Cây cầu do dòng họ Đinh xây dựng
Lần tìm về lịch sử cây cầu chỉ còn trong quá vãng, tôi được Bí thư Đảng ủy xã Nghi Long Lê Văn Nghĩa giới thiệu gặp ông Đinh Văn Tam, một hậu duệ của dòng họ Đinh Kim Khê hiện đang sinh sống tại phường Đội Cung (TP. Vinh) và được ông kể nghe nhiều câu chuyện thú vị về cây cầu cũng như dòng họ nổi tiếng của mình.
Ông Tam cho hay: Cầu Khoa Trường được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII mà chủ công khởi xướng và xây dựng là hai anh em Đinh Trọng Thư và Đinh Hồng Phiên - người làng Ông La Giáp, tổng Kim Nguyên, huyện Chân Lộc (nay là xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Ông Đinh Trọng Thư và em trai là Đinh Hồng Phiên làm quan thời nhà Lê. Khi nhà Lê mất, các ông từ quan về quê dạy học, không hợp tác với nhà Tây Sơn. Cầu được xây dựng trong thời gian đó và được đặt tên là Khoa Trường với tâm nguyện là dòng họ mãi giữ được truyền thống khoa bảng dài lâu.
Cầu gồm 3 nhịp, 2 móng làm bằng đá đỏ, dài 30m, rộng 6m làm kiểu “thượng gia hạ kiều” có 4 trụ bằng gỗ lim, phía trên có mái ngói che uốn cong hình đuôi rồng. Toàn bộ cầu đều được làm bằng gỗ lim. Hai bên có lan can, có ghế dọc cho khách nằm, ngồi nghỉ chân, hóng mát. Lý do xây dựng cầu Khoa Trường là giúp đỡ dân sinh trong việc giao thông thì ai cũng thấy, còn có lý do riêng mà chỉ anh em nội tộc tự hiểu với nhau là tạo dựng công đức cho con cháu.
Cả ông Lê Văn Nghĩa và Đinh Văn Tam đều còn nhớ như in, lúc còn nhỏ, các ông từng nhiều lần đi qua lại cây cầu này vì cầu nối liền xã Nghi Long với các xã như Nghi Thịnh, Nghi Xá. Theo sách Lịch sử truyền thống xã Nghi Long thì đến năm 1980 cầu Trường được dỡ bỏ, song cây cầu vẫn nằm trong tâm thức, là niềm tự hào của nhiều người dân xã Nghi Long.
Dòng họ văn, võ song toàn
Họ Đinh Kim Khê là một dòng họ nổi tiếng trong lịch sử, văn, võ song toàn. Ông Đinh Hồng Phiên có tiếng giỏi thơ văn, ra làm quan cho nhà Nguyễn, từng được cử làm Phó Chánh sứ đi sứ nhà Thanh. Năm 1822, con trai trưởng của cụ Đinh Hồng Phiên là Đinh Văn Phác thi đậu và là 1 trong 8 tiến sỹ khai khoa của triều Minh Mạng. Ông Đinh Văn Phác là con rể của Đại thi hào Nguyễn Du. Do liên quan tới cuộc khởi binh của Lê Văn Khôi nên cụ Đinh Hồng Phiên bị triều đình nhà Nguyễn thời Minh Mạng nghị án tru di tam tộc. May mắn là một người cháu của cụ Đinh Hồng Phiên và là con trai của Đinh Văn Phác là Đinh Văn Kế được dân làng chở che đem nuôi giấu nên thoát chết.
Ông Đinh Văn Kế không dám đi thi ở nhà làm thuốc mưu sinh và trả nghĩa cho dân làng. Các con của Đinh Văn Kế đều học hành đỗ đạt, trong đó có ông Đinh Văn Chất đậu tiến sỹ năm 1875. Khi làm tri phủ Nghĩa Hưng, Đinh Văn Chất nổi tiếng liêm cần được Vua Tự Đức ban cho Kim khánh trên mặt khắc 4 chữ “Liêm, bình, cần, cán”.
Trong một bài nghiên cứu về ông Đinh Văn Chất, nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh viết: “Tổng thành Nam Định thất thủ, binh thuyền giặc Pháp bao vây phủ thành Nghĩa Hưng. Ông đóng chặt cửa thành, cùng sĩ phu yêu nước, quân dân tổ chức lực lượng đào hào, đắp công sự chiến đấu. Giặc Pháp liên tục nã pháo phá hoại phủ đường và các công trình dân sinh nhưng ông vẫn mũ áo chỉnh tề, nghiêm trang ngồi giữa phủ đường, bày sẵn trước mặt một cây gươm và một chén thuốc độc thề cùng sống chết đánh giặc, quyết không chịu đầu hàng. Quân lính thấy vậy chiến đấu càng hăng, làm cho giặc không thể tiến vào thành, bèn dùng chiêu bài dụ hàng, nhưng ông không nghe. Quân Pháp đành phải rút lui khỏi cuộc vậy thành Nghĩa Hưng”.
Năm 1883, Pháp chiếm toàn tỉnh Nam Định, ông phụng chiếu làm Thanh Hóa Thương biện quân vụ, rồi được phong làm Sơn phòng Chánh sứ, tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp. Sau đó, do các quan triều yếm thế, để giặc lấn lướt, dẫn đến lực lượng chống địch yếu dần và thất bại, ông trở về quê nhà Nghi Lộc cùng với sĩ phu, văn thân chiêu tập nghĩa quân, dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp và liên kết với các lực lượng khởi nghĩa do các sĩ phu, văn thân khác lãnh đạo.
Lúc đầu thanh thế nghĩa quân khá mạnh, đóng quân dọc theo Tây Nam Diễn Châu, Tây Bắc Nghi Lộc, Đông Bắc Nghi Xuân (Hà Tĩnh) theo thế dàn bày doanh trại, co cơ đội, biên chế đội ngũ, có súng lệnh, cờ hiệu làm mệnh lệnh; chiêu mộ thợ lành nghề, xây dựng xưởng rèn đúc vũ khí. Em ông là Đầu xứ Uyển cùng hai con là Đinh Văn Côn, Đinh Văn Thiều cùng tham gia nghĩa quân với Đinh Văn Chất. Sau nghĩa quân chuyển lên lập căn cứ kháng Pháp tại Thanh Chương.
Tại căn cứ ở Thanh Chương, Pháp vây chặt, chặn hết đường vận chuyển lương thảo cho nghĩa quân, rồi tập trung tấn công quyết liệt. Nghĩa quân cầm cự được 2 năm, đến năm 1887, ông bị bắt giao cho Nam Triều xử tội. Ngày 17/10 năm Đinh Hợi, tức ngày 28/11/1877, triều đình nhà Nguyễn dưới thời Vua Đồng Khánh khép ông Đinh Văn Chất tội khi quân và hạ chiếu tru di tam tộc.
Trong lúc họ tộc đang hoảng loạn bởi đại án, con út của cụ Chất là Đinh Văn Chí may mắn được cụ bà người làng trùm mấn (váy) đem trốn vào Vinh, sau đó được phía ngoại đưa sang Phúc Kiến (Trung Quốc) lánh nạn. Hơn 10 năm trốn án tại Phúc Kiến, khi tình hình quê nhà đã yên ổn, ông trở về quê đổi tên thành Đinh Văn Chấp. Ông Chấp học hành đỗ đạt, ra làm quan.
Cầu Khoa Trường nay chỉ còn là kỷ niệm song trong mấy trăm năm tồn tại nó đã trở thành một chứng tích lịch sử gắn liền với đất và người Nghi Long và dòng họ Đinh Kim Khê nổi tiếng hiếu học, khoa bảng và yêu nước. Đây là dòng họ có các nhân vật xuất sắc trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, quân sự, phật giáo… Một dòng họ có các nhân vật tiêu biểu đấu tranh hết mình để chống cường quyền, bảo vệ cho lẽ phải. Ghi nhận đóng góp của họ Đinh Kim Khê nhiều địa phương trong cả nước đã đặt tên đường như: Đinh Văn Chất ở TP. Vinh, Đinh Hồng Phiên ở thị xã Cửa Lò, Đinh Văn Chấp ở Đà Nẵng.