(Baonghean) - Năm 2009, “Mô hình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV tại gia đình và cộng đồng” bắt đầu được triển khai tại huyện Đô Lương và TP Vinh. Sau 4 năm, đã có 754 người có H, 592 người thân được chăm sóc, hỗ trợ về vật chất, tinh thần… Mô hình này đã góp phần tích cực trong cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS của hai địa bàn này nói riêng và tỉnh ta nói chung.

Thành phố Vinh hiện có 9 tổ chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV tại gia đình và cộng đồng, tổ chăm sóc của phường Hà Huy Tập là một trong số đó. Tổ chăm sóc này gồm có 3 người: 1 cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ, 1 cán bộ dân số và 1 cán bộ Trạm Y tế phường. Trong 4 năm qua, tổ đã thực hiện nhiệm vụ chăm sóc cho 42 người có H (theo danh sách phường nắm). Công việc cụ thể là tiếp cận những người có H để tuyên truyền, hướng dẫn người mắc bệnh đến các phòng khám để được tư vấn, chữa trị; hướng dẫn các kỹ năng phòng, chống dịch bệnh HIV/AIDS; cấp phát bao cao su khi có yêu cầu … Chị Vũ Thị Thanh Dung, thành viên tổ chăm sóc phường Hà Huy Tập cho biết: Cái hay của mô hình là tiếp cận với người có H không phải là tư cách của một nhân viên y tế nhưng vẫn thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe. Bí quyết để làm tốt việc chăm sóc này cũng như để mô hình thành công không ngoài sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc từ phía tổ viên đến với người có H.

792853_small_94116.jpg

Tổ chăm sóc phường Hà Huy Tập (TP Vinh) tư vấn cho thân nhân người có H.

Thời gian qua, tổ chăm sóc ở phường Hà Huy Tập đã được sự hỗ trợ tích cực của anh Phan Văn Kiên, một người có H, Chủ nhiệm Hợp tác xã Sông Lam Xanh. Bản thân là người có H nhưng Kiên luôn lạc quan yêu đời và cũng mong muốn những người đồng cảnh cũng có sự tự tin, có sức khỏe để vươn lên trong cuộc sống. Vậy nên, mỗi khi có những người còn tự ti, lảng tránh sự chăm sóc thì Kiên đều có mặt, đồng hành, cùng thuyết phục… Anh Phan Văn Kiên chia sẻ: Nhiều người có H sức khỏe không tốt, thường đau ốm bất ngờ, những lúc ấy tổ chăm sóc lại có mặt, lo lắng thuốc men cũng như thăm hỏi, động viên và tặng quà; nhiều người đã được tổ, Hội Phụ nữ phường tạo điều kiện vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế hộ. Những người có H đều nhận thấy mô hình này đem lại những lợi ích rất thiết thực, giúp chúng tôi vượt qua tổn thương, thêm tin yêu cuộc sống.

Tính đến nay, ở TP. Vinh đã có 18 nhân viên trực tiếp thực hiện chăm sóc cho người có H tại 12 phường, xã; qua đó thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ 361 người, trong đó người đang điều trị ARV là 186. Các tổ, nhân viên tham gia mô hình đã duy trì hoạt động chăm sóc theo định kỳ và đột xuất khi có yêu cầu (mỗi tháng từ 2-3 lần).

Tương tự như TP Vinh, “Mô hình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV tại gia đình và cộng đồng” đã thực sự chia sẻ khó khăn với người có H tại huyện Đô Lương. Ông Phan Văn Hùng, Giám sát viên đơn vị, Giám đốc Trung tâm Dân số huyện Đô Lương cho hay: Có 30/33 xã, thị trấn ở huyện có người nhiễm H, trong đó có 12 xã, thị trấn được chọn tham gia thí điểm mô hình, song có tới 16 xã, thị trấn có người tham gia chương trình. Tổng số người có H được chăm sóc tại nhà là 395/418 người, trong đó 38 người đã chuyển AIDS và 6 trẻ em dưới 6 tuổi, số người đã được trợ cấp lương thực thường xuyên là 13 người.

Trong năm 2012 và 3 tháng của năm 2013, các nhân viên chăm sóc đã tiến hành 3.892 buổi chăm sóc tại nhà cho người có H, chuyển gửi 422 lượt người đến các cơ sở dịch vụ  hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe thể chất cho 7.712 lượt người; tổng số lượt hỗ trợ tâm lý, cảm xúc là 3.125 lượt, hỗ trợ về mặt xã hội 2.340 lượt, tư vấn hỗ trợ tâm linh, tinh thần 2.605 lượt… Ở Đô Lương, các nhân viên chăm sóc đều là người có uy tín trong cộng đồng nên đã làm tốt mối quan hệ với các tổ hợp kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn để giải quyết việc làm cho người có H. Chỉ tính từ tháng 10/2012 đến tháng 2/2013 đã giải quyết cho 12 người có việc làm ổn định, đưa tổng số người nhiễm được giải quyết việc làm trên 57 người, có thu nhập từ 2,4 – 3,3 triệu đồng/tháng.

Theo ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh thì so sánh với mục tiêu ban đầu của mô hình là cung cấp dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV tại gia đình và cộng đồng nhằm tăng tỷ lệ bệnh nhân tiếp cận sớm với dịch vụ điều trị bằng thuốc ARV, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử của xã hội với người nhiễm HIV thì rõ ràng hiệu quả do mô hình đem lại đã hơn thế.

Cùng với các chương trình, dự án mà Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Nghệ An đã và đang triển khai, cũng như sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh, thực tế “Mô hình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV tại gia đình và cộng đồng” là một cách làm hay để phòng chống, giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS.


Thành Chung