(Baonghean) - Thời gian gần đây, các doanh nghiệp dệt may từng bước quan tâm cải thiện cuộc sống cho người lao động, tạo động lực để công nhân tích cực sản xuất, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Lý, quê ở xã Long Thành (Yên Thành) có 2 năm làm việc tại Công ty TNHH MLB TENERGY (100% vốn của nhà đầu tư Nhật Bản) ở Thị trấn Yên Thành. Năm đầu tiên thu nhập được hơn 3 triệu đồng/tháng, nay tăng lên gần 4 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy, cuộc sống cũng ngày càng ổn định. Cùng làm việc tại nhà máy này, chị Cao Thị Khương, quê ở Minh Thành (Yên Thành) chia sẻ: Tại nhà máy chúng tôi được tham gia đầy đủ chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp… được hưởng các chế độ thăm nom ốm đau, thai sản, được phát 2 bộ đồ bảo hộ lao động/năm. Đặc biệt các chế độ phụ cấp trước đây hưởng thấp nay đã được nâng lên. Cụ thể là năm 2013, bữa ăn trưa chỉ được 12.000 đồng/người, nay nâng lên 15.000 đồng/người, phụ cấp xăng xe từ 70.000 đồng/người/tháng tăng lên 80.000 đồng/người/tháng. Nếu tính cả chi phí tăng thêm ca lao động, thu nhập đạt từ 3,7 - 3,9 triệu đồng/người/tháng. Theo chị Minh, nhà máy ở gần nhà nên không mất chi phí thuê phòng trọ, vì thế mức thu nhập đó góp phần rất lớn cải thiện cuộc sống.

images1199937_nha_an_kiem_nha_de_xe_cua_cong_ty_tnhh_prex_vinh_dang_thi_cong_.jpgNhà ăn kiêm nhà để xe của Công ty TNHH Prex Vinh đang được thi công.

Cùng với nâng cao thu nhập cho người lao động, nhà máy lắp đặt hệ thống điều hòa, hệ thống thông gió cải thiện môi trường làm việc cho công nhân. Anh Hoàng Văn Ngọc, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MLB TENERGY cho biết: Năm 2013 tại nhà máy cũng đã xảy ra vụ việc đình công, nguyên nhân là  mức lương quá thấp, đời sống công nhân chưa đảm bảo. Chúng tôi đã có đề xuất lên Liên đoàn Lao động huyện Yên Thành, và cùng phối hợp với chính quyền địa phương, nhà máy để giải quyết. Công đoàn Công ty đã xây dựng nội quy lao động với những quy định rõ ràng và phù hợp với đặc thù ngành nghề; ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung bảo đảm lợi ích cho người lao động. Đến nay, nhà máy đã quan tâm, chăm lo tới người lao động hơn nên 500 công nhân của đơn vị yên tâm gắn bó, góp phần giúp DN  phát triển bền vững.

Đối với Công ty TNHH Prex Vinh đóng tại cụm công nghiệp Lạc Sơn (Đô Lương), sau vụ việc trên 1.000 lao động đình công tháng 7/2013, công ty này đã dần thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lao động, quan tâm chăm lo đời sống, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Ông Nguyễn Đăng Hồng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đô Lương cho hay: Trước đây các chế độ, quyền lợi lao động về tiền lương, tiền tăng ca, tiền ăn trưa… không được đảm bảo. Cách đối xử của lãnh đạo công ty chưa phù hợp, khiến công nhân cảm thấy không được tôn trọng. Trước tình hình đó, lãnh đạo huyện, Liên đoàn Lao động huyện và công ty đã cùng vào cuộc để giải quyết những vướng mắc. Đến nay, công ty đã thực hiện đầy đủ các chế độ thưởng cho công nhân; động viên, giúp đỡ cán bộ công nhân viên khi ốm đau, gia đình có việc hiếu, hỷ; thực hiện đầy đủ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Đặc thù của nghề may mặc là môi trường làm việc phát sinh rất nhiều bụi, tiếng ồn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Vì thế, công ty bố trí các chuyền may hợp lý, đảm bảo an toàn, thuận lợi cho người lao động trong quá trình sản xuất, đầu tư hệ thống trang thiết bị thông gió, hút bụi làm giảm nhiệt độ trong nhà xưởng và giảm thiểu bụi, tiếng ồn, trang bị hệ thống đèn đảm bảo cung cấp đủ ánh sáng theo tiêu chuẩn để không gây hại mắt cho người lao động. Hiện nay, Công ty TNHH Prex Vinh đang xây dựng nhà để xe, bếp ăn tập thể đáp ứng cho trên 4.000 công nhân, dự kiến tháng 11/2015 sẽ đưa vào sử dụng.

l Công nhân Nhà máy may Công ty TNHH MLB TENERGY ở Yên Thành.

Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng so với mặt bằng các ngành nghề khác thì đời sống, việc làm, môi trường làm việc của công nhân lao động may mặc vẫn còn nhiều khó khăn. Một số công nhân may của các công ty có những đề xuất tăng các chế độ phụ cấp, tăng khẩu phần ăn trưa, bởi bữa ăn còn đạm bạc, chưa đủ dinh dưỡng, công nhân không đảm bảo sức khỏe để làm việc; tiếp tục quan tâm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân…

Trên địa bàn Nghệ An hiện có trên 150.000 công nhân, trong đó công nhân may mặc, thêu… khoảng trên 10.000 người, chủ yếu tập trung tại các nhà máy may ở các huyện Yên Thành, Đô Lương, Diễn Châu, Nam Đàn, khu công nghiệp Bắc Vinh… Thu nhập của công nhân đã từng bước được cải thiện, cơ bản các nhà máy đảm bảo lợi ích cho người lao động, như tăng lương đúng quy định, người lao động được đóng đầy đủ các loại bảo hiểm. Đặc biệt các nhà máy đều có phụ cấp cho công nhân tùy theo doanh thu. Một số nhà máy tập trung cải tạo cơ sở hạ tầng, đáp ứng nơi làm việc cho công nhân đảm bảo sản xuất an toàn, vệ sinh môi trường… Tuy nhiên, mức lương của công nhân may vẫn còn thấp so với các ngành nghề khác. Nhiều nhà máy chưa có chỗ ở cho công nhân, nên lực lượng này phải thuê nhà trọ tạm bợ, ẩm thấp, thiếu thốn tiện nghi sinh hoạt. Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa bảo đảm điều kiện về vệ sinh môi trường, chế độ bảo hộ lao động, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi và rất ít chăm lo tới đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động.

Để phát triển bền vững, các nhà máy may cần thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại với người lao động, nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giải quyết những kiến nghị chính đáng, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, vì sự phát triển của chính các doanh nghiệp và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân.


Vương Trần