(Baonghean) Tuyến đường thủy dọc lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương) ngày càng trở nên tấp nập và nhộn nhịp với sự tham gia giao thông của người dân 3 xã vùng lòng hồ (Hữu Khuông, Nhôn Mai và Mai Sơn). Đó là chưa kể người dân một số bản thuộc xã Mỹ Lý, Keng Đu và người dân các khu tái định cư ở Thanh Chương về vùng quê cũ để làm ăn cũng có nhu cầu đi lại dọc lòng hồ. Vì thế, mỗi ngày có hàng chục lượt thuyền máy với hàng trăm lượt khách ngược xuôi lòng hồ bản Vẽ. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trên tuyến giao thông đường thủy này gần như vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Một ngày cuối tháng 8/2012, chúng tôi lên xã Hữu Khuông, Tương Dương. Đến bến Thượng Lưu, gần chân đập Thủy điện Bản Vẽ, thấy có đến hàng chục chiếc thuyền máy đang neo đậu, hành khách chen chúc lên xuống. Theo quan sát, hầu hết các chiếc thuyền đều trang bị một áo phao, còn số lượng thuyền trang bị phao cứu sinh cho hành khách rất ít. Trong thời gian ngồi chờ thuyền đủ lượng khách, chúng tôi nhận thấy hầu như hành khách trên các con thuyền cập bến cũng như rời bến đều không mặc áo phao.

Gần trưa, chiếc thuyền máy đi Hữu Khuông “bắt” đủ khách và rời bến. Chiếc thuyền này chở tới 17 hành khách, đó là chưa kể một số lượng lớn hành lý và các loại hàng hóa được chất lên. Hầu hết hành khách đi trên thuyền ông Phòng đều không mặc áo phao, số áo phao trên thuyền lúc này khoảng 10 chiếc, được khách dùng lót vào dọc mạn thuyền để kê lưng. Ngồi bên cạnh tôi là bà Vi Thị Vân ở bản Xàn, xã Hữu Khuông. Hỏi lý do không mặc áo phao, bà Vân trả lời: “Lâu nay không có ai mặc áo phao cũng có xẩy ra vấn đề gì đâu. Ngay cả hồi chưa tích nước lòng hồ, sông chảy xiết, nhiều thác ghềnh cũng không mấy người mặc”.

781041_small_80901.jpg

      Hầu hết hành khách không mặc áo phao khi đi thuyền trên hồ Thủy điện Bản Vẽ.

Được biết, lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ có dung tích 1,8 tỷ m3, mực nước bình thường là 200 m, có chiều dài trên 50 km. Thời điểm hiện tại đang là mùa mưa lũ, thời tiết diễn biến thất thường, nguy cơ tố lốc, nước đột ngột dâng cao và sạt lở đất thường xuyên đe dọa ảnh hưởng đến lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ. Đó là chưa kể các loại gỗ củi, tre nứa trôi dạt trên lòng hồ đôi khi có thể trở thành chướng ngại vật, đe dọa đến sự an toàn đối với những chiếc thuyền máy đang lưu hành với vận tốc lớn. Trong khi đó, hầu hết các chủ phương tiện và hành khách đều chưa có ý thức chấp hành những quy định của Luật Giao thông đường thủy. Do đó, nếu không may xẩy ra sự cố khi lưu hành dọc lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, chắc chắn hậu quả sẽ khó lường.

Trước thực trạng này, các ban ngành chức năng cần tích cực vào cuộc để vận động, tuyên truyền các chủ phương tiện và hành khách tuân thủ triệt để quy định của Luật Giao thông đường thủy. Đồng thời, nghiêm túc xử lý những trường hợp cố tình vi phạm để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi lưu hành dọc lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ.


Hồ Thị Quỳnh (Sinh viên thực tập)