(Baonghean) - Qua kiểm tra, có hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có dấu hiệu sai phạm, ban hành chậm, chưa thực hiện đúng quy trình đang là những tồn tại, hạn chế trong công tác ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh. Thực trạng trên đòi hỏi cần có sự chấn chỉnh kịp thời.
Trong những năm qua, công tác ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh đã thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của từng địa phương.
Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, rà soát việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL của Sở Tư pháp và phòng tư pháp các địa phương đã phát hiện có hàng trăm văn bản được ban hành có dấu hiệu trái pháp luật. Năm 2013, qua kiểm tra 9 đơn vị cấp huyện đã phát hiện 24 văn bản sử dụng căn cứ pháp lý không đúng quy định, 9 văn bản ban hành không đúng hình thức và trình tự thủ tục, 65 văn bản trái thẩm quyền hoặc có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật, 1 văn bản không được rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời và 313 văn bản sai sót về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.
Trong năm 2014 và quý I năm 2015 đã phát hiện 21 văn bản do UBND tỉnh ban hành có dấu hiệu trái pháp luật. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra văn bản QPPL của Sở Tư pháp đã tiến hành kiểm tra tại 10 đơn vị cấp huyện, qua đó phát hiện 470 văn bản ban hành có dấu hiệu trái pháp luật. HĐND và UBND các huyện, thành phố, thị xã đã tiến hành tự kiểm tra 135.363 văn bản và qua đó đã phát hiện 1.048 văn bản QPPL có dấu hiệu trái pháp luật.
Bà Quế Thị Trâm Ngọc, Phó phòng xây dựng văn bản QPPL, Sở Tư pháp, cho biết: Các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật chủ yếu là sai về thẩm quyền, sai về thể thức, sử dụng căn cứ pháp lý không đúng quy định... “Có những trường hợp, khi thẩm định thì thuộc văn bản QPPL nhưng khi ban hành vẫn lấy số văn bản cá biệt hoặc ban hành văn bản ngoài chương trình, nội dung là văn bản QPPL nhưng lại ban hành dưới hình thức văn bản cá biệt. Việc văn bản QPPL nhưng lấy số văn bản cá biệt làm giảm tính pháp lý, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện trong thực tiễn. Sau khi kiểm tra và phát hiện các sai sót trên, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành và các địa phương tiến hành xử lý và khắc phục kịp thời. Vì vậy, các văn bản này chưa gây tác động hay những hệ quả không tốt đến công tác chỉ đạo, điều hành cũng như thực hiện”.
Mặc dù đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về chương trình xây dựng văn bản QPPL nhưng việc thực hiện còn chậm so với thời gian đăng ký. Bên cạnh đó, các văn bản ban hành ngoài chương trình vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, số lượng văn bản lùi thời gian, đề xuất đưa ra khỏi chương trình còn quá nhiều, tình trạng lấy số văn bản QPPL và số văn bản cá biệt đang còn chồng chéo nhau. Hồ sơ của một số đơn vị chưa đảm bảo, nhất là tình trạng thiếu dự thảo Tờ trình và ý kiến góp ý của các đơn vị, đối tượng chịu ảnh hưởng vào dự thảo nên dẫn đến việc kéo dài thời gian thẩm định văn bản.
Ông Lê Bá Thiệu, Trưởng phòng kiểm tra và theo dõi thi hành án văn bản (Sở Tư pháp) cho biết: Nguyên nhân của tình trạng trên là do các cơ quan phân công chủ trì, soạn thảo văn bản còn thiếu chủ động trong công tác tham mưu, soạn thảo văn bản. Chất lượng tham mưu còn sơ sài, chiếu lệ, thậm chí có trường hợp sao chép lại văn bản của Trung ương. Một số huyện, xã khi ban hành văn bản vẫn chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa thường xuyên việc gửi văn bản cho Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp để kiểm tra theo quy định tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP. Một số đơn vị cấp huyện không thực hiện việc tự kiểm tra, xử lý và báo cáo kết quả xử lý văn bản trái pháp luật sau khi được kiểm tra cho Sở Tư pháp theo quy định.
Trước những tồn tại và hạn chế trên thì việc tăng cường công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL cần được các cấp, ngành quan tâm đặc biệt. Ông Hoàng Quốc Hào, Giám đốc Sở Tư pháp đánh giá: Thông qua hoạt động kiểm tra, những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, lạc hậu, bất hợp pháp được loại bỏ làm cho hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch và góp phần đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của văn bản. Ngoài ra, hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có thể phát hiện và xử lý nhanh chóng, kịp thời những văn bản khiếm khuyết, giúp lập lại trật tự trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản QPPL cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh; góp phần nâng cao, phát huy hiệu quả quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL cần nâng cao hơn nữa nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo cấp huyện trong công tác xây dựng văn bản QPPL. Đối với các phòng tư pháp địa phương cần bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó cần sớm triển khai xây dựng và thực hiện đề án thành lập Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; quan tâm tuyển chọn, bố trí đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn, phẩm chất trực tiếp tham mưu công tác xây dựng văn bản QPPL và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra văn bản QPPL. Các cấp, các ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL.
Nguyên Hưng