(Baonghean) - Để phát huy tiềm năng kinh tế rừng, hàng năm, Đảng ủy xã Tam Quang (huyện Tương Dương) giao các chi bộ và cán bộ, đảng viên xung kích, gương mẫu  xây dựng các mô hình trồng rừng hiệu quả. Từ cách làm đó, đến nay, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện học hỏi, phát triển kinh tế vườn đồi, từng bước thoát nghèo.

Bản Tam Bông, xã Tam Quang có 2.570 ha có thể trồng rừng, đất rộng như vậy nhưng trong thời gian dài, do tư tưởng trông chờ, ỷ lại nên nhiều lần xã giao đất mà các hộ không muốn nhận. Chính vì vậy, vận động người dân lúc này là một cuộc cách mạng về tư tưởng. Với trách nhiệm của người đảng viên và Trưởng khối dân vận của xã, đồng chí Kha Văn Toàn, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã xác định mình phải làm trước, bà con mới tin, làm theo.
 
Ngoài việc vận động người thân, bà con trong bản nhận thấy lợi ích của việc trồng rừng, 2 vợ chồng anh Toàn đã đứng ra nhận khoán 17 ha trồng rừng. Từ năm 2008, gia đình anh trồng 7 ha mét cùng hơn 2 ha keo và xoan. Tiếp đó, năm 2012, gia đình tiếp tục đầu tư xây chuồng nuôi lợn, gà và cải tạo ao thả cá. Đến nay, ngoài 7 ha mét đã cho thu hoạch khoảng 70 triệu đồng/năm; mỗi năm gia đình anh nuôi gần 100 con lợn, sản lượng xuất bán trên 7 tấn. 
 
images1153964_m__h_nh_chan_nu_i_l_n_t_p_trung_c_a_ch__kha_th__nhu_n_t_i_b_n_tam_b_ng.jpgMô hình chăn nuôi lợn tập trung của chị Kha Thị Nhuận ở bản Tam Bông.
 
Hiện nay, bên cạnh mô hình của đồng chí Toàn,  gia đình Bí thư Đảng ủy xã Lô Văn Lý trồng 10 ha mét. Từ sự đi đầu và thành công của các mô hình do cán bộ, đảng viên xây dựng, bà con dân bản đã mạnh dạn nhận đất trồng rừng. Không chỉ trồng rừng, bà con bản Tam Bông còn phát triển mô hình nuôi dúi khá hiệu quả. Mặc dù mới tiến hành khoảng 3 năm nay nhưng đàn dúi của gia đình ông Kha Văn Dần lúc nào cũng đắt khách vì trong chuồng luôn có trên dưới 50 con; thu nhập hàng chục triệu đồng/năm.
 
Trước khi nuôi dúi, ông Dần từng nuôi thử nghiệm nhiều loại con khác nhưng đến nay, ông xác định con dúi là phù hợp. Qua quan sát điều kiện sống của dúi, ông tự mày mò làm chuồng, sau đó nhân giống. Loài dúi khá dễ nuôi, chủ yếu ăn cám và ngô. Mỗi năm có thể nuôi 2 lứa. Dúi bán có trọng lượng từ 900 đến 1,5 kg. Nếu bán thương phẩm, giá 300 ngàn đồng/kg, còn bán làm giống thì 600 ngàn đồng/cặp. Khi bán con giống, ông Dần còn trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng, chăn nuôi dúi cho bà con …    
 
Còn ở bản Tam Liên, có phong trào trồng mét phát triển nhất xã Tam Quang. Bí thư kiểm Trưởng bản Lương Sĩ Thoại tự hào khoe: “Cả bản có 118 hộ nhưng trồng khoảng gần 200 ha mét”. Tìm hiểu được biết, ông Lương Thế Vinh (57 tuổi) bắt đầu trồng mét từ năm 2008, đến nay, ông khẳng định giá trị cây mét là bền vững, phù hợp nhất với điều kiện đất đai và trình độ canh tác của người dân Tương Dương. Một trong những ưu điểm của cây mét mà ông thường đưa ra để vận động anh em, bà con mình trồng là cây mét không bao giờ bị ế; giá bình quân từ 7 - 19 ngàn đồng/cây tùy theo loại và từng thời điểm,  lúc nào cũng bán được. Với thu nhập gần 10 triệu đồng/ha/năm, cây mét không phải cây làm giàu nhưng là cây xóa nghèo hiệu quả.
 
Ông Vinh từng làm Trưởng bản Tam Liên, trong thời gian từ 2005 - 2009, giai đoạn đó, ông đã vận động được dự án Pù Mát hỗ trợ thí điểm khoanh nuôi 42 ha mét cho bà con trong bản. Bên cạnh tích lũy kinh nghiệm trông, chăm sóc, khai thác mét hiệu quả, ông Vinh sẵn sàng hướng dẫn và cung cấp giống mét cho bà con trồng. Mỗi năm, vườn mét của ông cho thu nhập ổn định 50 triệu đồng/năm, đảm bảo cuộc sống cho gia đình. Ông Vinh thường căn dặn mọi người rằng: “Công làm là công bỏ, công dọn cỏ mới là công ăn”  bởi vào mùa măng phải chăm sóc, bảo vệ mét khỏi trâu, bò phá hoại thì mới có thu hoạch. Đến nay, xã Tam Quang ngày càng có nhiều hộ trồng mét với diện tích trên 2.000 ha, nguồn thu từ cây mét, mỗi năm vài tỷ đồng.
 
Đồng chí Lô Văn Lý, Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang cho biết: “Để phong trào trồng rừng và chăn nuôi trên địa bàn xã có chuyển biến như hôm nay là nhờ xã triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 02 của BCH Đảng bộ huyện về phát triển kinh tế chăn nuôi và trồng rừng. Đảng bộ xã còn ban hành Nghị quyết số 87 về khai thác, sử dụng đất bằng, đất đồi để phát triển chăn nuôi, trồng rừng, trong đó xác định việc xây dựng, hình thành mô hình để vận động bà con làm theo, từng bước thoát nghèo. Quá trình đó, các cán bộ, đảng viên và người có uy tín tiến hành làm trước để chứng minh hiệu quả cho đồng bào làm theo”. Đến nay, xã Tam Quang có 16 mô hình cho thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/năm. Mặc dù chưa thành “tỷ phú” nhưng các mô hình đã góp phần đáng kể nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần đưa thu nhập bình đầu người của xã đạt 19 triệu đồng/năm, hiện tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 59,7% xuống còn 31,18% cuối nhiệm kỳ.
 
Nguyễn Hải