ĐBQH Lê Thanh Vân - người từng được TƯ luân chuyển về làm Phó bí thư Hải Dương đã viết thư gửi Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính với hàng loạt kiến nghị tâm huyết góp ý dự thảo quy định về phân cấp quản lý cán bộ.
Dự thảo này là một trong những nội dung được Bộ Chính trị giao Ban Tổ chức TƯ xây dựng và là một trong những vấn đề trọng tâm trong đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị, dự kiến sẽ được thảo luận tại hội nghị TƯ 6.
6 trụ cột trong công tác cán bộ
ĐBQH Lê Thanh Vân đề xuất chia thành nhóm cán bộ ở 6 lĩnh vực trụ cột: Chính trị, quản lý, điều hành, chuyên môn, khoa học - công nghệ và văn hóa - nghệ thuật; Quy định tầng, nấc và thứ tự cấp, bậc của cán bộ theo một chuẩn mực cụ thể.
Trên cơ sở đó, về “tầng” có cán bộ ở TƯ và cán bộ ở địa phương. Ở “tầng” TƯ có các “nấc” là cán bộ cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể. Ở “tầng” địa phương được phân chia làm các “nấc” tương ứng như ở TƯ, nhưng theo từng cấp tỉnh, huyện, xã.
Về cấp, bậc, ông đề nghị căn cứ vào vị trí, tính chất, vai trò của từng nhóm cán bộ để phân định hệ thống chức danh theo thứ bậc, trật tự của hệ thống chính trị với một hệ quy chiếu nhất quán.
Hiện, về “bậc” có nhóm chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở TƯ. Về “cấp” có trưởng và phó.
Ngoài những chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước ra như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng. Tuy nhiên, các chức danh cùng “bậc” thường chưa được hiểu một cách nhất quán.
Vì vậy, nên lấy các chức danh còn lại trong hệ thống hành chính đề xác định nhất quán như “tương đương Phó Thủ tướng”, “tương đương Thứ trưởng”…
“Nếu xác định rõ cấp, bậc của hệ thống chức danh như trên, chúng ta sẽ dễ dàng kiểm soát được số lượng cán bộ của toàn hệ thống chính trị và dễ dàng xác định cơ chế phân cấp quản lý đối với từng nhóm cán bộ, trên cơ sở xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng tầng, từng cấp”, ông nhấn mạnh.
Dụng nhân như dụng mộc
ĐB Lê Thanh Vân cho rằng, việc phân loại 6 nhóm cán bộ sẽ là cơ sở để bố trí nhân sự phù hợp với từng lĩnh vực cụ thể theo sở trường, sở đoản của từng người.
“Dụng nhân như dụng mộc. Một người có khả năng làm tốt công tác phong trào, chưa hẳn trở thành một chính trị gia hay một nhà lãnh đạo trong hệ thống chính trị; một doanh nghiệp giỏi về sản xuất, kinh doanh chưa hẳn trở thành một nhà quản lý, điều hành trong bộ máy hành chính; một nhà khoa học xuất sắc chưa hẳn trở thành một chính khách…” ông phân tích.
Nguyên Phó Bí thư Hải Dương cũng chỉ ra, trên thực tế, chúng ta đã có sự nhầm lẫn đáng tiếc trong việc phân loại, nhận diện và sử dụng cán bộ. Đôi khi, vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn, vì tính đại diện mà xem nhẹ chất lượng cán bộ.
Từ đó ông kiến nghị, đối với các chức danh do bầu cử (lãnh đạo, quản lý), phải trình bày được cương lĩnh, chương trình, kế hoạch hành động và bảo vệ được quan điểm, tư tưởng của mình trước tập thể có thẩm quyền. Đối với các chức danh do bổ nhiệm (điều hành), thì nhất thiết phải thông qua thi tuyển.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tiến cử nhân tài, phải xác định trách nhiệm cụ thể của tập thể, cá nhân trong việc tuyển chọn cán bộ và tiến cử nhân tài, với các quy định về thưởng, phạt nghiêm minh...
Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính đã có thư cảm ơn ĐB Lê Thanh Vân. Thư nêu: “Trước hết, xin cảm ơn đồng chí đã quan tâm và gửi thư trao đổi ý kiến về dự thảo Quy định về phân cấp quản lý cán bộ. Tôi trân trọng đánh giá cao tâm huyết, hiểu biết và những nghiên cứu của đồng chí trong lĩnh vực này đã gợi mở cho chúng tôi suy nghĩ thêm trong quá trình hoàn thiện dự thảo”. “Một lần nữa tôi trân trọng cảm ơn và mong đồng chí tiếp tục cung cấp thông tin, trao đổi thêm về những nội dung công tác có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ban Tổ chức TƯ”. |
Theo VNN