(Baonghean) - Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang ở thời kỳ phát triển rực rỡ và quan hệ thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với PGS, TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện khoa học chiến lược - Bộ Công an để nhìn lại khoảng thời gian 2 năm cầm quyền của người đứng đầu đất nước đông dân nhất thế giới này.
P.V:Thưa Thiếu tướng, có những điểm khác biệt nào trong phong cách lãnh đạo của ông Tập Cận Bình với những người tiền nhiệm?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi, so với các vị tiền nhiệm, ông Tập Cận Bình có những điểm khác biệt sau:
Thứ nhất, mặc dù không công khai nhưng trong vòng hơn 30 năm trở lại đây, trên chính trường Trung Quốc luôn tồn tại 3 phái chính trị chính như sau: Phái “thái tử” – nghĩa là con của những vị khai quốc công thần; phái Thượng Hải do ông Giang Trạch Dân làm chủ và phái Đoàn Thanh niên, gồm những người xuất thân từ cán bộ Đoàn. Trong 3 phái thì ông Tập Cận Bình thuộc phái “thái tử”, bởi Tập Cận Bình là con của Tập Trọng Huân – là một trong những vị khai quốc công thần lập nên nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, là bạn chiến đấu với Mao Trạch Đông từ thời xây dựng Đảng cho tới thời kỳ xây dựng đất nước. Trong khi đó, ông Giang Trạch Dân – thuộc phái Thượng Hải và ông Hồ Cẩm Đào thuộc phái Đoàn Thanh niên.
Thứ hai, đó là con đường quan lộ của đương kim Chủ tịch vốn thăng tiến tuần tự từ thấp lên cao. Ông Tập Cận Bình từng làm bí thư chi bộ, bí thư đảng bộ cơ sở, bí thư tập đoàn, bí thư tỉnh ủy… và lên đến chức vụ như hiện nay. Trong khi đó, ông Hồ Cẩm Đào lại được đánh giá là có sự nghiệp “nhảy cóc” để lên đến chức vụ cao nhất trong Đảng. Như vậy, có thể nhận định, Tập Cận Bình là người đã từng trải tất cả những nấc thang quyền lực ở Trung Quốc. Chính vì điều này, tôi cho rằng, khác với người tiền nhiệm, ông Tập Cận Bình là người rất am hiểu nội tình, thấu hiểu tường tận mọi tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân.
Thứ ba, đó là việc ông Tập Cận Bình lên đến đỉnh nấc thang quyền lực hiện nay không phải do Đặng Tiểu Bình chỉ định. Tập Cận Bình lên làm Tổng Bí thư và Chủ tịch nước sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc. Dưới góc độ một người nghiên cứu chính trị, tôi cho rằng chức vụ của Tập Cận Bình hiện nay là do kết quả sự thỏa thuận giữa 3 phái. Trong khi đó, cả ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều do Đặng Tiểu Bình chỉ định.
Thứ tư, đây chính là đặc điểm rất khác về phong cách và tính cách của Tập Cận Bình so với những người tiền nhiệm, đó là ông luôn để lại những ấn tượng tốt sâu sắc với phong cách dễ gần khi tiếp xúc với người dân, cán bộ, đảng viên và cả khách nước ngoài. Cách đây chưa lâu, đã có lần nhà lãnh đạo đất nước đông dân nhất thế giới này từng xếp hàng để được mua bánh bao ở một cửa hàng. Điều đó chứng tỏ ông không phải là người quan cách - hình ảnh thường thấy ở những người nắm đỉnh cao quyền lực Trung Quốc tiền nhiệm. Tuy nhiên, trong giải quyết công việc, ông Tập lại tỏ ra là người vô cùng quyết đoán, rõ ràng. Có thể nói, đây là phong cách nổi bật nhất của ông Tập Cận Bình. Trong một cuốn sách mới xuất bản gần đây, ông Lý Quang Diệu đã viết: “Ông ấy là một người kín đáo, ông ấy không bao giờ để lộ những điều mình thích và không thích và thường nở nụ cười vui vẻ dù bạn có nói điều gì đó làm ông ấy phiền lòng hay không...”.
P.V: Thưa Thiếu tướng, ông đánh giá như thế nào về thuận lợi và khó khăn cả ở trong nước lẫn quốc tế trong thời gian 2 năm cầm quyền của ông Tập Cận Bình?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có thể nói, thuận lợi của Tập Cận Bình khi lên nắm quyền là sau 34 năm tiến hành cải cách mở cửa, kinh tế Trung Quốc đã giành được những thành tựu hết sức rực rỡ, khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ. Từ một nền kinh tế ít được thế giới quan tâm, vào năm 2012, Trung Quốc đã có tổng lượng GDP đứng thứ 2 trên thế giới (sau Mỹ). Có thể nói rằng, trong lịch sử 5.000 năm phát triển nền văn minh nhân loại, chưa có một quốc gia nào có sự phát triển thần kỳ như Trung Quốc về lĩnh vực kinh tế; về quân sự: Trung Quốc hiện nay là 1 trong 3 cường quốc quân sự hàng đầu trên thế giới (sau Mỹ và Nga); về khoa học - công nghệ: hiện Trung Quốc là 1 trong 3 quốc gia đưa người lên vũ trụ (cùng với Mỹ và Nga). Chính vì những thành tựu đó, Trung Quốc được cả thế giới vị nể.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là “mặt phải của tấm huy chương”, bởi những thách thức trong nước là không hề nhỏ. Như chúng ta đã biết, sau 34 năm, với phương châm “đuổi kịp Pháp vượt Pháp, đuổi kịp Anh vượt Anh, đuổi kịp Đức vượt Đức… Tất cả đều phát triển theo số lượng, thế nên nền kinh tế Trung Quốc đã tích tụ những vấn đề “bệnh tật” không thể tránh khỏi. Còn nhớ, Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng phát biểu ngay trước thềm Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc vào đầu năm 2012 rằng: “Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang mất cân bằng, không hợp lý và không bền vững…”. Điều ông Ôn Gia Bảo nói cho đến nay vẫn hoàn toàn đúng, một nền kinh tế phát triển theo chiều rộng, quảng canh, chạy theo số lượng nhưng chất lượng rất thấp. Đơn cử, để sản xuất ra 1 USD hàng hóa, dịch vụ, Trung Quốc tiêu tốn hơn Nhật Bản 3 lần năng lượng, hơn Đức 2,8 lần và hơn Mỹ 3 lần. Điều này chứng tỏ nền kinh tế này hiệu quả rất thấp, lãng phí tài nguyên và đây chính là “cục u nhọt” lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc sau 34 năm cải cách. Một điều đáng nói nữa là nợ công và bong bóng bất động sản, nợ công của Trung Quốc hiện đã vượt qua 100% GDP.
Về xã hội, theo các con số thống kê, sự phân hóa giàu nghèo ở Trung Quốc hiện nay rất lớn và là một trong những quốc gia phân hóa giàu nghèo nhất thế giới. Đơn cử, chỉ 0,4% dân số thuộc nhóm triệu phú (khoảng dưới 500.000 người) nắm giữ tới 70% tài sản của toàn Trung Quốc. Sự phân hóa giàu nghèo lớn ấy đã tích tụ nhiều vấn đề xã hội, thêm vào đó là tầng lớp quan chức tha hóa, quan liêu, tham nhũng làm cho người dân bất bình. Mỗi năm ở Trung Quốc diễn ra hàng trăm cuộc biểu tình với quy mô trên 100 người trở lên.
Về vấn đề môi trường, mặc dù là một trong những nước đang phát triển, bình quân đầu người chỉ mới khoảng 5 - 6 ngàn USD, nhưng Trung Quốc lại là một trong những quốc gia ô nhiễm môi trường nhất thế giới. Cụ thể, trong 20 thành phố có mức độ ô nhiêm môi trường lớn thì riêng Trung Quốc đã có tới 15 thành phố nằm trong danh sách này. Như vậy, bối cảnh trong nước cả về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường khi ông Tập lên nắm quyền là hết sức khó khăn.
Còn về bối cảnh quốc tế, ông Tập Cận Bình lên nắm quyền trong điều kiện Mỹ thực hiện chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương, đấy là bước chuyển chiến lược cực kỳ quan trọng tác động trực tiếp đến Trung Quốc. Vì vậy, muốn hay không muốn Trung Quốc vẫn phải đối phó. Vấn đề thứ 2 mà ông Tập gặp phải là chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa ấy đã lan đến Trung Quốc, thậm chí còn diễn ra ngay ở Thiên An Môn chứ không chỉ là vùng Tây Tạng, Tân Cương...
Như vậy có thể nhận định, ông Tập lên nắm quyền trong bối cảnh xã hội Trung Quốc và thế giới đặt trên vai ông rất nhiều vấn đề trọng đại mà những người tiền nhiệm chưa từng phải chịu đựng.
P.V:Những người lãnh đạo Trung Quốc thường đưa ra những tư tưởng chiến lược, như ông Đặng Tiểu Bình với lý luận Đặng Tiểu Bình; Giang Trạch Dân có tư tưởng ba đại diện, Hồ Cẩm Đào thì đưa ra quan điểm phát triển khoa học... Ông Tập Cận Bình đã đưa ra vấn đề gì trong phương châm lãnh đạo của mình, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có thể nói rằng, về lý luận cơ bản, hầu hết các vị tiền nhiệm của ông Tập đã đưa ra, và xét trên một khía cạnh nào đó, nó đã bao hàm tất cả những vấn đề của Trung Quốc thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội Trung Quốc gặp rất nhiều vấn đề như đã đề cập ở trên, ông Tập Cận Bình đưa ra “giấc mơ Trung Hoa” nhằm phục hưng sự vĩ đại của nhân dân Trung Quốc. Tôi cho rằng đây là một trong những sự lựa chọn hết sức khôn ngoan, bởi trong bối cảnh phức tạp cả ở trong nước và bình diện quốc tế như vậy, việc ông ta đưa ra khẩu hiệu “Giấc mơ Trung Hoa” sẽ khiến hơn 1,35 tỷ người Trung Quốc “bớt” chú ý đến những vấn đề nội tại đang gây bức xúc.
P.V: Xung quanh cuộc chiến chống tham nhũng do ông Tập khởi xướng, có dư luận cho rằng, ông Tập Cận Bình thông qua cuộc chiến chống tham nhũng nhằm thanh trừng các đối thủ chính trị. Thiếu tướng bình luận gì về vấn đề này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Điều đầu tiên tôi muốn nói là vấn đề tham nhũng ở Trung Quốc không phải bây giờ mới có, mà đây là vấn đề “thâm căn cố đế” trong lịch sử 4.000 năm phát triển của đất nước này. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn có những kiểu tham nhũng khác nhau. Ví như ở thời kỳ Mao Trạch Đông thì tham nhũng chủ yếu là đặc quyền, đặc lợi. Còn từ trong thời đại Đặng Tiểu Bình, khi phát triển và hội nhập quốc tế là điều kiện khách quan để tham nhũng phát triển như nấm sau mưa như ngày nay.
Tôi cho rằng, nói Tập Cận Bình thông qua chống tham nhũng để thanh trừng đối thủ chính trị là không khách quan, bởi trong hơn 20 tháng cầm quyền, ông Tập đã xử lý dưới hình thức cách chức hoặc bỏ tù hơn 70 quan chức cấp cao (từ thứ trưởng trở lên ở Trung ương, chức phó chủ tịch tỉnh trở lên ở địa phương). Trong đó có những người được ví như “hổ lớn”, đơn cử như vụ án Bạc Hy Lai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư tỉnh Trùng Khánh; hay như vụ Chu Vĩnh Khang - Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị - nhân vật phụ trách toàn bộ mảng an ninh, cảnh sát, tình báo, kiểm soát, tòa án trong hơn 10 năm; vụ Từ Tài Hậu - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương; Quách Bá Hùng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Hai người này được cho là cánh tay phải và trái của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào… Tất cả những kẻ vừa “ngã ngựa” đều là những kẻ phạm tội rất rõ ràng. Như ông Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu đều là những kẻ tham lam vô độ, lối sống không chuẩn mực, thậm chí có thể nói là thác loạn, đã làm cho dư luận Trung Quốc vô cũng bức xúc.
P.V:Thiếu tướng có thể cho biết đặc điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình là gì?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi, có 3 đặc trưng về chính sách đối ngoại của Trung Quốc không chỉ có ông Tập Cận Bình mà từ thời của ông Mao Trạch Đông đến ông Hồ Cẩm Đào đều thực thi, đó là: “viễn giao cận công”. Tức là giao hảo với các nước ở xa nhưng o ép, bức bách, xâm lấn các nước láng giềng gần. Chỉ có điều, ông Tập Cận Bình khác với những người tiền nhiệm là luôn theo đuổi vấn đề đến cùng. Ví dụ, Trung Quốc hiện nay đã thiết lập quan hệ về chính trị và kinh tế rất chặt chẽ với châu Phi và Mỹ Latin, các nước Nam Á, Trung Á… Trong khi đó, các nước láng giềng như Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam… thì luôn gây sự. Cái mới của ông Tập tức là ông ta đưa ra một quan điểm tổ chức mở rộng một mạng lưới đối tác rộng khắp trên toàn cầu; đặc trưng thứ 2 đó là “mềm nắn, rắn buông”. Điển hình năm 2013, ông Tập cho triển khai vùng nhận dạng phòng không ôm trọn quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Đây là một việc làm hết sức phi lý và bất chấp những lời cảnh báo từ phía Nhật Bản. Tuy nhiên, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama sang thăm Nhật Bản và tuyên bố một cách công khai rằng, chiếu theo Điều 51 của Hiệp định an ninh song phương, Hòa Kỳ có trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đồng minh Nhật Bản, kể cả Senkaku. Khi Mỹ lên tiếng cứng rắn như vậy, Trung Quốc đã “lui” ngay. Đây cũng là bài học lớn cho Việt Nam, bởi trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta (từ thời Thục An Dương Vương), khi nào ta yếu thế thì Trung Quốc lại vào xâm lăng. Và đặc điểm cuối cùng trong chính sách ngoại giao, đó là sự thực dụng. Trung Quốc hiện nay dư khoảng 4 nghìn tỷ USD trong ngân khố. Họ dùng tiền để đầu tư tràn lan và “mua”, lôi kéo cả châu Phi, các nước Nam, Trung Á… Như vậy, theo tôi, đây là 2 điểm nhấn đáng chú ý nhất trong chính sách ngoại giao của ông Tập Cận Bình trong hơn 20 tháng lên nắm quyền lực.
P.V:Theo Thiếu tướng, chính sách ngoại giao của Tập Cận Bình sẽ tác động như thế nào đến tình hình Biển Đông trong thời gian tới?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi, tranh chấp Biển Đông có thể nói là tranh chấp vô cùng phức tạp và dai dẳng. Trên thế giới có khoảng 50 điểm tranh chấp biển đảo thì tranh chấp Biển Đông có sự khác biệt, thể hiện ở những điểm sau: Biển Đông nằm trên con đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất trên thế giới, con số 33% dịch vụ hàng hải đi qua Biển Đông đã nói lên tất cả sự quan trọng này. Vì vậy, hầu như tất cả các nước trên thế giới đều có lợi ích từ con đường hàng hải này. Và tranh chấp Biển Đông cũng là tranh chấp mất cân bằng nhất trên thế giới, Trung Quốc quá lớn, trong khi Philippines hay Việt Nam chúng ta quá nhỏ so với Trung Quốc. Còn về kịch bản của cuộc tranh chấp này, theo tôi sẽ có 3 kịch bản sau:
Thứ nhất và cũng là kịch bản tốt nhất, đó là, Trung Quốc sẽ ngừng gây hấn và ngồi lại với các nước liên quan như Việt Nam hay ASEAN để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tiến tới xây dựng và ký thỏa thuận bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC. Như vậy, Biển Đông sẽ rất hòa bình, ổn định, điều này sẽ đem lại lợi ích cho không chỉ Việt Nam, ASEAN, Trung Quốc mà còn có lợi ích của rất nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây chỉ là kịch bản mà chúng ta theo đuổi và được cộng đồng quốc tế ủng hộ, nhưng chắc chắn Trung Quốc sẽ không bao giờ ngừng theo đuổi tham vọng độc chiếm Biển Đông. Vì vậy, kịch bản này nhiều khả năng là khó xảy ra.
Kịch bản thứ 2 và cũng là kịch bản xấu nhất, Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh quân sự của mình để độc chiếm, khống chế Biển Đông, việc này họ có thể làm được. Cho dù điều này có xảy ra thì việc họ chiếm được Biển Đông nhưng lại mất cả thế giới, đây hiển nhiên là cái giá quá đắt đối với Trung Quốc. Bởi khi huy động cả Hải, Lục, Không quân để đánh chiếm Biển Đông, Trung Quốc sẽ bộc lộ bộ mặt hiếu chiến và độc ác thì chắc chắn sẽ bị cả thế giới cô lập. Nếu như Trung Quốc bị cộng đồng thế giới cô lập thì đất nước này chắc chắn rơi vào hỗn loạn và Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành nước lớn. Tôi cho rằng, từ nay đến năm 2022, ông Tập sẽ không làm điều dại dột là đánh chiếm Biển Đông bằng sức mạnh quân sự. Như vậy, kịch bản xấu nhất này khó có thể xảy ra, ít nhất cho tới hết thời của Tập Cận Bình.
Kịch bản thứ 3, Trung Quốc sẽ dùng chiến lược “không đánh mà thắng” của nhà quân sự lỗi lạc Quản Trọng trong lịch sử Trung Hoa. Vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao không đánh mà thắng. Đó là thông qua việc cải tạo đảo Gạc Ma và Chữ Thập, cộng với bãi cạn Scarborough tạo thành một chốt chặn mà không một tàu chiến nào có thể vào Biển Đông được. Trung Quốc hiện đang cải tạo đảo Gạc Ma thành một sân bay quân sự có đường băng dài 2.800m, đảo Chữ Thập có đường băng 3.600m, ở đây máy bay ném bom chiến lược H6 và H-6K có thể cất, hạ cánh được. Ngoài ra còn có bến cảng cho tàu chiến từ 5 ngàn tấn đến 50 ngàn tấn có thể cập bến được. Nên nhớ máy bay ném bom chiến lược H6 và H-6K có tầm hoạt động từ 1.800 đến 3.500 km, có thể mang theo 9 tên lửa đạn đạo với tầm bắn 2.000 cây số. Khi Trung Quốc cải tạo đảo Gạc Ma và Chữ Thập xong, thì toàn bộ eo biển Malaca và các nước Asean đều nằm trong vòng khống chế của Trung Quốc. Và khi ấy, không một tàu chiến của Mỹ nào có thể đi vào Biển Đông được.
Song song với việc này, Trung Quốc hiện đang đưa hàng nghìn tàu ngư chính và hải giám có trang bị vũ khí để xua đuổi tàu đánh cá của Việt Nam và các nước Asean ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước… tất cả đều phục vụ cho việc hiện thực hóa đường lưỡi bò phi lý mà Trung Quốc tự vẽ ra.
Qua phân tích có thể thấy rằng, Trung Quốc đang áp dụng chiến lược không đánh mà thắng trong tranh chấp Biển Đông. Đây rõ ràng là một âm mưu vô cùng nham hiểm và cực kỳ khó đối phó. Vì thế, chúng ta cần phải theo dõi sát sao và hết sức cảnh giác, bởi sắp tới khả năng không có tranh chấp gay gắt nhưng sẽ rất quyết liệt, bởi những hành động của Trung Quốc hiện nay là xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và nhiều nước khác ở Biển Đông.
P.V: Xin chân thành cảm ơn Thiếu tướng!
Cảnh Nam
(Thực hiện)