tác phòng, chống dịch, lãnh đạo huyện Nghi Lộc còn xác định người đứng đầu UBND xã Nghi Xuân thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng chậm trễ trong việc tiêm phòng vắc xin Covid-19. Và như giọt nước tràn ly, vị “quan” xã đã bị buộc tạm thời ngừng công tác trong 15 ngày để kiểm điểm.
Thực tế, nếu triệt để hơn, dám chắc không chỉ Chủ tịch UBND xã Nghi Xuân bị xử lý kỷ luật mà sẽ còn rất nhiều lãnh đạo cơ sở ở nhiều địa phương cũng có tình trạng tương tự. Sau khi Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ Ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" đi vào thực tiễn, công tác phòng, chống dịch đã thay đổi để phù hợp với bối cảnh.
Đây là chủ trương rất đúng đắn, giải quyết được các bài toán “mục tiêu kép” mà hiện thực đặt ra. Tuy nhiên, cũng từ khi thực hiện tinh thần chống dịch mới đã hình thành sự chủ quan, coi thường và cả thiếu trách nhiệm của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân.
Nhiều người cho rằng, khi đã tiêm đầy đủ các mũi vắc xin nên có thể “tránh” được dịch bệnh. Đặc biệt, giai đoạn dịp tết Nguyên đán có rất nhiều người dân trở về từ các địa phương ngoại tỉnh, trong khi quy định mới không bắt buộc phải test Covid-19, kể cả test nhanh và PCR, người dân cũng không bị cách ly tập trung như trước đó.
Chính điều này đã khiến cho dịch lây lan mạnh trong cộng đồng. Số lượng bệnh nhân lây nhiễm từ 2-3 con số trước Tết đã nhảy lên 4 con số ngay sau kỳ nghỉ gần 10 ngày. Sự chủ quan, không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của người dân là nguyên nhân chính khiến số người nhiễm bệnh ở Nghệ An đứng thứ hai cả nước, sau thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, nếu căn cứ vào quy mô dân số thì số ca nhiễm mới/ngày Nghệ An đứng ở vị trí quán quân. Và để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm của cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương. Đó là sự buôg lỏng trách nhiệm, chủ quan, coi thường nguy cơ dịch bệnh.
Chúng ta còn nhớ, trước đây khi công tác phòng, chống dịch còn được áp dụng bằng các Chỉ thị 15, 16, 19 của Chính phủ, thì các biện pháp phòng, chống Covid-19 được triển khai rất tích cực, thậm chí bằng nhiều biện pháp cực đoan. Thời điểm đó, đã có hàng trăm trường hợp người dân bị xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến vi phạm các quy định phòng chống dịch. Nếu so sánh với thời điểm hiện tại, việc phòng, chống dịch lại quá lỏng lẻo. Đành rằng, phải tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, thu nhập, nhưng việc buông lỏng, thiếu biện pháp phòng ngừa dịch phù hợp sẽ tạo hệ quả nguy hiểm cho xã hội. Và thời điểm này thực tiễn đã chứng minh điều đó.
Việc xử lý vị Chủ tịch UBND xã nói trên là đúng. Và nói như nhiều người, vị này không gặp may, vì có nhiều người tương tự ông, chẳng qua là chưa bị xử lý mà thôi.