(Baonghean) - Thứ quả thân quen ở miền quê nào cũng có, nhắc tới là gợi nên cả một ký ức xưa cũ, yên bình. Từ lúc hãy còn bé như ngón chân cái xanh nõn màu ngọc thạch đã được lũ trẻ tuổi đồng dao say mê vặt trộm chấm cùng muối ớt. Cho đến khi nắng hạ đã sánh vàng cuối mùa là vào cữ mít chín nhiều, mùi thơm lan khắp ngõ làng. Những múi mít mật, mít dai hươm vàng sắc mật ngọt thì đã đành. Ngay đến những cọng xơ, tưởng chừng lặng yên an phận nâng niu bao bọc cho múi đọng hương, cũng được người quê chế biến thành biết bao món dân dã, quê kiểng thôi, nhưng đâu đã có ai quên. Bởi đó là cả một mảnh hồn quê để nhớ về.
Những cọng xơ mít mỏng manh, tưởng chừng tảo tần đến cằn cỗi cả thân mình, vẫn trở thành thức đắp đổi cho tháng Ba ngày Tám, lúc giông gió sụt sùi cho người quê bằng vại nhút mặn góc bếp. Thảnh thơi hơn, lại có những món dân dã mà giờ đây lên với phố thị, lại trở thành đặc sản không chừng. Ấy là đang nói về món canh chua xơ mít. Kể ra, để có một nồi canh chua xơ mít đúng điệu, cũng chẳng cần kỳ công hay thêm thắt mỹ vị gì. Chỉ là dăm ba thứ quanh quẩn vườn nhà, cùng đôi con cá, tép nơi cuối sông, đầu bãi là thành. Cái ngon ở đây phải tính bằng vị trong trẻo thanh chua của xơ mít vườn nhà, vị tươi ngon của những sản vật quê kiểng đi kèm và hình như quan trọng nhất, là cái tình của mẹ, của chị hay xa lắc, xa lơ trong hoài niệm là dáng còng của bà nội, bà ngoại lụm cụm nhóm bếp rơm mới thành miếng hồn quê là vậy.
Quả mít rời cành, được tách hết múi vàng ươm, những tảng xơ vẫn còn vấn vít chút hương mật được bà tôi xé tươm. Nồi nước muối đun sôi để nguội đổ ngập chừng 2 lóng tay lên lớp xơ đã được nén chặt bằng vỉ tre, dằn kỹ bên trên bằng một hòn cuội lớn cỡ vài ba cái bát chiết yêu đựng canh. Chừng 1 tuần sau, lớp xơ bắt đầu lên men, thoảng mùi chua dịu. Cái vị chua nghe thanh tao khó lẫn với bất kỳ vị khác. Lúc này, xơ mít đã được đổi tên mới: nhút. Từ đó, đời nhút đi vào ca dao, dân ca, vào biết bao văn chương, thơ phú đến mức đã thành danh một miền đất như "Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn". "Sang" là vậy, nhút được đem ra xào, nấu canh với cá đồng, tép bãi, kho cá hay để nguyên rắc lạc rang giã nhỏ, thêm tý lá chanh đều gợi nhớ.
Bát canh xơ mít thường dễ nấu thôi, nhưng lại đượm cái "tình", cái tảo tần của người nấu. Buổi tối trước, cái tảo tần của mẹ hay chị chịu khó đi đặt "nhủi", kéo te kiếm mớ cá vụn hay ít tép tươi để đó. Xơ mít được vớt ra, vắt kỹ, cắt đôi, cắt ba. Nắm hành tăm cho vào phi liu riu thơm lừng trên chảo xào cùng xơ mít. Khoảng độ vài gáo dừa nước cho vào đun sôi. Khi thấy xơ mít hơi chuyển màu, nổi lên tỏa thơm là lúc cho mớ cá, tép đã làm sạch vào, sôi bùng lên lần nữa. Nhắc xuống thêm tý hành lá hoặc mùi, mang ra mâm cơm hãy còn tỏa khói. Bữa cơm mà có thêm đĩa cá đồng kho khô sém cạnh cùng xơ mít, hay "sang" hơn là đĩa thịt ba chỉ cũng kho cùng xơ mít để cha đưa cay cùng chén rượu quê sủi tăm, giãn gân giãn cốt sau buổi thăm đồng cũng kể như là đủ vị.
Ngày nay, lên phố, món nhút dân dã đã "lên đời" thành đặc sản với đủ kiểu biến tấu và tên gọi điệu đà. Thế nhưng, ngồi bên đĩa nộm nhút được đầu bếp phố thị trổ tài với những sắc màu phối nhau rộn rã nơi căn gác 2 một nhà hàng, lại chợt mông lung ngó về phía xa khoảng trời mây trắng mà bâng khuâng nhớ về nồi canh xơ mít đã dần xa.
Bút Tím