Chiều 27/1, sau 2 ngày làm việc, TAND TP. Cần Thơ tuyên giữ nguyên hình phạt 4 năm 6 tháng tù đối với Trương Châu Hữu Danh về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhântheo Khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Tòa cũng tuyên y án 3 năm tù đối với bị cáo Đoàn Kiên Giang, Lê Thế Thắng; 2 năm tù đối với Nguyễn Phước Trung Bảo và Nguyễn Thanh Nhã về cùng tội danh.
Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vai trò lãnh đạo của Đảng, ảnh hưởng đến vai trò quản lý của Nhà nước ở địa phương, gây bất ổn xã hội... nên cần xử lý nghiêm. "Tòa cấp sơ thẩm đã đánh giá vai trò, mức độ tham gia của từng bị cáo, xem xét các tình tiết giảm nhẹ và đưa ra mức án phù hợp nên không có căn cứ để giảm thêm", bản án phúc thẩm nêu.
Tòa cũng bác kháng nghị của VKS, giữ nguyên hình phạt bổ sung là buộc các bị cáo không được hành nghề báo chí trong 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Liên quan đến kháng nghị của VKS về việc bỏ hình phạt bổ sung đối với các bị cáo, HĐXX cho rằng, Điều 41 Bộ luật Hình sự quy định về việc cấm đảm nhiệm chức vụ trong hành nghề, hoặc làm công việc nhất định (sau khi thi hành xong án phạt tù) nếu xét thấy người đó có thể gây nguy hại cho xã hội.
"Trong vụ án này, các bị cáo Danh, Bảo, Giang, Nhã đều làm báo, nhưng các bị cáo đã sử dụng điều kiện này để thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, việc áp dụng hình phạt bổ sung là không trái quy định pháp luật", HĐXX nhận định.
Họ đã viết và đăng bức xúc của người dân liên quan Dự án Khu đô thị mới tại ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai; vụ án Hồ Duy Hải, tranh chấp đất tại Đồng Tâm, hạn mặn miền Tây, Đại học Tôn Đức Thắng, cưỡng chế tại Gia Trang Quán (TP HCM)...
Tòa xác định các bài viết này sai sự thật, "núp dưới danh nghĩa đấu tranh chống tiêu cực, hoạt động báo sạch nhưng thực chất là tiêu cực". Bị cáo Danh và đồng phạm không sử dụng hình ảnh, câu chữ rõ ràng mang tính chống phá nhưng qua cách thức, nội dung trình bày đã khiến dư luận tin vào bài viết là đúng. Nhiều người vào bình luận, bày tỏ cảm xúc, chia sẻ, công kích, sử dụng ngôn từ khó nghe đối với các tổ chức, cá nhân.
Tại phiên xử phúc thẩm, Danh và đồng phạm đều khẳng định mục đích lập nhóm Báo sạch là muốn phản biện xã hội, xây dựng... chứ không có động cơ chống phá Đảng, chính quyền. Tuy nhiên, các bị cáo thừa nhận quá trình thực hiện có sai sót dẫn đến vi phạm pháp luật nên xin chịu trách nhiệm và xin lỗi các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng từ các bài viết của mình. Các bị cáo cho rằng mức án cấp sơ thẩm áp dụng là "quá nặng".