Cuộc bỏ phiếu lịch sử

Theo hãng thông tấn AFP, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, nhân vật cấp cao trong phe Dân chủ tại Washington đã tuyên bố hôm thứ Năm vừa qua, rằng: “Hôm nay Hạ viện đã tiến hành bước tiếp theo khi chúng tôi thiết lập các thủ tục để mở các phiên điều trần… để công chúng có thể tự mình nhìn thấu sự thật. Thứ đang lâm nguy trong toàn bộ chuyện này không gì hơn chính là nền dân chủ của chúng ta”.

image_7035205_1112019.jpgChủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tiến hành cẩn trọng nhưng có phương pháp cuộc điều tra luận tội ông Trump. Ảnh: AFP

Cuộc bỏ phiếu hôm 31/10 theo giờ Mỹ tại Hạ viện đã chứng kiến kết quả 232 phiếu thuận, 196 phiếu chống, thông qua nghị quyết nêu rõ chỉ dẫn cho các giai đoạn tiếp theo trong quá trình luận tội. Không ngoài dự đoán, toàn bộ thành viên đảng Cộng hòa đã phản đối biện pháp trên, còn phe Dân chủ thì đang tìm cách để xem xem liệu ông Trump có lạm quyền bằng việc gây sức ép buộc chính phủ nước ngoài điều tra đối thủ chính trị trong nước hay chăng.

Bên cạnh đó, cũng như nhiều người có thể lường trước, bản thân nhà lãnh đạo xứ cờ hoa đã nhiều lần quả quyết cuộc điều tra này là trái luật và có động cơ chính trị. Trên thực tế, ông Trump đã ngay lập tức thể hiện thái độ phản ứng đối với cuộc bỏ phiếu, với dòng tweet trên mạng xã hội Twitter, ám chỉ động thái này: “Cuộc săn phù thủy vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ!”.

Cũng theo AFP, Nhà Trắng đã cáo buộc các thành viên Dân chủ đối lập rằng “về cơ bản họ không phải người Mỹ” khi thể hiện “sự ám ảnh tâm trí với quá trình luận tội trái pháp luật này”.

Các dân biểu Hạ viện Mỹ biểu quyết thông qua nghị quyết tiến tục các thủ tục luẫn tội Tổng thống Trump, ngày 31/10/2019. Ảnh: AP Photo/Andrew Harnik

“Phe Dân chủ đang chọn cách lãng phí thời gian hàng ngày vào một cuộc luận tội giả - một âm mưu đảng phái trắng trợn hòng hủy hoại Tổng thống”, Thư ký Báo chí Stephanie Grisham nói trong tuyên bố đưa ra sau cuộc bỏ phiếu. Còn ông Trump trong lúc đó đã kêu gọi những người đồng đảng Cộng hòa ủng hộ mình, kể cả khi ông phải đối diện với khả năng trở thành vị tổng thống thứ ba trong lịch sử đất nước này bị luận tội và bị đưa ra xét xử tước chức vụ tại Thượng viện, mà nguyên nhân là do cáo buộc có kế hoạch ép buộc Ukraine giúp đỡ để bản thân ông Trump có thể tái cử vào năm 2020.

Ông chủ Nhà Trắng đã dẫn lại trạng thái trên Twitter của phát thanh viên kênh Fox News là Laura Ingraham, kêu gọi tập trung lực lượng phe Cộng hòa, “cùng nhau sát cánh và bảo vệ nhà lãnh đạo đảng của họ chống lại những vết nhơ này”.

“Những lời bào chữa sai lầm”

Theo các nguồn tin, ông Trump bị cáo buộc cố ý giữ lại viện trợ quân sự để buộc Ukraine phải phát động cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào đối thủ bầu cử phe Dân chủ của ông là Joe Biden. Điều này nếu đúng, sẽ được hiểu là sử dụng chính sách đối ngoại của Mỹ một cách phi pháp để phục vụ lợi ích chính trị cá nhân.

Tổng thống Trump kêu gọi đảng Cộng hòa ủng hộ mình trong bối cảnh cuộc điều tra luận tội ông ngày càng được ủng hộ. Ảnh: AFP

Ông Trump và những người Cộng hòa trung thành đã bác bỏ, gọi vụ việc này là “giả mạo”, song các điều tra viên trong Quốc hội Mỹ đã thu thập được nhiều chứng cứ từ các quan chức trong chính quyền, khi những người này đứng ra làm chứng phía sau những căn phòng đóng kín cửa ở Đồi Capitol.

Một điểm thú vị là bản nghị quyết đáng chú ý trên đã không có được sự nhất trí 100% của phe Dân chủ. Hai thành viên đảng này đã “về phe” Cộng hòa để phản đối biện pháp được đưa ra. Trong khi đó, Justin Amash, từng là thành viên đảng Cộng hòa nhưng nay là nghị sỹ độc lập, lại đứng ra ủng hộ nó, và đưa ra cảnh báo đến “nhà cũ” của mình: “Việc thứ lỗi cho hành vi sai trái của ông ta sẽ mãi mãi làm lu mờ tên tuổi của các ông”, ông viết trên Twitter ám chỉ ông Trump. “Lịch sử sẽ không nhẹ tay với những lời bào chữa không trung thực, phù phiếm và sai lầm của người đàn ông này”.

Nhưng dù gì đi nữa, thì với động thái bỏ phiếu vừa qua, cuộc điều tra tại xứ cờ hoa hiện đã nằm gọn dưới ánh nhìn của công chúng. Nói cách khác, người Mỹ đã được trao cơ hội để theo dõi trên sóng truyền hình trực tiếp những bằng chứng chống lại Tổng thống Trump. Theo AFP, Ủy ban Tình báo của Hạ viện, cơ quan dẫn dắt cuộc điều tra từ trước đến nay, sẽ tổ chức các phiên điều trần mở, đưa ra các nhân chức và bằng chứng tài liệu, đồng thời cho phép phe Cộng hòa kháng án. Các thành viên trong đảng này đã lập luận rằng, cuộc bỏ phiếu vô hiệu hóa một quan điểm chính đáng, then chốt của họ, rằng cuộc điều tra không có hiệu lực bởi toàn bộ Thượng viện không ủng hộ nó.

Các nhà làm luật xuất thân đảng Cộng hòa kịch liệt phản đối động thái điều tra luận tội ông Trump. Ảnh AFP

Nếu vụ việc chống lại ông Trump được xét là đủ sức nặng, thì Ủy ban Tư pháp của Hạ viện Mỹ sẽ đưa ra các cáo buộc chính thức đối với Tổng thống của họ, tức các điều khoản về luận tội, để đưa ra bỏ phiếu trước toàn thể Hạ viện. Hiện vẫn chưa rõ quá trình này sẽ diễn ra nhanh chóng tới mức nào. Một số người cho rằng Hạ viện do phe Dân chủ nắm thế đa số có thể luận tội ông Trump trước thời điểm cuối năm nay. Nếu vậy, ông chủ Phòng Bầu dục sau đó sẽ được xét xử tại Thượng viện, vốn nằm trong quyền kiểm soát của phe Cộng hòa. Một số ứng viên chạy đua Tổng thống Mỹ năm 2020 đã lên tiếng khen ngợi động thái mới đây, trong đó có Biden. Ông này nói: “Quốc hội phải thực thi trọng trách của mình để bảo đảm rằng cuộc tấn công của Donald Trump nhằm vào Hiến pháp sẽ không vượt quá nhiệm kỳ của ông ta”.

Nhân chứng ủng hộ cáo buộc

Khoảng một chục nhân chứng đến nay đã lên tiếng xác nhận tại Thượng viện về các cáo buộc cho rằng, trong nỗ lực phối hợp với các phụ tá cấp cao và luật sư riêng, ông Trump đã gây sức ép để Ukraine giúp ông tái cử năm 2020, thông qua việc hạ bệ ông Biden - cựu Phó Tổng thống Mỹ.

Các cáo buộc tập trung vào một cuộc điện đàm hôm 25/7, theo đó ông Trump yêu cầu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mở các cuộc điều tra đối với ông Biden và con trai nhân vật này, người từng làm việc cùng một công ty năng lượng của Ukraine.

Cựu giám đốc phụ trách Nga và châu Âu của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Tim Morrison đến cung cấp lời khai trong cuộc điều tra. Ảnh: AFP

Trong lời khai có thể có sức nặng hôm 31/10, chuyên gia cấp cao về Nga trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng là Tim Morrison đã xác nhận rằng một nhà ngoại giao thân cận với Trump đã nói rằng viện trợ quân sự sẽ bị giữ lại cho tới khi Kiev cam kết điều tra ông Biden. Tiết lộ này “cộng hưởng” với lời khai hồi tuần trước của đặc phái viên cấp cao của Mỹ tại Ukraine Bill Taylor, người bày tỏ quan ngại rằng Morrison đã thông báo với ông về sự “đổi chác” với Ukraine.

Morrison, người từ chức hôm 30/10, khai rằng: “Tôi có thể xác nhận rằng tính thực chất trong tuyên bố của ông ta, vì có liên quan đến cuộc trò chuyện của tôi và ông ta, là chính xác”. Các điều tra viên cũng đã triệu tập cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump là John Bolton để lấy lời khai. Tóm lại, đến thời điểm này, dẫu Nhà Trắng đã lên tiếng chỉ trích nghị quyết vừa thông qua là “vi hiến”, thì ông Trump cũng khó lật lại thế cờ hiện nay, và điều đó đồng nghĩa nhà lãnh đạo này sắp sửa trải qua những ngày tháng khó khăn thực sự, nhất là trong bối cảnh cuộc chạy đua tái nhiệm của ông đã rất cận kề.