Chật vật vì du học
Tốt nghiệp THPT với số điểm rất cao, có nhiều lựa chọn vào học các trường đại học trong nước nhưng Nguyễn Lê Thành ở phường Trung Đô (TP. Vinh) đã chọn du học ở Thái Lan tại một trường đại học quốc tế. Học được gần 1 năm thì dịch Covid-19 bùng phát, Thành cũng như nhiều học sinh khác đã quyết định về lại Việt Nam và học bằng hình thức trực tuyến. Hiện tại, dù đã sang năm thứ 2 nhưng việc trở lại trường của Thành còn rất nhiều khó khăn vì chưa có lịch bay.
Trong khi đó, trường của Thành chưa mở lại và vẫn đang duy trì hình thức học trực tuyến. “Rất nhiều học sinh chọn du học là để được tiếp cận môi trường mới, làm quen với nhiều thầy cô, bạn bè, tìm hiểu các nền văn hóa và trau dồi ngoại ngữ. Tuy vậy, nếu chỉ học qua mạng thì khó có thể đáp ứng được. Cá nhân em thực sự tiếc quãng thời gian đã qua và mong muốn dịch sớm ổn định để có thể được đi học trở lại như cũ”, Thành chia sẻ.
Cũng phải chờ đợi hơn 1 năm, đầu tháng 4 này, Nguyễn Thọ Tùng Nguyên - cựu học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng mới có thể bay sang Canada để nhập học. Trước đó, sau khi trúng tuyển, kế hoạch của Nguyên sẽ đi du học vào mùa Thu năm 2020, nhưng do dịch Covid-19 nên Nguyên cùng các bạn phải học theo hình thức trực tuyến.
“Tất cả những học sinh du học thời gian qua đều gặp nhiều khó khăn và phần nào ảnh hưởng đến việc học của học sinh. Em chỉ mong sau khi sang được Canada dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt để việc học của chúng em sớm được ổn định và không phải quay về nước khi chưa hoàn thành khóa học”.
Du học đang là một xu hướng được nhiều học sinh lựa chọn, trong đó có khá nhiều học sinh khá giỏi. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2015 đến nay, số lượng học sinh Nghệ An ra nước ngoài học tập ngày một tăng. Theo đó, nếu như năm 2015, cả tỉnh chỉ có 350 học sinh du học thì đến năm 2019, con số này đã tăng lên 864 học sinh. Tuy nhiên, con số này, đã giảm hơn trong 2 năm trở lại đây do rất nhiều học sinh đủ điều kiện trúng tuyển nhưng đã không có cơ hội theo học bởi lo ngại dịch Covid-19.
Một trong những số đó là em Nguyễn Thị Phương Hoa - cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - giải Nhất Quốc gia môn tiếng Anh năm học 2019 - 2020. Trước đó, với thành tích 2 năm liên tục giành giải tại cuộc thi học sinh giỏi quốc gia và từng có những khóa học bổng ngắn hạn, Hoa không gặp nhiều khó khăn để xin các học bổng du học. Thời điểm đang học lớp 12, ít nhất Hoa đã trúng tuyển học bổng 6 trường đại học ở Mỹ, trong đó có trường cấp học bổng 100%. Nhưng đến thời điểm nhập học, Hoa quyết định chọn Đại học Ngoại thương dù ngày trước du học là mục tiêu mà em đã hướng tới. Ở lớp của Hoa cũng có khá nhiều trường hợp tương tự, chọn trường đại học trong nước thay vì du học để phù hợp với hoàn cảnh dịch Covid-19 đang phức tạp.
Khó cho học sinh và nhà trường
Mỗi năm, Trường THPT chuyên Đại học Vinh có khoảng 20 học sinh có nguyện vọng du học. Tuy nhiên, trong năm học vừa rồi, số học sinh đi du học thành công chỉ có hơn một nửa và đa phần lịch nhập học đều chậm hơn dự kiến. Điều này cũng khiến cho nhiều học sinh cuối cấp trong năm học này băn khoăn khi lựa chọn du học và hiện nay theo thống kê của nhà trường, chỉ mới có khoảng 5 học sinh là có nguyện vọng du học.
Tại lớp 12 chuyên Anh, dù đến thời điểm này, số học sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khá nhiều nhưng đa phần đều đăng ký đại học ở Việt Nam thay vì du học ở nước ngoài. Ngay cả học sinh Nguyễn Thị Bình - dù đã có dự định du học nhưng cũng phải cân nhắc khá kỹ càng: “Những năm trước nhiều học sinh chọn du học ở Mỹ và Anh, nhưng năm nay các bạn đều chọn những nước an toàn và không có nhiều biến động.
Cá nhân em đang tìm học bổng vào 3 trường ở Úc nhưng đang phân vân vì ở Úc mức học bổng chủ yếu chỉ có từ 15 - 50%, học bổng cao hơn chỉ dành cho những học sinh có thành tích học tập xuất sắc hoặc là học thạc sĩ (nghiêng về học bổng chính phủ). Em cũng chọn phương án hai là thi tốt nghiệp THPT và đăng ký một trường đại học trong nước nếu việc du học không thuận lợi”.
Trước việc có khá nhiều khó khăn cho học sinh du học trong thời điểm này, Ban Giám hiệu Trường THPT chuyên Đại học Vinhcũng khuyên học sinh cân nhắc khi đưa ra lựa chọn cho mình.
“Rõ ràng so với các năm trước thì 2 năm trở lại đây việc du học của học sinh vất vả hơn, dù cơ hội của các bạn rất nhiều. Thế nên, ngoài du học ở nước ngoài, học sinh có thể lựa chọn hình thức bán du học, nghĩa là học 1- 2 năm ở trong nước sau đó mới ra nước ngoài. Điều này sẽ giúp các em không bị gián đoạn học tập
Ở chiều hướng ngược lại, ảnh hưởng của dịch Covid - 19 cũng tác động đến việc tổ chức dạy học cho sinh viên nước ngoài của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Trong hơn 1 năm qua, hơn 700 sinh viên Lào đang học tại các trường đại học, cao đẳng ở Nghệ An đều không thể về nước.
Sinh viên Ketsana - lớp 59, ngành Chính trị học - Trường Đại học Vinh cho biết: “Từ Nghệ An về tỉnh Xavanakheth trước đây đi lại khá dễ dàng. Nhưng hiện tại nếu về quê, chúng em phải cách ly quá lâu nên sẽ ảnh hưởng đến việc học. Cá nhân em, đã gần 2 năm rồi không về quê và em sẽ ở lại đến khi có bằng tốt nghiệp”.
Tại Trường Đại học Vinh, ngoài sinh viên Lào còn có sinh viên Thái Lan và và một số sinh viên đến từ châu Phi và châu Mỹ theo học. Nhưng 2 năm qua, chỉ có những học sinh không về nước là còn tiếp tục theo học. Riêng sinh viên Thái Lan, năm nay, nhà trường không tuyển sinh được khóa mới vì việc đi lại giữa 2 nước còn nhiều khó khăn.
Tiến sĩ Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cũng cho biết: “Hiện nay, du học sinh đang theo học ở trường giảm khoảng 35 - 40% so với các năm trước và chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch bệnh. Do đó, trong năm tới, chúng tôi phải liên kết với các đối tác ở các nước bạn để đẩy mạnh việc tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến và xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp khi mà dịch ở nhiều nước vẫn chưa được khống chế”.
Những khó khăn trên chắc chắn cũng sẽ tác động đến việc làm hồ sơ, đăng ký vào các trường đại học của các sĩ tử ở mùa thi năm nay. Và chọn du học hay học tập trong nước là một bài toán khó, bởi điều này còn phụ thuộc nhiều vào chính sách của các nước, tình hình dịch bệnh và cả việc đi lại của các nước sở tại./.