(Baonghean.vn) - Nguyễn Biểu làm quan vào thời Hậu Trần, quê ở làng Bình Hồ, huyện La Sơn, trấn Nghệ An. Ông đỗ Thái học sinh cuối thời Trần. Khi Trần Trùng Quang lên ngôi, Nguyễn Biểu được phong chức Điện tiền thị ngự sử. Ông lưu danh trong sử sách bằng tấm gương trung thần, nghĩa liệt.
Khi giặc Minh sang xâm lược, ông phò giúp Trần Quý Khoáng (Trùng Quang đế) tổ chức lực lượng khởi nghĩa nhà Hậu Trần, năm 1413 quân Minh vào uy hiếp Nghệ An, vua Trần đã sai Đài quan Nguyễn Biểu làm sứ cầu phong, bị Trương Phụ giữ lại. Để thử lòng ông, Trương Phụ dọn “cỗ đầu người’’, ông ung dung móc mắt ăn và tức cảnh làm bài thơ “Ăn cỗ đầu người” nổi tiếng, thấy thế Trương phụ tha cho đi, song Phan Liêu đã can ngăn Trương Phụ và bắt ông trở lại.
Trước khí phách của ông, giặc đã giết ông bằng việc buộc vào chân cầu bên bờ sông Lam để thuỷ triều dâng lên dìm chết. Đó là vào ngày 1/7 năm Quý Tỵ (1413). Tướng giặc Trương Phụ sau khi hèn hạ giết ông đã phải thốt lên: "Thật là một bậc tráng sĩ, là một hào kiệt nước Nam". Chuyện xảy ra khi Trương Phụ nhà Minh đóng quân ở núi Nghĩa Liệt thuộc đất Nghệ An; Trùng Quang đế đắp thành phía nam Chi La đối lũy với nhau…
Sau nhiều ngày công lao động, người dân xóm 8 – Hưng Xuân đã có một nơi để thắp hương tưởng niệm Nguyễn Biểu.
Sau chiến thắng giặc Minh, nhân dân miền Nghệ An - Hà Tĩnh lập đền, miếu thờ Nguyễn Biểu. Vua Lê Thái Tổ truy phong ông là Nghĩa vương. Các triều đại sau cũng đều truy phong ông làm Phúc thần. Ở làng Yên Thái (nay là xóm 8 xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên) có đền thờ Nguyễn Biểu nằm sát bên dòng sông Lam, qua bao năm tháng với nhiều biến động của lịch sử và thiên tai, nay chỉ còn lại một bãi đất và mấy bức tường đổ nát. Thời gian qua, nhân dân địa phương đã góp công, góp của tu sửa lại đền.
Ông Nguyễn Xuân Tứ - Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Hưng Xuân- Hưng Nguyên cho biết: Năm 2007 từng có một cuộc hội thảo về Nguyễn Biểu được tổ chức ở TP.Vinh, người dân quê tôi ai cũng nghĩ sớm muộn gì đền thờ của cụ Nguyễn Biểu cũng được phục dựng, thế nhưng mãi mà vẫn không thấy. Với mong muốn có được một nơi thờ cúng ông, người dân xóm 8 xã Hưng Xuân đã góp công, góp của để sửa sang, phục dựng lại nơi thờ tự của Cụ. Biết là làm như thế này không xứng tầm với di tích lịch sử, nhưng người dân tự nguyện góp được từng nào thì làm từng đó thôi !
Làm đường từ bờ đê sông Lam để đi xuống khu vực miếu thờ.
Thanh niên thì tham gia đào đất, đắp nền.
Ông Nguyễn Văn Hùng ở xóm 8, Hưng Xuân, cho biết thêm: Để sửa sang lại khu vực xung quanh ngôi đền cũ, người dân đã đóng góp hàng trăm ngày công, có những ngày có đến hơn 50 người cùng tham gia đào đắp, san nền, làm đường đi và dọn vệ sinh ở khu vực xung quanh đền. Người thì góp cái lư hương, người thì vài tạ xi măng, người nào biết làm thợ xây thì tham gia tu sửa lại phần miếu thờ, chị em phụ nữ tham gia làm vệ sinh, thanh niên trai tráng thì đào đất, san nền…
Việc bà con xóm 8 xã Hưng Xuân tự nguyện phục dựng lại đền thờ Nguyễn Biểu là việc làm đáng trân trọng. Bởi về khách quan, những năm qua, nhiều địa phương trong cả nước đã làm tốt công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia tích cực, hiệu quả của người dân trong việc đóng góp kinh phí, ngày công để tôn tạo, tu sửa các di tích lịch sử, góp phần quan trọng bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, thúc đẩy phát triển du lịch. Việc khôi phục, lưu giữ và phát huy giá trị các di tích lịch sử là việc làm cần thiết để tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống lịch sử của quê hương, dân tộc. Tuy nhiên, để khôi phục lại một di tích như đền thờ Nguyễn Biểu ở xã Hưng Xuân, theo quy định cần phải qua rất nhiều trình tự với sự vào cuộc khảo sát, tham vấn về chuyên môn của ngành chức năng và sự cho phép của cấp thẩm quyền.
Vì vậy, về phía bà con nhân dân xóm 8 xã Hưng Xuân cần phải tiến hành phục dựng đền một cách hợp lý. Về phía chính quyền các cấp, nên chăng sớm vào cuộc để giúp người dân được đáp ứng nguyện vọng thành kính, tri ân với bậc danh thần trung liệt Nguyễn Biểu, mà tấm gương hy sinh vì nước vì dân của ông mãi trường tồn cùng lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của Dân tộc. Mặt khác, là để đền thờ Nguyễn Biểu phát huy đúng nghĩa là một di tích lịch sử trong ý nghĩa giáo dục truyền thống cho hậu thế mai sau./.
Phục dựng Đền thờ Nguyễn Biểu – Có nên để dân tự làm ?
Thùy Vinh