Lần tìm lịch sử Đoàn Đặc công biệt động 1
Cuốn sách “Lịch sử Đoàn Đặc công biệt động 1” (trang 52 +53) có đoạn: “Đêm 2 rạng ngày 3/10/1972, Đoàn A54 tiến công sân bay 372. Lực lượng tham gia trận đánh có 11 người tổ chức thành 2 tổ chiến đấu và 1 tổ mở cửa. Tổ thứ nhất gồm 4 người, do đồng chí Nguyễn Khắc Nga chỉ huy đánh phá máy bay...
Hai tổ chiến đấu bình tĩnh, tự tin luồn vào mục tiêu đặt hơn 30 quả mìn nổ hẹn giờ vào nơi hiểm yếu nhất của máy bay, kho xăng, máy phát điện. Đến 2 giờ sáng ngày 3/10, bộc phá trong sân bay nổ giòn giã liên hồi. Máy bay và kho xăng bốc cháy. Kết quả ta phá hủy, phá hỏng 23 máy bay các loại, 1 máy phát điện, đốt cháy 1 kho xăng.
Về phía ta, khi các tổ lui quân bị địch phát hiện, chúng dùng hỏa lực bắn xối xả vào đội hình và bịt cửa làm 3 chiến sỹ hy sinh. Đồng chí Nguyễn Khắc Nga bị địch bắt khi trên người mang 8 viết thương...”.
Những ngày tháng 4, khi cả nước đang hướng về ngày kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, chúng tôi có dịp được gặp gỡ và trò chuyện với ông Nguyễn Khắc Nga - người tham gia phá hủy máy bay Mỹ tại sào huyệt ở Thái Lan.
Trong ngôi nhà nhỏ ở khối 1, phường Thu Thủy (thị xã Cửa Lò), người lính đặc công năm xưa chia sẻ: “Năm 1965, vừa tròn 18 tuổi, tôi nhập ngũ, thuộc quân số Sư đoàn 324, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Sau đó, tôi được ra Bắc huấn luyện đặc công biệt động rồi được tung sang hoạt động ở Lào và Thái Lan. Tôi bị địch bắt trong trận đánh sân bay 372 ở Thái Lan, phải đến năm 1978 hai nước đàm phán trao trả mới được trở về...”.
Những người lính đặc công biệt động ở ngoại tuyến (Lào và Thái Lan) thường chia thành nhóm trên dưới 10 người, độc lập tác chiến và đương nhiên ít có sự hỗ trợ từ hậu phương. Ông Nga cùng đồng đội thuộc Đoàn A54 luồn rừng, lội suối, vượt sông Mê Kông mùa nước lũ để đánh chiếm mục tiêu, tiêu hao sinh lực địch và xây dựng cơ sở.
Và việc ăn măng, rau rừng, củ chuối thay cơm là chuyện thường ngày. Để che mắt kẻ thù, những người lính ấy có thể cải trang thành nhà sư khất thực, khách du lịch hay một nông dân bản địa...
Vỡ òa niềm vui chốn ngục tù
Cuối năm 1972, để gây sức ép trên bàn hội nghị tại Paris, Mỹ đã âm mưu dùng số lượng lớn máy bay, trong đó có “Pháo đài bay B-52” ở các căn cứ trên Thái Bình Dương và đất Thái Lan để đánh phá trở lại Hà Nội và một số tỉnh, thành miền Bắc. Dự đoán được âm mưu của địch, ta quyết định bên cạnh lực lượng phòng không - không quân đánh chặn máy bay trên bầu trời miền Bắc sẽ sử dụng lực lượng đặc công biệt động đánh phá máy bay địch ngay tại sào huyệt của chúng.
Hệ thống máy bay tại các căn cứ của Mỹ trên đất Thái Lan là mục tiêu phá hủy của Đoàn A54. Với tinh thần mưu trí, dũng cảm, không ngại gian khổ và hy sinh, lực lượng đặc công biệt động đã tấn công vào các căn cứ không quân Mỹ ở Thái Lan. Điển hình là trận tập kích sân bay T90, T99, đặc biệt trận đánh vào sân bay 372 do ông Đào Đức Hạnh chỉ huy, ông Nguyễn Khắc Nga chỉ huy tổ thứ nhất thực hiện nhiệm vụ phá máy bay.
Trở lại với diễn biến trận tập kích vào sân bay 372, sau khi bị địch bắt, ông Nguyễn Khắc Nga được cứu chữa vết thương để khai thác thông tin. Sách “Lịch sử Đoàn Đặc công biệt động 1” tiếp tục viết về người con đất Nghệ: “Sau nhiều lần bị đối phương tra hỏi, câu trả lời duy nhất của Nguyễn Khắc Nga là: Tôi, chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam đi đánh căn cứ Mỹ, vì Mỹ sử dụng máy bay, bom đạn ở căn cứ này đi đánh phá Việt Nam, giết hại nhân dân nước tôi”.
Không khai thác được thông tin, địch đẩy người lính kiên trung ấy vào hầm tối biệt giam, tiếp tục sử dụng nhục hình để tra tấn. Suốt 2 năm trời chỉ ở trong căn phòng 2m2, không có ánh sáng mặt trời. Mãi đến năm 1974, khi quân Mỹ rời khỏi Thái Lan, giao lại tù binh cho nước này quản lý, ông Nguyễn Khắc Nga mới được rời chốn biệt giam, được thấy ánh nắng mặt trời, tiếp xúc với những người tù khác, các sinh hoạt cũng được nới lỏng.
Ông Nga kể: “Trưa 30/4/1975, tôi và anh Trần Hữu Hiệp (cùng đơn vị A54, bị bắt trong trận đánh khác - PV) mở ra-đi-ô, dò sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và hay tin Sài Gòn đã được giải phóng. Hai anh em ôm chầm lấy nhau, niềm vui vỡ òa, vừa reo vui, vừa khóc nức nở, vì biết sớm muộn gì cũng sẽ được về Tổ quốc thân thương. Tin vui lan sang những phòng khác, những tù nhân người Thái, rồi cả lính Thái cũng reo hò, tiếp đến là bà con Việt kiều vào thăm hỏi, chúc mừng...”.
Nhưng cũng phải chờ 3 năm sau, khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang đàm phán với Chính phủ Thái Lan, ông Nga và ông Hiệp mới được trao trả. Không thể diễn tả hết niềm vui sướng, xúc động khi bước lên máy bay ở sân bay Băng Cốc cùng đoàn công tác của Bộ Ngoại giao.
Đặt chân xuống thủ đô Hà Nội, người lính dũng cảm, can trường ấy òa khóc như đứa trẻ lâu ngày gặp mẹ... Về thăm nhà, mới hay mình đã thành “liệt sĩ”, đơn vị gửi giấy báo tử cho gia đình từ 6 năm trước.
Đến nay, ông Nguyễn Khắc Nga vẫn lưu giữ bức ảnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Thái Lan bắt tay nhau sau cuộc hội đàm được đăng trên một tờ báo của Thái Lan. Và một chiếc áo len được Đại sứ quán tặng cùng những vết thương chi chít khắp người.
Ông Nguyễn Trọng Thành - Chủ tịch Hội Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đày cho biết: “Đồng chí Nguyễn Khắc Nga năm nay đã 52 năm tuổi Đảng, từng lập được nhiều chiến công trong chiến đấu, bị địch bắt giam và tra tấn nhưng vẫn giữ vững khí tiết. Về với đời thường, sống giản dị, hòa đồng và nghĩa tình với đồng đội”.