(Baonghean) - Tình trạng nhiều công trình đầu tư không đưa vào sử dụng hoặc hiệu quả sử dụng thấp ở một số địa phương đang gây ảnh hưởng lớn đến các chủ trương, chính sách về đầu tư xây dựng hạ tầng. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là cần thay đổi nhận thức trong đầu tư, lấy hiệu quả là chính chứ không nên dừng lại ở việc “được” công trình.
 
images890056_4b.jpgCụm trường bản Đại Sơn được xây dựng khang trang nhưng không sử dụng.
Cụm Trường Mầm non bản Đại Sơn (trước đây là bản Canh Sọt), xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, khởi công xây dựng từ tháng 9/2012, hoàn thành, bàn giao ngày 31/12/2012 có tổng vốn đầu tư 1,328 tỷ đồng. Quy mô cụm trường gồm 4 phòng học rộng rãi, thoáng mát, nền được lát gạch men sáng bóng, có công trình vệ sinh khép kín. Thế nhưng, tính từ ngày bàn giao đến nay, cụm trường này vẫn chưa sử dụng. Liên lạc qua điện thoại với ông Thái Duy Tuyên - cán bộ Ban Quản lý Thủy điện 2 phụ trách khu tái định cư được biết, cụm trường mầm non bản Đại Sơn vốn không nằm trong quy hoạch ban đầu, nhưng qua các cuộc làm việc huyện đề nghị nên ban đã đưa vào kế hoạch trình bổ sung xây dựng. Cũng theo ông Tuyên, quan điểm của Ban Quản lý Thủy điện 2 tại xã Thanh Sơn chỉ bố trí 2 điểm trường để tập trung đầu tư, nhưng sau đó theo tập quán của đồng bào mỗi bản phải có một cụm trường như ở Tương Dương, nên ban đã xây dựng 13 điểm trường mầm non, thêm điểm ở Đại Sơn bổ sung sau này nữa là 14 điểm trường.
 
Việc xây dựng các cụm trường mầm non tại các bản nhằm tạo điều kiện cho con em đi lại thuận lợi là nhu cầu chính đáng, tuy nhiên xét trong điều kiện không đủ giáo viên bố trí, quy mô học sinh ở bản quá ít và trước yêu cầu đổi mới giáo dục thì hoàn toàn không phù hợp. Cô giáo Trần Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Thanh, xã Thanh Sơn, cho biết: “Từ năm 2009 đến nay, số cháu trong độ tuổi từ 3 đến 5 dao động từ 15 - 18 cháu và trẻ từ 0 đến 3 tuổi khoảng 14 cháu. Như vậy, xét về quy mô học sinh không đủ để tổ chức lớp học theo chương trình giáo dục mầm non phân chia độ tuổi. Trước khi có chủ trương xây dựng cụm trường này, nếu các cấp và đơn vị liên quan thông qua nhà trường thì chúng tôi sẽ bàn phương án khác”.
 
Sân chơi bằng nền đất tại cụm trường Thái Lâm (Thanh Sơn - Thanh Chương).
Rõ ràng khi quyết định đầu tư xây dựng cụm trường này, chủ đầu tư (Ban Quản lý Thủy điện 2) và Ban Quản lý Dự án thuộc UBND huyện Thanh Chương đã bỏ qua việc khảo sát nhu cầu thực tiễn và ngay cả bên được thụ hưởng công trình là Trường Mầm non Kim Thanh cũng không hề biết, dẫn đến công trình xây xong không sử dụng, gây lãng phí lớn. Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề cụm Trường Mầm non Đại Sơn chưa đưa vào sử dụng, ông Phan Đình Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện ngạc nhiên: “Tui cũng không biết đến thời điểm ni cụm trường vẫn chưa sử dụng. Chị em nói (P.V), tui mới biết”.
 
Điều này cho thấy, Ban quản lý dự án của huyện không hề quan tâm công trình có sử dụng hay không và được sử dụng như thế nào. Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu được, thời điểm xây dựng cụm trường tại bản Đại Sơn, trên địa bàn xã Thanh Sơn có nhiều bản do dân số giảm đã dồn về học tại cụm trường khác, từ 13 cụm trường rút xuống còn 5 cụm trường (năm 2010) và năm 2013 rút tiếp 2 cụm trường nữa. Hiện tại chỉ còn duy trì 3 cụm trường đặt ở 3 vùng trung tâm, con em các bản đến cụm trường gần nhất đều có bán kính khoảng 2,5 - 3 km. “Đường đến trường bây giờ dễ đi hơn nhiều so với khi còn ở Tương Dương (toàn đường nhựa, dài 2,8km - P.V). Dân bản mong muốn con em mình được học ở ngay trong bản, đỡ đi lại vất vả, nhưng nếu học ở các cụm trường ngoài mà chất lượng tốt hơn thì dân bản vẫn muốn cho con đi học ở nơi tốt” - chị Lay Thị Na - Chi ủy viên Chi bộ bản Đại Sơn, đại biểu HĐND xã Thanh Sơn, chia sẻ.
 
Bất cập ở xã Thanh Sơn hiện nay là thừa trường mầm non, nhưng thiếu chợ, nhà văn hóa các bản chật chội, thiếu diện tích. Ngay ở cụm trường Thái Lâm - 1 trong 3 cụm trường hiện đang duy trì học tập của con em ở xã Thanh Sơn; nơi mà con trẻ ở bản Đại Sơn đang học, sân chơi vẫn đang nền đất, đồ chơi nghèo nàn. Thay vì xây dựng thêm cụm trường mà không đưa vào sử dụng, UBND huyện Thanh Chương nên đề xuất với Ban Quản lý Thủy điện 2 đầu tư nâng cấp 3 cụm trường hiện có, tạo ra môi trường học tập tốt hơn cho con em. Được biết, đây không phải là công trình duy nhất ở Thanh Chương để lãng phí mà trên địa bàn huyện đã có một số công trình như: công trình nước sạch ở xã Ngọc Sơn (Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường); dự án hệ thống thủy lợi tại xã Thanh Đức (thuộc Chương tình 135), đều có vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng; dự án xây dựng trung tâm thương mại và kiốt kinh doanh tổng hợp khu chợ mới Rộ đã hoàn thành giai đoạn I, trị giá hơn 10 tỷ đồng cũng bị bỏ hoang.
 
Không đến mức “tệ” đầu tư xong đắp chiếu như một số công trình ở huyện Thanh Chương nêu trên, nhưng nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng của 3 bản Lung Phượng, Lung Bình, Lung Hà, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Đàn) được đầu tư xây dựng chưa được bao lâu (năm 2012) đã nhếch nhác, bẩn thỉu. Ông Lê Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Đàn), thừa nhận: “Từ khi công trình hoàn thành, mỗi năm chỉ được vài lần sử dụng vào dịp tết, ngày lễ của đồng bào. Chúng tôi thấy được sự thiếu sót khi chưa khai thác, sử dụng, quản lý có hiệu quả công trình trên. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục”.
 
Do yêu cầu phát triển của xã hội nên trên địa bàn tỉnh, nguồn xây dựng cơ bản là rất lớn và được tăng lên qua từng năm. Nếu như năm 2006 tổng vốn đầu tư trên địa bàn mới chỉ đạt 9.577 tỷ đồng thì đến năm 2013 ước cả năm là 31.729 tỷ đồng. Nhìn chung, các công trình XDCB được xây dựng thời gian qua thực sự góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, xoá đói giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân, trở thành một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào việc thúc đẩy sự tăng trưởng của tỉnh. Song bên cạnh đó, không thiếu những công trình xây xong nhưng chưa một ngày sử dụng hoặc hiệu quả sử dụng thấp, không những gây lãng phí rất lớn, tạo ra phản cảm, suy giảm niềm tin của nhân dân.
 
Ông Sầm Hải Lý - Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Dân tộc tỉnh, khẳng định: Hầu hết các công trình, dự án hạ tầng thuộc Chương trình 135 được đầu tư thời gian qua trên địa bàn các huyện miền núi đã góp phần làm thay đổi cuộc sống người dân. Nhưng chất lượng, hiệu quả sử dụng thì chưa hoàn toàn tốt. Ngoài nguyên nhân do địa hình dốc, thiên tai, lũ ống lũ quét xảy ra thì công tác khảo sát, thiết kế, lập báo cáo kỹ thuật của một số đơn vị tư vấn chưa thật sự chất lượng, năng lực của các chủ đầu tư còn yếu kém...
 
Qua tìm hiểu một số ngành, lĩnh vực và một số địa phương, nguyên nhân các công trình XDCB dân sinh kém hiệu quả còn do việc lựa chọn, xác định công trình đầu tư của chủ đầu tư còn theo ý chủ quan, chưa khảo sát kỹ càng, nghiêm túc trong việc xây dựng các công trình. Thậm chí vẫn còn tư tưởng có nguồn thì cứ triển khai xây dựng để được công trình mà không quan tâm đến công trình đó có sử dụng được hay không và hiệu quả sử dụng cao hay thấp. Ông Vi Thành Viên - Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn (Thanh Chương) bộc bạch: “Nếu cấp trên nói chỗ này (Trường Mầm non cụm bản Đại Sơn) không phù hợp quy hoạch, không được làm thì cũng thôi. Làm hay không làm là quyết định thẩm quyền của cấp trên, còn về trách nhiệm của xã thì chỉ đề xuất theo nguyện vọng của dân”. 
 
Vì vậy, để các công trình đầu tư XDCB phát huy hiệu quả, hạn chế lãng phí thì cần có quy hoạch, kế hoạch, tầm nhìn dài, tuyệt đối tránh chủ quan duy ý chí hay “lợi ích nhóm” chi phối. Xác định các tiêu chí và thứ tự ưu tiên làm căn cứ để phê duyệt hoặc từ chối, cắt giảm các dự án đầu tư. Các ngành, các địa phương cần thay đổi nhận thức trong đầu tư, lấy hiệu quả làm chính chứ không nên dừng lại ở việc “được” công trình, từ đó có thể “nhường” hoặc ưu tiên các ngành, địa phương khác cần công trình hơn, khắc phục tình trạng dàn trải, “nhỏ giọt” vốn trong xây dựng cơ bản. Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có cơ chế làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân gây ra sự lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản và hiệu quả sử dụng công trình thấp. Có như vậy, lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản mới được lập lại trật tự và nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần đưa công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí hiện nay đi vào thực chất. 
 
Bài, ảnh: Mai Hoa