(Baonghean) - Luôn bị đe dọa bởi nạn dịch sâu róm, hay thường xuyên phải cẩn trọng với công tác PCCCR… nhưng diện tích rừng thông ở Nghệ An vẫn phát triển, góp phần tăng nhanh độ che phủ rừng và tạo ra giá trị kinh tế cao, giúp người dân vùng bán sơn địa có nguồn thu nhập ổn định.

Thông là loại cây rất khó trồng, ngoài việc phải đầu tư nhiều công sức để chăm sóc, bảo vệ, thì trồng cây thông phải luôn cận trọng với dịch sâu róm và công tác PCCC rừng… Bởi vậy, để quản lý, khai thác hiệu quả rừng thông, Công ty TNHH 1TV Lâm nghiệp Đô Lương đã đưa ra các giải pháp cùng hợp tác liên doanh với công nhân lâm trường và người dân vùng lân cận rừng thông.

Cụ thể, doanh nghiệp đầu tư 100% vốn vào phát triển cây thông để công nhân lâm trường, hoặc người dân nhận quản lý, bảo vệ, khai thác, rồi sau đó chia 30% lợi nhuận cho người nhận. Hay doanh nghiệp cùng với dân đầu tư trồng thông, quản lý, khai thác và sau đó chia 50% lợi nhuận… Nhờ áp dụng linh hoạt hình thức liên doanh và luôn tạo lợi thế cho người dân chăm sóc, quản lý, khai thác rừng thông, nên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đô Lương đã tạo được hiệu quả trong việc khai thác nhựa thông, đồng thời giúp cho các hộ công nhân lâm trường, gia đình trong vùng có thu nhập cao. 

Gia đình chị Bùi Thị Hương là công nhân lâm nghiệp ở xã Giang Sơn Tây (Đô Lương) nhận khoán 18 ha rừng thông của công ty với hình thức là gia đình nhận 30% lợi nhuận từ việc chăm sóc, bảo vệ và từ khoản thu nhập này, mỗi năm gia đình chị Hương nhận được hơn 60 triệu đồng. Hay gia đình anh Phạm Xuân Anh, là công nhân lâm nghiệp tại Trạm Khai thác nhựa thông Quyết Thắng nhận khai thác nhựa với số lượng 1.200 gốc thông, nhờ biết cách khai thác nhựa hợp lý gia đình có thu nhập bình quân mỗi tháng 10 triệu đồng. Các hộ dân ở vùng lân cận cũng tham gia nhận khai thác nhựa  từ 700 – 1.500 gốc thông, mỗi tháng cho thu nhập từ 6 – 10 triệu đồng. Điển hình cho cách làm này là ở xã Bài Sơn, có gia đình Thái Ngô Sáu, nhận khai thác gần 1.500 cây thông; gia đình ông Đào Công Sơn nhận khai thác nhựa thông gần 1.200 cây...
 
images889575_khu_r_ng_khai_th_c_nh_a_th_ng_t_i_x__b_i_son______luong.jpgKhu rừng khai thác nhựa thông tại xã Bài Sơn - Đô Lương.
 
Diện tích rừng thông ở huyện Đô Lương vào khoảng 7.000 ha và tại Công ty TNHH 1TV Lâm nghiệp Đô Lương có đến 1.700 ha (trong đó có 700 ha đang khai thác nhựa). Hiện nay có 390 hộ tại 8 xã trong huyện nhận khoán rừng thông. Do có thu nhập khá và ổn định từ công tác quản lý, bảo vệ rừng, khai thác nhựa thông, nên người dân yên tâm, gắn bó với rừng. Điều này là cơ sở quan trọng giúp cho doanh nghiệp nâng cao được năng lực cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ nhựa thông và luôn đáp ứng kịp thời những hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn. Năm 2012, khai thác gần 261 tấn nhựa thông và từ đầu năm 2013 đến nay tại Trạm Khai thác nhựa thông Quyết Thắng, Mỹ Sơn, Hòa Sơn và liên doanh với xã Tràng Sơn, Đông Sơn, Hồng Sơn… đã khai thác hơn 250 tấn nhựa và dự kiến đến hết năm nay, sẽ khai thác đạt 270 tấn nhựa thông.
 
Còn tại Ban quản lý rừng phòng hộ Yên Thành, trong những năm qua, nhờ việc đầu tư phát triển diện tích rừng thông đã tạo được thế mạnh trong việc cung cấp nhựa thông và nâng cao doanh thu cho đơn vị. Hiện với 300 ha rừng thông (trong đó có 200 ha đang khai thác) của Ban được rải đều ở 6 xã thuộc vùng bán sơn địa là Xuân Thành, Bắc Thành, Trung Thành, Đồng Thành… Tại đây, Ban quản lý rừng phòng hộ Yên Thành cũng áp dụng phương pháp liên doanh với các hộ dân nhận khoán để chăm sóc, quản lý, khai thác nhựa thông. Cũng với hình thức này, trong diện tích rừng thông của Ban đã có 130 hộ nhận khoán đều có thu nhập ổn định từ cây thông.
 
Ông Nguyễn Văn Thanh – Cán bộ quản lý Ban quản lý rừng phòng hộ Yên Thành cho hay: “Để người dân yên tâm gắn bó với rừng thông, đồng thời từng bước nâng cao thu nhập, Ban thường xuyên đầu tư, hỗ trợ cùng với người dân tăng cường công tác phòng trừ sâu bệnh và PCCC. Từ đầu năm 2013 đến nay, trên tất cả diện tích rừng thông đều tiến hành phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa, phun phòng sâu róm…”  Hiện nay, trên diện tích 200 ha rừng thông đang trong giai đoạn khai thác, hàng năm Ban quản lý rừng phòng hộ Yên Thành có sản lượng khai thác đạt 250 tấn nhựa thông và doanh thu từ nguồn này luôn chiếm 50% tổng doanh thu của Ban.
 
Tìm hiểu được biết, cây thông tồn tại trên vùng đất Nghệ An từ rất lâu và hiện nay, loại cây này trở thành một trong những cây quan trọng trên vùng đất rừng của tỉnh. Ông Nguyễn Tiến Lâm – Phó Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết: “Nghệ An hiện có diện tích rừng thông ổn định khoảng 30.000 ha, trong đó có gần 7.000 ha đang khai thác nhựa và được trồng tập trung chủ yếu ở Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Yên Thành, Quỳnh Lưu…   Hàng năm, sản lượng khai thác nhựa thông từ 3.500 – 4.000 tấn và giá trị xuất khẩu đạt gần 8 triệu USD. Nhờ có vùng rừng thông rộng lớn, không những góp phần tăng nhanh độ che phủ, mà còn tạo ra hiệu qủa kinh tế cao từ nghề rừng. Đặc biệt, có khoảng 2.000 hộ dân ở vùng bán sơn địa có cuộc sống ổn định nhờ tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, khai thác nhựa thông”.
 
Thời gian qua, mặc dù trên thị trường nhựa thông luôn diễn biến phức tạp, nhưng tại thị trường Nhật Bản, Trung Quốc và EU rất ưa chuộng nhựa thông Nghệ An, nên đầu ra tương đối ổn định. Theo một số đơn vị cung cấp nhựa thông, hiện tại giá thu mua nhựa thông nguyên liệu tại Nghệ An là hơn 30 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị của nhựa thông, cần đầu tư xưởng chế biến nhựa thông đạt tiêu chuẩn và từng bước hạn chế tình trạng bán nhựa thông theo dạng nguyên liệu.
 
Hoàng Vĩnh