Lo đảng Dân chủ thất thế trong cuộc đua bầu cử Mỹ năm sau, cựu Thị trưởng thành phố New York, tỷ phú truyền thông Michael Bloomberg vừa nộp hồ sơ cho cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ở bang Arkansas chính thức tham gia cuộc đua bầu cử Tổng thống năm sau. Đây là một động thái được xem có thể gây “xáo trộn thế trận” và xảy ra chỉ 3 tháng trước khi các cuộc tranh đua đề cử bắt đầu. Nhân vật này nắm giữ những lợi thế gì để có thể “đối đầu” với vị tỷ phú bất động sản, đương kim Tổng thống Donald Trump?
Ông trùm truyền thông giàu nhất
Nhắc đến Michael Bloomberg, giới truyền thông thế giới đều không lạ, bởi ông chính là người sáng lập công ty dữ liệu tài chính và truyền thông Bloomberg LP gồm Bloomberg News, Bloomberg Television, Bloomberg Businessweek… Vào tháng 3/2019, Forbes đã xếp ông Bloomberg là người giàu thứ chín trên thế giới và là ông trùm truyền thông giàu có nhất hành tinh. Ước tính tài sản ròng hiện tại của ông Bloomberg là 52,4 tỷ USD. Số tiền này không chỉ áp đảo tổng giá trị bất động sản của Tổng thống Donald Trump, mà còn lớn hơn tài sản của 3 ông trùm truyền thông cộng lại, bao gồm Rupert Murdoch, Ted Turner và Sumner Redstone.
Cách làm giàu của Bloomberg cũng từng là chủ đề tốn không ít giấy mực của giới truyền thông khi ông xuất thân trong một gia đình “trâm anh thế phiệt”.
Sinh năm 1942 tại Boston trong một gia đình bình thường, cha của Bloomberg là một kế toán viên và mẹ là một thư ký. Ông có bằng kỹ sư điện tại Đại học Johns Hopkins năm 1964. Hai năm sau, ông nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Harvard. Ông cho biết, quyết định đầu tiên sau khi học xong trường kinh doanh là một trong những bước ngoặt quan trọng nhất sự nghiệp của mình. Ông từng khuyên các sinh viên sắp tốt nghiệp là: Đừng chọn việc theo lương, mà phải dựa trên việc bạn nghĩ mình có thể phát triển đến mức nào tại công ty đó. Lời khuyên này được đúc kết từ chính cuộc đời kinh doanh của ông, từ một nhân viên quèn đến ông trùm của đế chế truyền thông Bloomberg.
Năm 1966, Bloomberg đầu quân cho ngân hàng đầu tư Salomon Brothers. Vị trí của ông được trả lương thấp hơn nhiều so với các cơ hội khác tương tự vào thời điểm đó. Và việc ông làm - đếm chứng khoán bằng tay - cũng rất nhàm chán. Tuy nhiên, Salomon Brothers nổi tiếng nhờ văn hóa trọng người tài. Và Bloomberg cảm thấy ông có thể chuyên nghiệp hơn nếu làm việc tại đây. Cuối cùng, bằng sự kiên trì và cầu tiến, ông đã trở thành ngôi sao trong công ty, thăng tiến dần lên vị trí chuyên viên giao dịch, và giám đốc mảng giao dịch cổ phiếu. Tuy nhiên những năm đầu thập niên 1980, ông bị mất việc khi công ty Salomon tái cấu trúc. Bloomberg nhận 10 triệu USD tiền đền bù sau thất nghiệp và mở công ty mà sau này trở thành hãng truyền thông Bloomberg.
Ông đã sử dụng bí quyết tài chính và chuyên môn công nghệ thông tin mà ông đã phát triển tại Salomon để tạo ra nhà Bloomberg Terminal vào năm 1982, một hệ thống phần mềm với bàn phím chuyên dụng được sử dụng bởi các chuyên gia tài chính để giao dịch cổ phiếu điện tử và truy cập dữ liệu thị trường trực tiếp. Bộ máy đã tạo ra một cuộc cách mạng tại Phố Wall và trở thành một công cụ phổ biến được sử dụng trong ngân hàng đầu tư, cạnh tranh với Thomson Reuters Eikon, Factset và S & P Capital IQ. Hệ thống được đổi tên thành Bloomberg L.P. vào năm 1986. Năm 1990, công ty đã tạo ra dịch vụ tin tức của riêng mình trước khi ra mắt Bloomberg.com vào năm 1993.
Kể từ đó, Bloomberg trở thành đế chế truyền thông hàng đầu thế giới, mang về cho vị tỷ phú này khối tài sản khổng lồ. Tham gia cuộc đua, ông Bloomberg hoàn toàn có thể sử dụng tiền của mình để tranh cử mà không cần bất cứ khoản quyên góp nào.
Thị trưởng thành công nhất New York
Khác với Tổng thống Donald Trump, tỷ phú Bloomberg còn là một chính trị gia có tiếng ở Mỹ. Để mô tả rõ nhất về tài quản lý và lãnh đạo của Michael R. Bloomberg, hãy nhìn vào 3 nhiệm kỳ làm thị trưởng New York của ông. Bloomberg tiếp quản New York năm 2002, khi thành phố này suy sụp cả về kinh tế và tinh thần, quay cuồng sau vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11/9/ 2001. Ông bắt đầu xây dựng lại thành phố từ những tổn thương và mất mát. Thế rồi, vào thời điểm ông rời nhiệm sở, dân số New York đông hơn bao giờ hết, nhưng có ít vụ giết người hơn bao giờ hết.
Sự giàu có của cá nhân ông và hình ảnh một Phố Wall sôi động, sầm uất do ông mang lại đã tạo ra một bầu không khí lạc quan cho những khu vực rộng lớn của thành phố tái phát triển. New York dường như mới hơn, sạch hơn và hiệu quả hơn, theo nhận định của nhiều người dân thành phố này. Người New York cũng trở nên có ý thức hơn về sức khỏe bản thân bởi cựu thị trưởng là người khắt khe trong việc yêu cầu giảm chất béo trong thức ăn nhanh, cấm hút thuốc trong quán bar và nhà hàng, xây dựng làn đường cho xe đạp và hệ thống chia sẻ xe đạp khắp thành phố.
“Nếu tranh cử, ông ấy sẽ là một lựa chọn mới cho đảng Dân chủ, dựa trên thành tích chỉ riêng ông có trong việc điều hành thành phố lớn nhất nước Mỹ, xây dựng một doanh nghiệp từ con số 0, và giải quyết một số thách thức khó khăn nhất của nước Mỹ trong tư cách là một nhà từ thiện có tác động lớn”.
Theo giới quan sát, ông Bloomberg được nhận định sẽ là đối thủ nặng ký của Tổng thống Trump nếu đại diện đảng Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng vào năm nay. Về phần mình, tỷ phú 77 tuổi này từng nhiều lần bác bỏ khả năng ra tranh cử nhưng đã đảo ngược quyết định vì 2 lý do. Thứ nhất, ông cho rằng chủ nhân Nhà Trắng hiện nay đang làm người dân thất vọng về mọi mặt và cần được thay thế. Thứ hai, ông chủ Tập đoàn truyền thông Bloomberg L.P. lo ngại đảng Dân chủ quá nghiêng về cánh tả và các ứng viên như cựu Phó Tổng thống Joe Biden, thượng nghị sĩ Bernie Sanders hoặc Elizabeth Warren sẽ khó lòng ngăn cản Tổng thống Trump tái đắc cử. Liệu lịch sử có lặp lại, nước Mỹ lại có thêm một vị Tổng thống doanh nhân? Câu trả lời phụ thuộc vào “đường đi nước bước” của ông Michael Bloomberg trong cuộc đua sắp tới.