(Baonghean.vn) - Ngày 25/06/2004, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quyết định lấy ngày 10/8 (Ngày đầu tiên quân đội Mỹ rải chất độc hóa học ở chiến trường miền Nam Việt Nam) hàng năm là ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”.

resize_images1973007_1.jpgMáy bay UC-123 rải chất độc da cam tại Việt Nam

Trong thời gian chiến tranh tại Việt Nam (từ năm 1961 đến năm 1971), Mỹ đã sử dụng 44 triệu lít chất độc da cam (có khoảng 72 triệu lít chất diệt cỏ đã được rải ở miền Nam Việt Nam) khoảng 1/4 diện tích toàn miền Nam Việt Nam, trong đó chủ yếu là chất độc da cam có chứa 366 kg chất dioxin.

Chất độc dioxin là một chất độc cực mạnh, rất bền vững, khó phân hủy, tồn tại rất lâu trong môi trường, làm cho đất và nước bị ô nhiễm nặng, cây rừng bị hủy diệt. Chất độc dioxin không chỉ gieo rắc cái chết mà nó còn để lại những di chứng cho nhiều thế hệ sau của người bị nhiễm.

Từ năm 1961, đế quốc Mỹ đã sử dụng các chất độc hóa học phun rải xuống nhiều vùng đồng bằng đất đai màu mỡ, vùng đông dân cư có nhiều ruộng lúa và cây ăn quả như các tỉnh Bến Tre, Cần Thơ, Mỹ Tho... và nhiều khu vực rừng núi, các nương rẫy của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, phía tây các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi,... với quy mô ngày càng rộng lớn và khốc liệt. 

Quân đội Hoa Kỳ đã rải 72 triệu lít chất diệt cỏ (bao gồm 44 triệu lít chất độc da cam, 20 triệu lít chất trắng, 8 triệu lít chất xanh) lên 1,7 triệu ha đất trồng và rừng ở miền Nam Việt Nam.

Hiện nay, ước tính có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, sống tập trung tại các tỉnh dọc đường Trường Sơn và biên giới với Campuchia. Hàng trăm nghìn người trong số đó đã qua đời. Hàng triệu người và cả con cháu của họ đang phải sống trong bệnh tật, nghèo khó do di chứng của chất độc da cam. 

Qua kết quả nghiên cứu trong 18 năm của Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, các nhà khoa học kết luận rằng chất độc da cam đã gây ra hậu quả y học và sinh học lâu dài đối với sức khoẻ con người, không những đối với các cựu chiến binh Việt Nam đã từng tham gia chiến tranh, mà còn cả thế hệ thứ 2, thứ 3 là con em của những người đã bị phơi nhiễm. Thậm chí, cả những trẻ em sống trong vùng bị nhiễm chất độc hoá học cũng có biểu hiện bệnh lý.

Hiện nay, theo ước tính, có khoảng hơn 4,8 triệu người Việt Nam phải hứng chịu chất độc da cam, đó là chưa kể con cháu họ phải hứng chịu di chứng.

Chất da cam/dioxin đã có ảnh hưởng về di truyền sinh thái, đặc biệt gây ra tình trạng sẩy thai, lưu thai hoặc có con bị dị tật bẩm sinh ở phụ nữ bị nhiễm dioxin. Hơn thế nữa, tác động lâu dài của chất độc da cam/dioxin không chỉ có mấy chục năm, mà có thể lên tới trên 100 năm. Số người bị ảnh hưởng của chất độc này cũng không chỉ dừng ở 4,8 triệu người mà có thể là hàng chục triệu người.

Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều hoạt động chính sách đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam; góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về tính chất nguy hiểm, hậu quả lâu dài của thảm họa da cam đối với môi trường và con người Việt Nam; vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tiếp tục giúp đỡ nạn nhân da cam về vật chất và tinh thần; tạo sự quan tâm, ủng hộ dư luận trong nước và quốc tế đối với cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Một cuộc tuần hành của cựu binh Mỹ yêu cầu bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam Mỹ lẫn Việt Nam.

Đặc biệt ngày 14/5/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Chỉ thị nêu rõ công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, là trách nhiệm của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Cần xác định nhiệm vụ xử lý dứt điểm về ô nhiễm môi trường trong khu vực còn tồn đọng chất độc hóa học và chương trình chăm sóc, giúp đỡ người dân vùng phơi nhiễm chất độc da cam vào chương trình an sinh xã hội và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của đơn vị, địa phương./.

Kim Ngọc

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN