Một thời xuyên rừng Sác
Cũng như phần lớn những người sinh cùng thời, tuổi trẻ của ông Nguyễn Minh Đức (SN 1953) ở xóm Thành Vinh 2, xã Nghi Quang (Nghi Lộc) là những năm tháng sôi nổi và cầm chắc tay súng, quyết tâm chiến đấu đánh đuổi quân thù xâm lược. Bước sang tuổi thiếu niên đã theo cha lên thuyền ra khơi đánh cá, qua tháng năm người con trai làng biển dạn dày trước sóng, gió.
Tròn 18 tuổi lên đường nhập ngũ, ông Đức được biên chế vào Đoàn 126 – Đặc công Hải quân. Xong kỳ huấn luyện với bao gian khổ, người lính trẻ hành quân vượt dãy Trường Sơn, tiến xuống vùng Đông Nam Bộ và trở thành lính Đoàn 10 – Đặc công rừng Sác. Tại đây, ông cùng đồng đội trải qua bao gian khổ, ác liệt và hy sinh để xây dựng tình đoàn kết, lập nên chiến công trước kẻ thù hung bạo.
Trong đó, phải kể đến trận đánh ở cảng Rạch Dừa (Bà Rịa – Vũng Tàu) vào tháng 9/1972, đánh chìm tàu vận tải 17 nghìn tấn, toàn bộ vũ khí của địch bị phá hủy. Rồi trận đêm 27/1/1973, Nguyễn Minh Đức dùng khẩu B-41 bắn cháy một tàu chiến, tiêu diệt được 16 tên địch.
Và giữa tháng 10/1973, ông cùng hai đồng đội tiềm nhập mục tiêu, đặt mìn đánh chìm tàu địch neo đậu trên cảng. Lúc trở ra, bị địch phát hiện và bắn xối xả như mưa, mỗi người một hướng rút lui để tránh sự truy kích, ông Đức bị trúng đạn, vết thương ra nhiều máu. Ngất lịm giữa rừng đước, tỉnh dậy lại tiếp tục đi, cứ thế 3 ngày sau ông mới tìm về được đơn vị trong sự ngỡ ngàng, vui sướng của đồng đội…
Kỷ vật giá trị nhất của đời lính ông Đức đang giữ là bức ảnh 4 người lính đặc công rừng Sác cùng đi trên chiếc thuyền nhỏ giữa dòng kênh, người cầm chèo đứng sau cùng là chiến sỹ Nguyễn Minh Đức. Bức ảnh do máy bay địch chụp trong một chuyến tuần tra, được công bố sau ngày giải phóng và thành tư liệu của Đoàn 10 Đặc công rừng Sác và quân đội nhân dân Việt Nam.
Chiến tranh kết thúc, Nguyễn Minh Đức trở về với làng biển Nghi Quang và kết hôn với bà Nguyễn Thị Cát – một người lính của Đoàn 559. Vợ chồng lần lượt sinh được 3 người con (2 trai, 1 gái), cuộc sống vất vả, khó khăn, ông Đức cùng anh em, họ hàng đóng tàu vươn khơi, bám biển. Còn bà Cát ở nhà vừa chăm sóc các con, vừa quẩy đôi quang gánh đến khắp các khu chợ gần, xa để bán từng con cá, con tôm.
Cách đây gần 25 năm, ông Đức nhận thấy những mảng da ở tay, chân, rồi khắp người cứ sùi vảy và bong ra, ban đầu tưởng bị bệnh vảy nến nhưng chữa trị không khỏi. Triệu chứng ngày một nặng thêm, đi khắp các bệnh viện, cuối cùng ông nhận được kết luận bị ung thư da.
Nhớ lại những năm tháng ở chiến trường, ông Nguyễn Minh Đức nghĩ rằng có thể do hậu quả chất độc da cam mình đã nhiễm phải trong những lần băng rừng đánh địch. Không còn đủ sức đi biển để mưu sinh, lại phải lo chi phí chữa bệnh, gia đình trở nên khánh kiệt, bởi các thứ có giá trị lần lượt phải bán đi. Nhưng quyết không đầu hàng bệnh tật, hàng chục năm qua người cựu binh ấy đã kiên trì chống chọi với những cơn đau…
Đã thế, cái thứ chất độc quái ác của kẻ thù rải xuống vẫn chưa chịu buông tha cho ông Nguyễn Minh Đức khi con trai đầu cưới vợ, qua 3 lần sinh thì 2 lần đứa trẻ vừa sinh ra đã phải từ giã cuộc đời. Lần sinh nở thứ 3 may mắn hơn nhưng đến nay đứa trẻ vẫn thường xuyên ốm yếu, quanh năm phải lo việc thuốc thang. Rồi con trai thứ hai cũng lận đận trong đường con cái.
Ông Nguyễn Minh Đức chia sẻ: “Có những đêm tôi thức trắng vì những cơn đau liên tiếp, phải nén tiếng rên và tiếng ho, vì sợ vợ và con thức giấc. Nằm trằn trọc, nghĩ đến những đứa cháu chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã từ biệt trần gian, lòng tôi lại đau đớn đến quặn thắt”.
Và sau mỗi đêm như thế, ông Đức tưởng chừng như không đủ sức để gượng dậy, hơi thở như đuối dần, sức lực không còn đủ để nhấc nổi tấm thân. Nhưng rồi, bằng nghị lực của một người từng kinh qua lửa đạn chiến tranh, ông vận hết sức lực để ngồi dậy, rồi lảo đảo bước ra sân ngắm bình minh…